Theo hãng nghiên cứu NielsenIQ, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trên toàn cầu đang đối mặt một nghịch lý là quá nhiều sản phẩm trong khi có ít không gian trưng bày.
Tại các thị trường mới nổi và đang phát triển, có đến 75% mã sản phẩm (SKU) đóng góp chưa đầy 2% doanh thu. Trong đó, đồ uống, mì ăn liền, chocolate và chất tẩy rửa là một trong những ngành hàng có nhiều SKU hoạt động kém hiệu quả nhất tại những thị trường được khảo sát.
Riêng ở Việt Nam, tỷ lệ này với ngành hàng nước ngọt có ga lên đến 77%, trong khi xà phòng và nước rửa chén cũng ghi nhận mức độ dư thừa sản phẩm lần lượt là 75% và 72%.
Khoảng 77% SKU trong ngành hàng nước ngọt có ga tại Việt Nam đóng góp chưa đến 2% doanh thu. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Hãng nghiên cứu nhận định những năm qua, thị trường gia tăng số lượng thương hiệu và SKU khi các nhà sản xuất cạnh tranh để thỏa mãn người tiêu dùng bằng những sản phẩm và trải nghiệm mới. Tuy nhiên, để tìm ra và duy trì danh mục sản phẩm tối ưu luôn là thách thức lớn cho doanh nghiệp.
Bà Didem Sekerel Erdogan, Phó chủ tịch và Trưởng bộ phận Phân tích chuyên sâu khu vực châu Á Thái Bình Dương, Đông Âu, Trung Đông và châu Phi của NielsenIQ nhận định nếu các nhà sản xuất không tạo được không gian trưng bày hiệu quả thì sẽ vô tình khiến những sản phẩm này "nuốt" mất lợi nhuận.
Thực tế, một nghiên cứu gần đây, tại Việt Nam, trung bình có 162 sản phẩm mới trong cùng ngành hàng được tung ra mỗi năm. Tuy nhiên, trong số này, gần 30% sản phẩm có triển vọng cao không nhận được điều kiện hỗ trợ thỏa đáng để phát huy tối đa tiềm năng.
Những nghiên cứu khác của Bain & Company cũng cho thấy việc giảm 10-20% SKU có thể tiết kiệm đến 10% chi phí sản xuất, 10% chi phí vận hành chuỗi cung ứng, 10% chi phí kho và 5% cho hoạt động tối ưu hóa nguyên liệu thô và chi phí bao bì.
Từ nghiên cứu, đại diện hãng nghiên cứu cho rằng một danh mục sản phẩm hiệu quả là vừa mang lại tăng trưởng lợi nhuận vừa thu hút nhiều phân khúc khách hàng. Do đó, nhà sản xuất cần xác định SKU nào cần loại bỏ và giữ lại.
Tuy nhiên, nhà sản xuất không chỉ có thể tập trung vào sản xuất, cung ứng cho những SKU tăng trưởng tốt mà còn có thể loại bỏ lãng phí. Do đó, cần tăng lợi nhuận và tái đầu tư vào hoạt động phát triển các SKU mới, thu hút thêm nhóm khách hàng mới.