Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VnDirect: Bán lẻ Việt Nam đạt gần 350 tỷ USD năm 2025

Với giả định tổng giá trị bán lẻ năm 2020 đi ngang so với năm 2019, VnDirect ước tính quy mô thị trường bán lẻ sẽ đạt gần 350 tỷ USD vào năm 2025, gấp 1,6 lần năm 2020.

Theo công ty chứng khoán này, nhờ sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và sự tăng trưởng thu nhập nói chung của người dân, tiêu dùng nội địa đã trở thành động lực tăng trưởng chính của ngành bán lẻ Việt Nam. Động lực cốt lõi này vẫn được duy trì trong giai đoạn vừa qua bất chấp tác động của đại dịch Covid-19.

Thực tế, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước đạt hơn 5 triệu tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm trước.

Ban le Viet Nam dat gan 350 ty USD nam 2025 anh 1

Tiêu dùng nội địa vẫn là động lực tăng trưởng chính của ngành bán lẻ Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Danh.

"Chúng tôi tin rằng sự ngăn chặn thành công đại dịch của Việt Nam sẽ là yếu tố giúp duy trì tăng trưởng doanh thu bán lẻ vào năm 2021, trước khi tăng mạnh khi vaccine Covid-19 có mặt trên toàn cầu. Năm 2021, chúng tôi kỳ vọng tiêu dùng sẽ phục hồi trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dự kiến tăng 8,5-9% so với cùng kỳ", VnDirect nhận định.

Dựa trên dự báo của Bộ Công Thương là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 9-9,5%/năm trong giai đoạn 2020-2025, với giả định tổng giá trị bán lẻ năm 2020 đi ngang so với năm 2019, VnDirect ước tính quy mô ngành bán lẻ sẽ đạt gần 350 tỷ USD vào năm 2025, gấp 1,6 lần năm 2020.

Sau đại dịch, công ty chứng khoán này cho rằng các doanh nghiệp bán lẻ lớn với chiến lược hợp lý sẽ có cơ hội củng cố mạng lưới và đạt thị phần lớn hơn.

Những công ty bán lẻ dự kiến có thể tăng trưởng trong dài hạn là Thế giới Di động (tăng từ mức thị phần 39% cuối năm 2019 lên hơn 42% sau quý II/2020) và PNJ (tăng mạnh từ mức 23,2% trong quý I/2020 lên 34,7% trong quý II/2020 và 35,8% trong quý III/2020).

Cũng từ đây, các nhà phát triển bất động sản thương mại có thể tận hưởng dòng chảy của các thương hiệu quốc tế vào Việt Nam, cả về diện tích cho thuê lẫn giá thuê.

Trong năm nay, chuỗi sản phẩm gia dụng Nhật Bản Muji khai trương cửa hàng đầu tiên và lớn nhất ASEAN tại Việt Nam, thương hiệu dược mỹ phẩm Matsumoto Kiyoshi cũng mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM. Chưa kể, hãng thời trang Uniqlo liên tục khai trương các điểm bán mới ở Hà Nội và TP.HCM.

"Chúng tôi tin rằng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản bán lẻ của Việt Nam sẽ nhanh chóng trở lại mức trước Covid-19 khi đại dịch được kiểm soát và đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ sau đó, trong bối cảnh Việt Nam có diện tích trung tâm thương mại trên đầu người và giá thuê bất động sản bán lẻ thấp nhất trong khu vực ASEAN", VnDirect đánh giá.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm