Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thương mại dự kiến thặng dư 7 tỷ USD

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa dự kiến khoảng 267 tỷ USD, từ đó đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa đạt khoảng 7 tỷ USD.

Ngày 16/12, tại “Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2020”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh 2020 là một năm đầy khó khăn đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có xuất khẩu nói chung và xúc tiến xuất khẩu nói riêng. Tuy nhiên, hoạt động ngoại thương vẫn đạt kết quả đáng tự hào.

Cụ thể, tính đến hết tháng 11, Việt Nam đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 11 tháng đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3%. Đáng chú ý, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch.

Thuong mai du kien thang du 7 ty USD anh 1

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Tạp chí Công Thương.

Dự kiến, cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1%, trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa khoảng 260 tỷ USD, tăng khoảng 2,6%. Như vậy, mức thặng dư thương mại vào khoảng 7 tỷ USD.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2021.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, với quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới hơn 500 tỷ USD, hoạt động xúc tiến xuất khẩu cần tương xứng hơn với giá trị xuất khẩu của Việt Nam trên thương trường.

Thực tế hiện nay, do nguồn lực có hạn nên hoạt động này vẫn còn hạn chế. Ngân sách nhà nước dành cho xúc tiến thương mại còn dàn trải cả Trung ương và địa phương, bộ ngành nên nhiều hoạt động có phần bị chồng lấn, trùng lắp. Bên cạnh đó, ông Vũ Bá Phú đánh giá hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông marketing theo xu hướng hiện đại còn hạn chế.

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Tô Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) nhắc lại thời điểm các doanh nghiệp thay đổi cách tiếp thị sản phẩm từ hình thức truyền thông tới đối tác (B2B) sang truyền thông tới người tiêu dùng (B2C).

Chương trình được thực hiện từ năm 2019 đến các thị trường như Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan, Italy, Đức, Bỉ thông qua các nền tảng website, Google, Facebook, Pinterest, Instagram, YouTube…

Chỉ trong 3 tháng, website đã thu hút hơn 14.000 lượt truy cập, các từ khóa liên quan đến "pangasius cecipe" cũng luôn được xếp hạng tìm kiếm dẫn đầu. Qua đó, VASEP nhận thấy chức năng kích hoạt cộng đồng thảo luận tương tác trên mạng xã hội rất có lợi. Các hoạt động SEO cũng đạt 225.000 lượt hiển thị trên công cụ tìm kiếm Google.

Trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó và chủ động trước dịch Covid-19, nâng cao và nâng tầm hình ảnh, thương hiệu sản phẩm Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử để hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm