Chị Hoàng Lam, chủ một căn hộ tại Vinhomes Central Park (Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết trong thời gian gần đây, nhiều môi giới làm việc tại dự án có xu hướng ép giá thuê nhà với lý do dịnh bệnh khó khăn và khu chung cư có tòa nhà bị phong tỏa.
Bức xúc vì bị ép giá
"Tôi khá bức xúc khi nhiều môi giới đến và ép giá thuê nhà mình trong khi dịch bệnh là tình trạng chung của cả thành phố, nhiều chung cư trong thành phố cũng bị phong tỏa do có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm. Giai đoạn dịch bệnh ai cũng khó khăn nhưng môi giới lấy lý do này để ép giá làm tôi rất buồn", chị nói.
Một số chủ nhà khác việc giảm giá này là xu hướng chung của cả thị trường từ thời điểm tháng 3/2020 khi dịch bệnh bùng phát. Việc giảm giá hay không phụ thuộc vào bản thân người sở hữu tài sản.
"Nếu chủ nhà muốn cho thuê nhanh, tránh để nhà trống thì có thể giảm giá cho khách. Tuy nhiên, nếu họ muốn giữ giá thì có thể đợi đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Đôi lúc chủ nhà phải hiểu và hợp nhau mới có thể giao dịch thành công. Một số môi giới có cách tư vấn không tinh tế, khéo léo cũng dễ gây phản cảm", chị Thu Hương, một chủ căn hộ khác tại quận Bình Thạnh nói thêm.
Các căn hộ khu trung tâm quận 1, Bình Thạnh, quận 2 có giá thuê từ 13-40 triệu đồng/tháng tùy vào diện tích, vị trí và chất lượng. Ảnh: Chí Hùng. |
Chị Tuyết Nguyễn, một chủ nhà tại quận 10, cho rằng việc xin giảm giá chủ yếu đến từ khách thuê chứ không phải ở người môi giới. Do tình hình kinh tế khó khăn chung, nhiều khách thuê muốn xin giảm giá cũng là điều dễ hiểu.
"Tôi thấy nếu mức giảm giá hợp lý thì cho thuê để có thêm thu nhập trong giai đoạn này, nếu không hợp lý có thể chờ hết dịch để giá ổn định trở lại. Trong trường hợp khách thuê dài hạn có thể hỗ trợ một mức cố định trong giai đoạn dịch và hết dịch sẽ tăng về mức thỏa thuận ban đầu", chị Tuyết nói.
Ở phía môi giới, họ cũng cho biết nhiều chủ nhà tiêu cực có thể nghĩ mình bị ép giá nhưng đây thực chất là lời tư vấn của người đứng giữa hai bên.
Ép giá hay tư vấn?
Chị Nhung, một môi giới, cho biết trong đợt dịch đầu tiên vào tháng 3 năm ngoái, chị đã thuyết phục chủ nhà giảm giá một chút từ 5-7% so với mặt bằng chung để khách thuê có thể vào ở ngay.
"Tâm lý chủ nhà của tôi cũng giống như nhiều người khác muốn có giá thuê tốt và đợi hết dịch. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, cuối cùng đến tháng 7/2020 họ đã chấp nhận giá thuê thấp hơn 15%, chưa kể nhà bị bỏ trống trong 4 tháng mà vẫn phải trả phí quản lý căn hộ hàng tháng", chị kể lại.
Chị cũng cho rằng nếu chủ nhà không chịu áp lực phải cho thuê ngay có thể để nhà trống, khi nào thị trường quay về lại mức giá họ mong muốn thì khi ấy chốt giá cũng không phải vấn đề. Quan trọng giữa chủ nhà và môi giới phải hiểu được nhu cầu của nhau.
Chị Hoàng My, môi giới tại Công ty Thiên Phát Gold Land, khẳng định không môi giới nào muốn ép giá của chủ nhà.
"Giá thuê cao thì hoa hồng của môi giới cũng cao, giá thấp thì hoa hồng giảm, nhiều khi còn phải cắt các loại phí chứ không được hoa hồng trọn vẹn", chị Hoàng My trải lòng.
Các môi giới bất động sản khẳng định cả chủ nhà hay khách thuê đối với họ đều là khách hàng. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đôi khi giá nhà của chủ cao hơn thị trường, khách thuê cũng không muốn xem vì không đủ khả năng. Có thể khách thích căn nhà đó nhưng không thỏa thuận được giá trong tầm ngân sách, họ sẽ tìm môi giới khác hoặc căn khác. Chị My cũng nhấn mạnh khách có thể ít nhưng môi giới và chủ nhà lại rất nhiều.
"Khi làm môi giới, cả khách thuê hay chủ nhà với chúng tôi đều là khách hàng, rất khó có thể làm vừa lòng hết cả hai bên", môi giới này nói thêm.
Trao đổi với Zing, ông Trần Minh Hoàng, Phó tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng việc giá cho thuê căn hộ thực tế là thỏa thuận giữa chủ nhà và môi giới. Nếu không vừa lòng, chủ nhà hoàn toàn có thể tìm môi giới khác để làm việc. Chính vì vậy, môi giới muốn ép giá cũng không phải dễ dàng.
Nhìn về thị trường chung, ông Trần Minh Hoàng cho rằng phân khúc căn hộ cho thuê đang gặp nhiều khó khăn.
"Trong hơn 1 năm qua, nhiều chủ nhà đã phải linh động trong việc giảm giá cũng như thay đổi các điều khoản thuê để có đảm bảo nguồn thu từ hoạt động kinh doanh cho thuê bất động sản. Ở góc độ khác, họ nên xem những ý kiến của môi giới là lời tư vấn để chủ nhà cân nhắc. Nếu muốn tránh thiệt thòi về giá thuê, chủ nhà có thể điều chỉnh thời hạn thuê cho phù hợp", ông Trần Minh Hoàng nói.
Ngoài ra, đại diện Hội môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá ở góc độ người đi thuê, chi phí nhà ở là khoản chi phí lớn, nhất là trong thời buổi khó khăn. Chính vì vậy, ông kỳ vọng phía chủ nhà chia sẻ với môi giới và khách thuê trong giai đoạn kinh tế nhiều biến động này.