Theo báo cáo của Savills Việt Nam về thị trường căn hộ tại TP.HCM trong quý II vừa qua, nguồn cung sơ cấp giảm 25% theo quý và 18% theo năm xuống mắc thấp nhất còn gần 3.700 căn.
Trong đó, phân khúc căn hộ hạng cao cấp và trung cấp tiếp tục dẫn đầu thị trường, chiếm 76% tổng nguồn cung mới.
Nguồn cung hạn chế là do lượng căn hộ mở bán mới hạn chế và lượng hàng tồn kho thấp. Hơn nữa, có 10 dự án tạm dừng bán để điều chỉnh giá.
Đặc biệt, trong quý II, nguồn cung sơ cấp căn hộ dưới 2 tỷ đồng đáp ứng phần đông nhu cầu của người mua để ở chỉ chiếm dưới 10% tổng nguồn cung sơ cấp của TP.HCM và có xu hướng giảm trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, giá sơ cấp của các dự án được mở bán tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng. Gần 40% dự án sơ cấp tăng giá bán lên đến 15% trong quý. Giá giai đoạn mới của các dự án hiện hữu đạt mức tăng 10% so với giai đoạn trước.
Căn hộ dưới 2 tỷ đồng đáp ứng phần đông nhu cầu của người mua để ở chỉ chiếm dưới 10% tổng nguồn cung của TP.HCM trong quý. Ảnh: Chí Hùng. |
Giá bán tăng nhưng thị trường căn hộ TP.HCM ghi nhận tỷ lệ hấp thụ thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Tổng lượng giao dịch là gần 1.400 căn, giảm 35% theo quý và 36% theo năm trong khi tỷ lệ hấp thụ ở mức 37%, giảm 5 điểm phần trăm theo quý và 10 điểm phần trăm theo năm.
Phân khúc trung cấp dẫn đầu lượng giao dịch với 49% thị phần và đạt tỷ lệ hấp thụ cao nhất ở mức 52%. Hàng tồn còn lại tăng giá mạnh. Lượng giao dịch từ nguồn cung mới trong quý chiếm 77% tổng lượng giao dịch trong quý II và đạt tỷ lệ hấp thụ đạt 63%.
Khảo sát gần đây của Savills về giá thuê căn hộ trung cấp so với quý IV/2020 cho thấy tỷ lệ căn hộ trống tăng, giá thuê giảm nhẹ và mức tăng giá căn hộ khoảng 2%. Thị trường dự kiến có thể phục hồi sau khi dịch Covid-19 kết thúc.
Dự báo giai đoạn 2022-2024, nguồn cung tương lai của các căn hộ trung cấp dự kiến tăng và chiếm 53% tổng nguồn cung tương lai, tiếp theo là căn hộ bình dân chiếm 37% và căn hộ cao cấp chiếm 10%. Thành phố sẽ đón nhận khu căn hộ hàng hiệu quy mô lớn đầu tiên Marriott - Grand Marina với giá bán dự kiến trên 15.000 USD/m2.
Báo cáo cũng ghi nhận xu hướng phát triển mở rộng ra ngoài trung tâm của thị trường bất động sản tiếp tục trong quý và trong giai đoạn sắp tới.
Cơ sở hạ tầng cải thiện và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng ở khu vực phía Đông (TP Thủ Đức) và phía Nam (quận 7 và Nhà Bè) là đòn bẩy lớn cho sự phát triển nhà ở cao tầng. Các dự án hạ tầng đáng chú ý tại hai khu vực này là tuyến metro số 1, cầu Thủ Thiêm 2 và 4, mở rộng đường Lê Văn Lương - ĐT826C, đường Long Hậu - ĐT826E và hầm Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.
Dự kiến đến năm 2024, TP Thủ Đức sẽ chiếm lĩnh nguồn cung tương lai với 44% thị phần, quận 7 chiếm 13% và Nhà Bè chiếm 8%.
Cùng với đó, các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai và Long An đang được hưởng lợi từ sự cải thiện hạ tầng giao thông và kết nối các khu vực. Bình Dương có tốc độ đô thị hóa cao, thị trường công nghiệp tăng trưởng nhanh và kết nối giao thông với TP.HCM tốt hơn.
So với căn hộ bình dân tại TP.HCM, Bình Dương hiện có giá bán căn hộ thấp hơn, dao động khoảng 18-46 triệu đồng/m2. Trong khi đó, căn hộ bình dân tại TP.HCM có giá dao động từ 27-60 triệu đồng/m2.