Hồi cuối tháng 2, giới chức y tế Hàn Quốc ở tuyến đầu cuộc chiến với đại dịch Covid-19 ghi nhận một hiện tượng lạ. Sau thời gian nhiễm và đã hồi phục, một bệnh nhân xét nghiệm lần hai có kết quả dương tính với virus corona.
Trong vài tuần sau đó, số bệnh nhân xét nghiệm lại sau khi khỏi bệnh vẫn dương tính với virus bắt đầu tăng. Xu hướng này được ghi nhận ngày một rõ.
Tính đến ngày 16/4, Hàn Quốc đã phát hiện ít nhất 141 trường hợp tái nhiễm, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (KCDC). Phần lớn được phát hiện ở thành phố Daegu và tỉnh Gyeongsang Bắc, những tâm điểm bùng phát dịch Covid-19 ở Hàn Quốc. Có 55 trường hợp nằm trong nhóm tuổi từ trên 20 đến dưới 40 tuổi.
Nhân viên y tế Hàn Quốc bắt đầu ngày làm việc tại Trung tâm Y tế Thành phố Daegu. Ảnh: AP. |
Virus ngủ đông trong cơ thể?
"Đối với dịch bệnh SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông), chúng tôi không thấy tình trạng người đã khỏi bệnh hoàn toàn vẫn dương tính khi xét nghiệm lại", Phó giám đốc KCDC Kwon Jun Wook ngày 16/4 cho biết. "Chủng virus corona mới có vẻ quái ác và thông minh hơn".
Số ca dương tính lại chỉ chiếm một phần nhỏ trong hơn 7.500 bệnh nhân đã bình phục ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, hiện tượng này mở ra nhiều câu hỏi hóc búa cho giới chức y tế công cộng trên khắp thế giới. Hơn 4 tháng kể từ khi dịch bệnh khởi phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019, với hơn 130.000 bệnh nhân đã tử vong, chủng virus vẫn còn quá nhiều bí ẩn.
Trong những ca tái nhiễm ở Hàn Quốc, hơn một nửa nằm trong nhóm 50 tuổi hoặc trẻ hơn. Ngày càng nhiều bệnh nhân xét nghiệm lại có kết quả dương tính giữa lúc chính phủ Tổng thống Moon Jae In đang từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách tiếp xúc xã hội. Trong vài tuần qua, Hàn Quốc đã kéo sâu đường cong phát triển dịch bệnh, với số ca nhiễm mới mỗi ngày từ vài trăm xuống còn hơn 20.
Nhiều giả thuyết được đặt ra để lý giải hiện tượng này: từ độ sai lệch của xét nghiệm đến hệ quả khi virus "trì hoãn lây lan" trong cơ thể bệnh nhân. Giả thuyết đáng lo ngại nhất là virus đã "tái kích hoạt" sau một giai đoạn ngủ đông.
Một số chuyên gia hoài nghi đây là hiện tượng lây nhiễm lại từ môi trường bên ngoài. Những nghiên cứu thời gian qua về các chủng virus corona khác cho thấy người nhiễm thông thường có khả năng đề kháng tái nhiễm trong ít nhất một năm sau khi khỏi bệnh. Điều này đồng thời dấy lên những lo ngại về triển vọng sớm phát triển vắc-xin kháng chủng SARS-CoV-2, theo South China Morning Post.
Giám đốc KCDC Jeong Eun Kyeong nghiêng về giả thuyết mầm bệnh đã "tái kích hoạt" trong cơ thể bệnh nhân và dẫn đến số ca khỏi bệnh vẫn dương tính ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, cơ quan dịch tễ hàng đầu nước này vẫn chưa thể đi đến kết luận cuối cùng.
Vì Hàn Quốc xét nghiệm với quy mô lớn và toàn diện, xu hướng dịch bệnh được phát hiện ở nước này có khả năng sẽ được ghi nhận sau này tại những nơi khác. Ảnh: AFP. |
Nguy cơ virus đột biến
Hiện trượng virus "ngủ đông" trong trong một thời gian dài, hoặc chỉ hoạt động ở một số nơi trong cơ thể nhưng không lây lan đến những nơi khác, không quá mới.
Chẳng hạn, bệnh nhân nhiễm virus Ebola dù đã phục hồi vẫn có nguy cơ truyền mầm bệnh cho người khác qua đường tình dục. Người nhiễm virus gây bệnh thủy đậu khi còn nhỏ có thể nhiều năm sau mới phát bệnh khi đã trưởng thành.
Kim Woo Joo, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Hàn Quốc, nhận định mối lo ngại lớn nhất từ hiện tượng bệnh nhân âm tính rồi lại dương tính là nguy cơ virus đột biến.
"Khoảng 1/5 những trường hợp này là người khỏe mạnh, với hệ miễn dịch tốt, nhưng họ vẫn xét nghiệm dương tính sau khi được chẩn đoán là đã khỏi bệnh", ông Kim cho biết.
"Các nhà nghiên cứu đang xét nghiệm mẫu máu từ các trường hợp này để xem xét liệu họ tái nhiễm vì hệ miễn dịch có vấn đề, hay virus bằng cách nào đó đã đột biến và qua mặt hệ thống đề kháng của cơ thể", chuyên gia này chia sẻ.
KCDC vẫn chưa công bố thông tin chi tiết về số ca "tái nhiễm" có triệu chứng. Đây là một trong những mối lo ngại hàng đầu cho công tác y tế cộng đồng vì triệu chứng sẽ liên quan đến nguy cơ lây nhiễm và tái bùng phát dịch. Một vài trường hợp được xác nhận có triệu chứng nhẹ như sốt cao. Giới chức y tế Hàn Quốc chưa công bố trường hợp nào "dương tính lại" và lây bệnh cho người khác.
William Schaffner, chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở Mỹ, cảnh báo tình hình sẽ rất đáng lo ngại nếu virus vừa "tái kích hoạt" trong cơ thể bệnh nhân lại kèm theo triệu chứng bệnh.
"Câu hỏi đặt ra là: liệu các liệu pháp điều trị hiện nay dù làm dịu bớt căn bệnh, giúp bạn thấy khỏe hơn, nhưng không đủ khả năng loại bỏ hoàn toàn virus khỏi cơ thể người bệnh", Schaffner nhận định.
Vị chuyên gia y tế dự phòng và bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Vanderbilt, bang Tennessee, lo ngại tình trạng ca bệnh tái phát có thể gia tăng áp lực lên hệ thống y tế các nước. Cơ sở điều trị phải tiếp tục theo dõi tình hình bệnh nhân sau khi họ được ra viện, cố gắng phát hiện bệnh nhân tái phát trong thời gian sớm nhất để đảm bảo điều trị phù hợp.
"Chúng ta thời gian qua lo đối phó với giai đoạn cấp tính, nhưng không hề tập trung theo dõi tình hình sau đó của bệnh nhân. Những gì chúng ta đang thực hiện sẽ thay đổi đáng kể từ phát hiện này", ông dự báo.
Giới chuyên gia kỳ vọng chiến lược xét nghiệm trên diện rộng của Hàn Quốc sẽ làm sáng tỏ nhiều bí ẩn về virus corona. Ảnh: AFP. |
Khỏi bệnh không đảm bảo có đề kháng
Cho Sung Il, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho rằng khả năng bệnh Covid-19 tái phát là không nhiều nhưng rất đáng lo ngại. Hiện tượng này đồng nghĩa ngay cả những bệnh nhân được xuất viện cũng có rủi ro lây nhiễm. Ông Cho hy vọng các xét nghiệm của KCDC trong vài ngày tới sẽ làm sáng tỏ bí ẩn.
Theo Ian Frazer, chuyên gia về hệ miễn dịch tại Đại học Queensland (Australia), ẩn số quan trọng cần được tìm hiểu là khoảng thời gian từ bình phục đến khi "dương tính lại" trong từng trường hợp. Khoảng thời gian này càng ngắn thì khả năng bệnh nhân tái nhiễm từ mầm bệnh bên ngoài càng thấp. Giới chức y tế Hàn Quốc cũng xác nhận một số bệnh nhân xét nghiệm dương tính không lâu sau khi kết thúc cách ly.
"Dựa vào dữ liệu từ nghiên cứu trên động vật, (hiện tượng này) nhiều khả năng do dư lượng virus hơn là tái nhiễm", Frazer nhận định.
Michael Kinch, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sáng kiến Công nghệ sinh học và Phát triển Dược phẩm, thuộc Đại học Washington (Mỹ), cũng nhận định hiện tượng tái phát của chủng virus SARS-CoV-2 là "không bình thường".
"Bạn có thể nhìn thấy điều này ở HIV, nhưng đó là vì loại virus đặc biệt này tích hợp vào gene của vật chủ. Trái với những phỏng đoán rằng nhiễm bệnh sẽ tự động tạo ra miễn dịch, điều này không thường xảy ra đến vậy. Nếu SARS-CoV-2 hoạt động như những họ hàng khác, vốn có khả năng lây nhiễm thấp hơn, người đã nhiễm bệnh có lẽ không mặc nhiên đã được bảo vệ. Điều này mang nhiều hàm ý đáng lo ngại cho phát triển vắc-xin", Kinch cho biết.
Chuyên gia Kim Woo Joo cũng không loại trừ khả năng tái nhiễm từ nguồn bên ngoài.
"Trong 2-3 tuần sau khi nhiễm bệnh, cơ thể tự sản sinh ra kháng thể. Nhưng không phải lúc nào điều này cũng xảy ra. Điển hình là khoảng 5% người được tiêm phòng viêm gan B không phát triển kháng thể trong máu. Một số người nhiễm SARS-CoV-2 cũng không tự sản sinh kháng thể chống lại mầm bệnh và có khả năng tái nhiễm", chuyên gia cho biết.
Trong một hướng lý giải lạc quan hơn, các chuyên gia cho rằng chiến lược xét nghiệm trên diện rộng đã giúp phát hiện dư lượng virus còn sót lại và không nguy hại ở nhóm thiểu số các bệnh nhân đã bình phục.
"Tôi đoán những ca bệnh này không phải là tái phát hay tái nhiễm, mà chỉ là sự trì hoãn lây lan của SARS-CoV-2, cũng như nhiều chủng virus cúm khác. Nếu thế, biện pháp điều trị và khống chế dịch sẽ không chịu tác động. Dù vậy, chúng ta cần thêm bằng chứng và nghiên cứu rõ ràng hơn", Hsu Li Yang, chuyên gia tại Trường Y tế Công cộng Đại học Quốc gia Singapore, chia sẻ.
Phần đông giới nghiên cứu nhất trí vẫn còn quá sớm để kết luận về hiện tượng ở Hàn Quốc. Một số người kỳ vọng lượng dữ liệu lớn mà nước này thu thập qua xét nghiệm trên diện rộng sẽ đưa ra lời giải về tái phát, tái nhiễm và nhiều bí ẩn khác của Covid-19.