“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi là bản đồ có độ phân giải cao của SARS-CoV-2... Bản đồ này sẽ giúp hiểu hơn về cơ chế sao chép của virus và cách nó né tránh hệ miễn dịch của con người như thế nào”, V. Narry Kim, trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu ARN thuộc Viện Khoa học Cơ bản Seoul, cho biết.
Giáo sư Lee Hoan Jong từ Bệnh viện Nhi Quốc gia Seoul nói kết quả nghiên cứu có thể giúp dự đoán các loại protein mà virus tạo ra, đóng góp vào quá trình nghiên cứu vắcxin.
Nhóm nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu ARN ở Viện Khoa học Cơ bản Seoul, do V. Narry Kim dẫn đầu. |
Giáo sư Lisa Ng, điều tra viên cao cấp của Mạng lưới Miễn dịch học Singapore, cho biết nghiên cứu này của Hàn Quốc “cho cái nhìn đầu tiên về đặc điểm sinh bệnh học (cách mà bệnh tật diễn biến) của SARS-CoV-2 cho phép các nghiên cứu sau này tìm hiểu thêm cơ chế lây nhiễm và phản ứng của cơ thể”.
Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học đã được bình duyệt Cell ngày 9/4, và hé lộ thêm về mã gen còn bí ẩn của virus corona.
Virus không tự sinh sản, mà có chứa các “công thức” để sao chép khi chúng tìm được tế bào sống phù hợp. Mã di truyền của virus corona có chứa “công thức” dưới dạng các phân tử ARN rất dài, bao gồm 30.000 mắt xích.
Khi virus xâm nhập tế bào người bệnh, nó sẽ sao chép hàng loạt chuỗi ARN này, và tạo ra nhiều ARN nhỏ hơn (subgenomic RNA). Một số ARN nhỏ hơn này được dùng để tạo ra các protein có một số chức năng “có hại”, chẳng hạn dập tắt phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc sử dụng hai kỹ thuật để xác nhận xem ARN nhỏ nào sẽ được dùng được tạo ra các protein “có hại”. Nhóm nghiên cứu cũng tìm ra hàng chục ARN nhỏ khác trước đó chưa biết đến.
“Ngoài việc xác định chi tiết về cấu trúc của SARS-CoV-2, chúng tôi cũng phát hiện ra một số ARN mới và một số biến đổi hóa học chưa biết đến đối với các ARN của virus”, bà Kim nói.
“Dù (những biến đổi) vẫn cần tìm hiểu thêm, chúng có thể dẫn đến việc virus corona sẽ đột biến thường xuyên... Vẫn chưa rõ những biến đổi này sẽ có tác động gì, như có thể chúng giúp virus tránh bị cơ thể tấn công”.
Theo Economist, việc hiểu được toàn bộ protein mà SARS-CoV-2 tạo ra khi xâm nhập vào tế bào có tầm quan trọng lớn, vì mỗi protein là một mục tiêu tiềm năng đối với những nhà nghiên cứu thuốc.
“Tuy vậy, giữa đại dịch, vẫn phải chú trọng vào những mục tiêu có thể nhắm đến bởi các loại thuốc hiện có”, bài viết trên Economist cho biết.