Giải pháp kết nối 5G vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, chưa có gói cước chính thức tại Việt Nam. Ảnh: Xuân Sang. |
Trong buổi gặp gỡ báo chí tại Việt Nam, đại diện MediaTek, nhà sản xuất chipset có doanh số dẫn đầu thế giới, cho biết công ty đang phối hợp với nhiều doanh nghiệp trong nước để cập nhật công nghệ mới, gồm cả 5G. Doanh nghiệp này phối hợp với các thương hiệu di động và nhà mạng Việt Nam, tạo ra những giải pháp đầu cuối để tận dụng đường truyền mới.
Ngoài ra, các nhà mạng trong nước cũng đang bắt đầu đấu giá băng tần, xây dựng trạm phát sóng để chuẩn bị phổ cập mạng lưới.
Giải pháp đầu cuối sẵn sàng
Đại diện MediaTek cho biết công ty đang hỗ trợ thương mại hóa công nghệ 5G tại Việt Nam. Theo đó, các sản phẩm 5G CPE (thiết bị phát sóng Wi-Fi từ kết nối di động) và điện thoại 5G sẽ sớm đến tay người tiêu dùng. Nhà sản xuất này cũng hỗ trợ quá trình chuyển đổi, tắt sóng 2G, 3G để chuyển sang đường truyền mới.
Các đại diện của MediaTek trong buổi tọa đàm tại Việt Nam. Ảnh: Xuân Sang. |
Hiện tại, các dòng điện thoại có công nghệ kết nối 5G cũng đã phổ biến tại Việt Nam, nhưng chủ yếu sử dụng chipset của Qualcomm, Apple. Cụ thể, các dòng máy Android, iPhone flagship ra mắt từ 2021 đều đã hỗ trợ mạng này. Trong khi đó, nhiều biến thể của dòng điện thoại bán chạy như Oppo Reno, Xiaomi Redmi Note, Galaxy A cũng sở hữu tính năng dùng mạng 5G.
Đặc biệt, ở các phân khúc bình dân, điện thoại 5G cũng dần được phổ cập với mức giá 5-7 triệu đồng. Do vậy, thiết bị đầu cuối không phải vấn đề lớn với giải pháp mạng đời mới.
Trước đó tại Diễn đàn Chuyển đổi số, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào (đơn vị cung cấp hạ tầng 5G), cho biết hiện nay có khoảng 55-60 quốc gia đã triển khai công nghệ 5G và Việt Nam được đánh giá cao, là một trong những quốc gia bắt đầu sớm.
“Trong năm nay, Việt Nam đã triển khai các băng tần cho mạng 5G. Trong 2-3 năm tới, khi quá trình triển khai 5G đi vào đại trà, tốc độ phát triển sẽ tăng rất nhanh”, ông Denis Brunetti đánh giá.
Chia sẻ thêm về việc triển khai 5G, ông Ngô Diên Hy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, cho biết hiện các nhà mạng tại Việt Nam đang chuẩn bị đấu giá băng tần. Đây là điều kiện tiên quyết, bởi có tần số thì mới xây dựng được cơ sở thương mại.
Nói về tầm quan trọng của 5G đối với chuyển đổi số, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng phụ trách Cục viễn thông, cho biết đến thời điểm hiện tại, 5G tại Việt Nam vẫn đang trong quá trình thử nghiệm mạng lưới và dịch vụ của các doanh nghiệp (Viettel, VNPT, Mobifone).
Đưa sản phẩm công nghệ Việt Nam ra thế giới
Mặt khác, đại diện MediTek cho biết doanh nghiệp này cũng hỗ trợ các đối tác trong nước, tiếp cận với công nghệ mới. Đồng thời, họ cũng giúp đỡ, đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.
“Chúng tôi hỗ trợ các nhà mạng có khả năng nghiên cứu phát triển như VNPT, Viettel sản xuất ra các thiết bị của họ 'Make in Vietnam'. Một trong những dòng sản phẩm có số lượng lớn nhất là Wi-Fi router”, phía công ty Đài Loan cho biết.
Ngoài ra, theo phía MediaTek, các nhà mạng lớn như Viettel, VNPT có công ty con như VNPT Technology, Viettel High Tech có khả năng nghiên cứu phát triển, sản xuất ra các sản phẩm "made in Việt Nam". Doanh nghiệp sản xuất chip đã hỗ trợ cho các đối tác này, để chế tạo sản phẩm dùng trong mạng viễn thông trong nước.
“Bởi vì MediaTek là công ty toàn cầu, chúng tôi có mặt ở hầu hết quốc gia, nên mạng lưới bán hàng có thể hỗ trợ các đối tác của mình kinh doanh chéo sản phẩm sang các thị trường khác. Đồng thời, giải pháp này cũng được dùng như một kênh giới thiệu, hợp tác, nhằm tạo ra những sản phẩm tốt với giá hợp lý”, ông Phạm Lê Ngọc Châu, Giám đốc phát triển kinh doanh của MediaTek tại Việt Nam, chia sẻ.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.