Logo Meta trước văn phòng công ty tại Dublin (Ireland). Ảnh: Bloomberg. |
Ngày 22/5, Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland quyết định phạt Meta, công ty mẹ của Facebook, số tiền kỷ lục 1,3 tỷ USD. Lý do đến từ công ty này liên tục gửi dữ liệu người dùng Facebook trong Liên minh châu Âu (EU) về máy chủ tại Mỹ.
Đây là một trong những hình phạt nặng nhất suốt 5 năm qua, từ khi EU ban hành luật bảo mật dữ liệu chung. Theo án phạt, việc Meta chuyển dữ liệu sang Mỹ không thể giải quyết "rủi ro về quyền và tự do cơ bản" của người dùng EU, khi vẫn tồn tại nguy cơ bị theo dõi bởi các tổ chức gián điệp của Mỹ.
Phán quyết mới của EU chỉ dành cho Facebook, không áp dụng với Instagram và WhatsApp dù Meta cùng sở hữu 3 ứng dụng. Đại diện công ty cho biết sẽ kháng cáo quyết định, và tạm thời chưa gián đoạn Facebook tại EU.
Ngoài tiền phạt, Meta có 5 tháng để "tạm dừng mọi hoạt động chuyển dữ liệu cá nhân sang Mỹ trong tương lai" và 6 tháng để "dừng việc xử lý, bao gồm lưu trữ bất hợp pháp tại Mỹ" với dữ liệu cá nhân của người dùng châu Âu.
Án phạt dành cho Meta bắt nguồn từ chính sách cho phép các cơ quan tình báo Mỹ ngăn chặn thông tin liên lạc từ nước ngoài.
Theo New York Times, các quan chức EU và Mỹ đang đàm phán thỏa thuận chia sẻ dữ liệu mới, bao gồm các biện pháp bảo vệ thông tin giúp Meta tiếp tục gửi dữ liệu của người dùng châu Âu về Mỹ.
Năm 2020, Max Schrems, nhà hoạt động về quyền riêng tư của Áo, đã chiến thắng vụ kiện nhằm vô hiệu hóa thỏa thuận giữa Mỹ và EU. Có tên Privacy Shield, quy định cho phép Facebook và các công ty tự do gửi dữ liệu người dùng EU về Mỹ.
"Trừ khi luật giám sát của Mỹ được chỉnh sửa, Meta sẽ phải tái cơ cấu hệ thống của họ", Schrems cho biết sau khi án phạt được công bố.
Một trong những giải pháp bao gồm tạo ra "mạng xã hội liên kết", trong đó hầu hết dữ liệu người dùng sẽ ở lại EU, trừ các liên lạc cần thiết như tin nhắn cá nhân được gửi cho tài khoản tại Mỹ.
Toàn cảnh văn phòng của Meta tại Ireland. Ảnh: Bloomberg. |
Đại diện Meta nhanh chóng lên tiếng phản đối án phạt, cho rằng đây là động thái "không công bằng" bởi hàng nghìn công ty khác cũng chia sẻ dữ liệu.
"Nếu không có khả năng truyền dữ liệu xuyên biên giới, Internet có nguy cơ bị chia cắt thành các không gian theo quốc gia và khu vực, hạn chế nền kinh tế toàn cầu và khiến công dân tại các quốc gia không thể truy cập nhiều dịch vụ dùng chung", tuyên bố của Facebook cho biết.
Johnny Ryan, thành viên cấp cao tại Hội đồng Tự do Dân sự Ireland, cho rằng Meta đang đối mặt viễn cảnh phải xóa lượng lớn dữ liệu của người dùng Facebook tại EU.
Meta và các công ty đang trông đợi thỏa thuận dữ liệu mới giữa Mỹ và EU, nhằm thay thế thỏa thuận đã bị bãi bỏ vào 2020.
Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Liên minh Châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố bản thỏa thuận phác thảo tại Brussels (Bỉ), nhưng các điều khoản chi tiết chưa được đề cập.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.