Đây là biểu hiện của thiếu trung thực tài chính (financial infidelity), đặc biệt là khi tiền mã hóa đang ngày càng phổ biến. Ảnh: The Coin Republic. |
Trong quá trình làm thủ tục ly hôn, Sarita đột nhiên nghi ngờ và thắc mắc tại sao người chồng đã kết hôn 10 năm của mình lại chẳng sở hữu bất kỳ tài sản nào dù anh ta kiếm 3 triệu USD/năm. Sau nửa năm nhờ thám tử điều tra và làm thủ tục kê khai tài sản cá nhân, cô phát hiện anh đang giữ số Bitcoin trị giá 500.000 USD trong một ví tiền ảo bí mật.
“Tôi biết Bitcoin nhưng không hiểu nhiều về nó. Tôi thậm chí còn chưa từng nghĩ đến bởi Bitcoin sẽ không phải là chủ đề chúng tôi trò chuyện chung hay thậm chí là cùng nhau đầu tư. Đây là một cú sốc với tôi”, Sarita chia sẻ với CNBC.
Tiền số là vùng xám trong thủ tục phân chia tài sản ly hôn
Theo trang tin, thiếu trung thực tài chính (financial infidelity) là một vấn đề đã có từ lâu nhưng đến gần đây lại diễn ra với các phương thức phức tạp hơn. Lừa dối tài chính xảy ra khi các cặp vợ chồng nói dối nhau về tiền bạc như giấu các khoản nợ lớn trong một tài khoản riêng hay chi tiêu lớn một cách tùy ý mà người kia không hề hay biết.
Nhiều người mua khối lượng lớn Bitcoin nhưng không cho bạn đời biết. Ảnh: The Guardian. |
Vấn nạn này đang ngày trở nên tinh vi khi các nhà đầu tư tận dụng công nghệ blockchain để biến tiền thành tài sản ảo trên metaverse và luân chuyển token sang các ví khác nhau. Một khảo sát của NBC News cũng chỉ ra cứ 5 người Mỹ sẽ có một người đầu tư, giao dịch hay sử dụng tiền số. Trong đó, chiếm số lượng nhiều nhất là phái nam 18-49 tuổi.
Các luật sư chuyên giải quyết ly hôn, nhà đầu tư blockchain, chuyên viên tư vấn tài chính đều cho rằng luật pháp không thể bắt kịp những hình thức lưu trữ và giao dịch tài sản kỹ thuật số mới, nằm ngoài quản lý của các thể chế tài chính truyền thống như ngân hàng.
Luật sư chuyên tư vấn hôn nhân Kim Nutter chia sẻ cô lần đầu tiếp xúc với một đơn kiện liên quan đến tiền mã hóa từ năm 2015 nhưng luật pháp địa phương ở bang Florida vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. “Hệ thống luật pháp vẫn đang vật lộn với việc theo kịp những hình thức tài chính mặc dù nó đã xuất hiện từ lâu”, luật sư Nutter nói.
Theo CNBC, quy trình tìm kiếm tài sản tiền số bí mật trong các vụ ly hôn thậm chí còn tạo ra một công việc mới cho các thám tử điều tra. Vì blockchain cơ bản là một sổ cái công khai nên nhiều người tìm cách che giấu các giao dịch tài chính của mình và không cho vợ/chồng biết.
“Nếu một cặp vợ chồng có người rành công nghệ, người còn lại không hề có kiến thức, người kia sẽ rất dễ che giấu các tài sản cá nhân này”, luật sư ly hôn Kelly Burris nói.
Những khối tài sản khổng lồ bị che giấu
Theo luật sư, vấn đề lớn nhất của tiền số là không được quản chế bởi bất kỳ ngân hàng truyền thống nào nên không ai có thể lấy tài liệu hay thông tin liên quan đến tài sản kỹ thuật số của người dùng.
Chuyên viên điều tra Himonidis ước tính 25% các vụ ly hôn mà ông nhận đều có liên quan đến tiền số. Trong đó, một vài trường hợp khá đơn giản khi người dùng chỉ lưu trữ tiền số trên các nền tảng giao dịch lớn như Coinbase. Nhưng ông cũng gặp nhiều vụ việc phức tạp khác như khách hàng yêu cầu phải tra toàn bộ tài sản bí mật của cả một tổ chức.
Himonidis từng phát hiện số đồng XMR khổng lồ trị giá 700.000 USD giấu trong MacBook. “Tôi đã tìm thấy một chiếc ví ảo chứa XMR chạy bằng dòng lệnh. Người khác không thể tìm thấy nó trong mục Finder mà phải thực hiện một câu lệnh shell mới có thể truy cập ví”, chuyên viên cho biết.
Việc định giá và phân chia tài sản ly hôn sẽ trở nên phức tạp khi tài sản có liên quan đến tiền số. Ảnh: Reuters. |
Một lần khác, ông đã theo dấu khối tài sản trị giá 2,3 triệu USD đột nhiên biến mất trên tài khoản Coinbase chỉ vài tháng khi làm thủ tục ly hôn. Trên thực tế, số tiền mã hóa này không bị rút ra mà chuyển sang gần 14 địa chỉ bên ngoài Coinbase hòng che giấu.
Tiền số khiến thủ tục ly hôn phức tạp
Bên cạnh đó, sự bất ổn định của thị trường tiền số cũng là một trong những vấn đề lớn khi các luật sư kê khai tài sản trong quá trình ly hôn. NodeBaron (36 tuổi, kỹ sư) đã phân chia 5.000 USD đồng Dogecoin khi làm thủ tục ly hôn. Sau 6 tháng, số đồng này hiện trị giá gần 1 triệu USD. “Ly hôn giờ đây đã trở thành quyết định trị giá triệu USD”, anh chia sẻ.
Theo luật sư Alexandra Mussallem, với những khoản đầu tư thiếu ổn định như tiền số, cách giải quyết là cặp vợ/chồng có thể mua lại số tài sản đó bằng giá trị thị trường hiện tại để dễ dàng phân chia tài sản. Việc rút một khoản tiền số khổng lồ ra khỏi ví để chia đều hai bên sẽ khiến thị trường thêm bấp bênh.
Chia sẻ với CNBC, luật sư ly hôn Radna ở New York cho biết một trong những cách thức phân chia tài sản kỹ thuật số là định giá của khối tài sản sau đó chia đều. Khi thị trường đi lên, đa số cặp vợ chồng sẽ chọn cách này.
Tuy nhiên, việc định giá và phân chia tài sản ly hôn sẽ trở nên phức tạp khi tài sản của vợ/chồng có liên quan đến metaverse hay NFT.
Theo luật sư DiMichael, nếu một trong hai người sở hữu các bộ sưu tập NFT như Bored Ape Yacht Club hay Crypto Punks, tài sản chung của họ có thể lên đến vài trăm nghìn USD. “NFT là một lĩnh vực rất mới nên rất khó tìm những chuyên gia đủ hiểu biết để giải đáp các thắc mắc và vấn đề pháp lý”, DiMichael cho biết.
Nói với CNBC, chuyên viên phân tích Davon Barrett tại Francis Financial cho biết các vụ ly hôn chia tài sản thông thường ông sẽ gửi đơn đến công ty bên ngoài để họ phân chia. Nhưng với tiền mã hóa, đây lại là một lĩnh vực hoàn toàn mới. “Chúng ta không thể liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng của họ ngay lập tức nên việc phân chia tài sản rất khó”, chuyên gia nói.
Để blockchain không bị hiểu nhầm
Blockchain vẫn là lĩnh vực rất mới mẻ, dù mang đến tiềm năng thay đổi nhiều ngành công nghiệp. Phần lớn người quan sát nghĩ rằng blockchain gắn với tiền mã hóa cùng hàng loạt bê bối trong thị trường này, nhưng thực chất công nghệ chuỗi khối rộng hơn nhiều.
Mục Công nghệ giới thiệu những bài viết, cuốn sách hay nhất về blockchain để độc giả tìm hiểu thêm về công nghệ được đánh giá cao hiện nay.