Trong 6 tuần đầu tiên của năm 2022, hơn 40.000 người Nga đã đổ về Thái Lan. Những du khách này tìm kiếm bờ biển ngập nắng, chạy trốn mùa đông khắc nghiệt tại quê hương.
Các bãi biển Phuket, Koh Samui và Pattaya dang rộng vòng tay đón chào du khách Nga bởi quan chức Thái Lan đang khát khao phục hồi lại ngành du lịch mũi nhọn, vốn đã lao đao suốt 2 năm vì đại dịch Covid-19.
Nhưng niềm vui chẳng kéo dài bao lâu, giấc mộng phục hồi ngành du lịch của Thái Lan tan thành mây khói sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, theo South China Morning Post.
Các biện pháp trừng phạt quốc tế đã tác động vào nền kinh tế Nga, làm giảm giá trị của đồng rúp. Các ngân hàng Nga bị loại khỏi khỏi mạng lưới thanh toán toàn cầu, cản trở kế hoạch du lịch của hàng nghìn du khách từ nước này.
Vào đầu tuần trước, số lượng du khách Nga đến Thái Lan đã giảm xuống chỉ còn vài trăm người. Giới chức Thái Lan ước tính 8.000 người hiện mắc kẹt tại các khu nghỉ dưỡng trên cả nước. Nhiều người hết sạch tiền mặt bởi các sàn giao dịch từ chối tiền tệ của Nga, trong khi thanh toán bằng thẻ tín dụng bị chặn.
Từ Sri Lanka, Thái Lan đến Bali, tác động kinh tế của sự kiện chính trị cách xa cả nghìn km đã buộc các doanh nghiệp du lịch của châu Á - từ khu nghỉ dưỡng đến công ty lữ hành, cho đến cửa hàng đồ trang sức - phải chuẩn bị cho thị trường mới, cùng lúc mở cửa đón lượng khách thông thường.
Ánh sáng cuối đường hầm bị dập tắt
Sergey Malinin - công ty lữ hành phục vụ người Nga có trụ sở tại Pattaya - đã nhìn thấy “tia sáng le lói ở cuối đường hầm” khi tình hình dịch ở Thái Lan bắt đầu lắng xuống. Nhưng rồi chiến sự ở Ukraine dập tắt sự lạc quan mà anh có.
“Với xung đột, các lệnh trừng phạt quốc tế, sự sụt giảm của đồng rúp, tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”, anh nói.
Kể từ tháng 7/2021, Thái Lan thực hiện các bước đầu tiên hướng tới việc mở cửa trở lại với chương trình Hộp cát Phuket và kế hoạch “Test & Go” (Xét nghiệm và Lên đường). Từ đó tới nay, xứ sở chùa vàng đón số lượng khách Nga tới nhiều hơn mọi quốc gia khác trên thế giới.
Chỉ tính từ 1/11/2021 tới 6/3, có tới 55.000 người Nga đã tới hòn đảo này.
Một sàn giao dịch tiền tệ ở Pattaya niêm yết giá trị của đồng rub ở mức 0. Ảnh: SCMP. |
Nhưng kể từ khi các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow, lượng khách đến sụt giảm. Trên mạng xã hội tràn ngập những chia sẻ về việc khách sạn, bệnh viện và nhà hàng không thể xử lý các khoản thanh toán của khách Nga.
“Họ không thể sử dụng MIR (hệ thống thanh toán của Nga) vì các tổ chức tài chính Thái Lan chưa hỗ trợ hệ thống này. Họ cũng không thể sử dụng tiền điện tử”, Bhummikitti Ruktaengam - chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phuket - cho biết. Ông nói thêm rằng Thái Lan sử dụng hệ thống thanh toán UnionPay của Trung Quốc, nhưng nhiều người Nga thì không.
Ông cho biết hãng hàng không Thai Smile Airways đang tìm cách giúp khoảng 20% người Nga bị mắc kẹt trở về với giá rẻ.
“Điều quan trọng nhất lúc này là giúp du khách Nga bị mắc kẹt trở về nhà”, ông nói. "Việc phục hồi kinh doanh của chúng tôi có thể chậm lại cũng được".
Rời "quê hương thứ 2" vì sợ hết tiền
Người Nga trên hòn đảo Bali của Indonesia cũng phải đối mặt với các vấn đề tài chính. Khi du khách Konstantin Ivanov - 27 tuổi - cố gắng rút tiền từ tài khoản ngân hàng nội địa, anh đã không thể thực hiện giao dịch.
“Cứ như mọi (giao dịch) tài chính của chúng tôi bị đóng băng hoàn toàn vậy”, anh nói.
Hàng chục nghìn người Nga gọi hòn đảo này là “quê hương”.
Nina Ryckewaert, sống ở Bali trong 7 năm, cho biết cô đang trải qua nhiều “cung bậc cảm xúc” khi nghĩ tới gia đình ở Moscow và những rắc rối tài chính tại Bali.
Mẹ của cô dự định tới Bali thăm con gái nhưng đành phải hoãn để đảm bảo có đủ tài chính khi rời khỏi đất nước.
“Hãy tưởng tượng bạn làm việc cả cuộc đời và rồi mất tất cả vì tiền bị mất giá. Tôi không có các khoản đầu tư ở Nga nhưng tôi làm việc với những người đang gặp khó khăn (vì các lệnh trừng phạt)”, doanh nhân 33 tuổi cho biết.
“Đây giống như cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua vậy. Tôi lo lắng về mẹ tôi. Chúng tôi đang cố gắng sinh tồn”, cô nói thêm.
Ryckewaert sinh ra ở Nga nhưng lớn lên ở Bỉ. Cô có hộ chiếu và tài khoản ngân hàng của Bỉ. Cô cũng đã mở một tài khoản ngân hàng khác ở Indonesia.
Tuy nhiên, đồng hương của cô thì khó có thể thực hiện điều này dễ dàng. Cô cho biết nhiều người đã đến ngân hàng địa phương "và chờ đợi hàng giờ, thậm chí nhiều ngày chỉ để mở tài khoản nhằm chuyển tiền từ Nga".
Hàng chục nghìn người Nga gọi hòn đảo Bali là “quê hương” thứ 2. Ảnh: Shutterstock. |
Bali là điểm đến du lịch nổi tiếng một phần vì chi phí sinh sống trên hòn đảo này rất rẻ. Hơn 158.000 người Nga đã đổ xô đến Bali vào năm 2019, mỗi người chi khoảng 2.000 USD cho mỗi chuyến du lịch trong hai tuần.
Theo Ryckewaert, Bali là điểm đến phổ biến của những người nổi tiếng trên mạng xã hội.
“Hầu hết blogger (nổi tiếng của Nga) cho rằng quả là đặc ân nếu có đủ điều kiện sống ở Bali. Bali cung cấp cho họ khung cảnh và nội dung sáng tạo tuyệt vời, rất thích hợp để đăng lên mạng xã hội. Nhiều nhà quản lý doanh nghiệp hoặc những người sử dụng tiền điện tử cũng nghĩ như vậy”, cô nói.
Ryckewaert biết một vài người Nga đã trở về nhà "vì họ sợ rằng họ sẽ ở đây mà không có tiền". Nhưng với những người hiểu cách chuyển tiền, cô nói họ đang cố gắng rời Nga ngay bây giờ và đi nơi khác, bao gồm cả Bali.
Các doanh nghiệp do người Nga làm chủ đã tăng lên trong những năm gần đây trên khắp Bali. Tuy nhiên, những nơi này có thể mất đi thu nhập tiềm năng từ người Ukraine.
“Người Nga ở đây lập nên cộng đồng của riêng họ. Nhiều người không nói được tiếng Anh, và họ không có bạn bè từ các quốc gia khác”, cô Marianna Ciereszynska - một người Ukraine - nói.
"Chuyện gì đến sẽ đến"
Đối với Alexander - du khách người Nga bị mắc kẹt ở Phuket - thời gian là kẻ thù số một. Anh dự định rời Thái Lan vào ngày 17/3 nhưng tiền mặt sắp cạn, và anh không biết có hãng hàng không nào chấp nhận đưa anh về nước không.
“Tôi hy vọng mình có đủ sức sống cho đến khi về Moscow”, anh nói. “Chúng tôi đang đợi các hãng hàng không hoặc chính phủ sắp xếp chuyến bay về nước”.
Đối với những người Nga đang muốn ra nước ngoài, hiện không có đường bay thẳng đến Thái Lan, mặc dù các đường bay qua Trung Đông với Emirates, Qatar và Turkish Airlines vẫn đang hoạt động.
Hàng nghìn khách Nga đang mắc kẹt ở Thái Lan. Ảnh: Reuters. |
“Nhưng giá vé đã tăng mạnh”, theo Andrey Snetkov - Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á của TEZ Tour, một trong những công ty lữ hành lớn nhất ở Nga - cho biết. Ông đánh giá điều này sẽ dẫn đến rắc rối rất lớn về nhu cầu đi lại.
Đồng rúp mất giá “cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức mua của những du khách nói tiếng Nga - không chỉ từ Nga - mà cả các nước láng giềng như Kazakhstan và Belarus”, ông nói.
Đại dịch đã cản bước phát triển của nhiều khu vực phụ thuộc vào du lịch ở Thái Lan. Ông Bhummikitti cho biết khó khăn hiện tại không là gì so với những điều mà Covid-19 đã tàn phá trong 2 năm qua.
“Ở Phuket, chúng tôi đã học được cách kiên cường, sẽ không bao giờ có kế hoạch suôn sẻ”, ông nói. "Chuyện gì đến rồi sẽ đến".