Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiệt độ ở Trung Quốc tăng cao hơn mức trung bình của thế giới

Nhiệt độ trung bình trên mặt đất của Trung Quốc tăng nhanh hơn nhiều so với mức tăng trung bình toàn cầu trong 70 năm qua và sẽ vẫn "cao hơn đáng kể" trong tương lai.

Trong đánh giá khí hậu hàng năm được công bố vào tuần này, cơ quan thời tiết Trung Quốc cho biết nước này là "một khu vực nhạy cảm trong biến đổi khí hậu toàn cầu". Nhiệt độ ở nước này tăng 0,26 độ C trong mỗi thập kỷ kể từ năm 1951, cao hơn so với mức tăng trung bình toàn cầu là 0,15 độ C, theo Reuters.

"Trong tương lai, sự tăng lên của nhiệt độ trung bình ở Trung Quốc sẽ cao hơn đáng kể so với thế giới", Yuan Jiashuang, Phó giám đốc Trung tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc (NCC), cho biết tại cuộc họp hôm 3/8.

Ông cảnh báo rằng hình thái thời tiết ở Trung Quốc thay đổi sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng của nguồn nước, khiến hệ sinh thái dễ bị tổn thương hơn và giảm năng suất cây trồng.

Thời tiết khắc nghiệt đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng trong những tuần gần đây. Những đợt nắng nóng kéo dài gây ra hạn hán và cháy rừng trên khắp thế giới. Lượng mưa cao trong lịch sử cũng đã gây ra lũ lụt ở nhiều nơi.

Nhiet do trung binh o Trung Quoc tang cao hon muc tang toan cau anh 1

Các sông băng ở vùng núi Kỳ Liên Sơn của Trung Quốc đang biến mất với tốc độ đáng kinh ngạc do sự ấm lên toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Tháng trước, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng "không quốc gia nào miễn nhiễm" với biến đổi khí hậu và cho biết thế giới hiện phải lựa chọn giữa "hành động tập thể hoặc tự sát tập thể".

Người dân Trung Quốc phải chịu đựng thời tiết khắc nghiệt trong nhiều tuần qua với mức nhiệt lên đến hơn 44 độ C ở các tỉnh Vân Nam và Hà Bắc.

Theo số liệu của NCC, có tới 131 trạm thời tiết của Trung Quốc ghi nhận nhiệt độ bằng hoặc vượt mức từng được ghi nhận trong lịch sử, tăng gấp đôi so với mức 62 trạm của cả năm 2021.

Đánh giá khí hậu của Trung Quốc cho biết mực nước ven biển năm 2021 ở mức cao nhất kể từ năm 1980. Sự tan băng cũng diễn ra nhanh. Lượng băng vĩnh cửu dọc theo đường cao tốc Thanh Hải - Tây Tạng có dấu hiệu tan đạt mức cao kỷ lục và lượng băng trên biển tiếp tục giảm.

Trung Quốc ghi nhận mức độ che phủ thực vật tăng 7,9% vào năm 2021 so với mức trung bình từ năm 2001 đến năm 2020. Đánh giá cũng cho biết thời kỳ sinh trưởng của nhiều loài thực vật có xu hướng bắt đầu sớm hơn.

Con người đối mặt nguy cơ tuyệt chủng chưa được khám phá

Trong một phân tích về nguy cơ tuyệt chủng của loài người, các nhà khoa học khí hậu đã cảnh báo về “nguy hiểm chưa được khám phá hết”.

Nghịch lý tại một quốc gia đang oằn mình trước sóng nhiệt

Mặc dù Hy Lạp đang phải đối mặt với đợt nắng nóng kinh hoàng do biến đổi khí hậu gây ra, đất nước này lại đang quay trở lại sử dụng than đá để cung cấp điện cho người dân.

Hồng Sơn

Bạn có thể quan tâm