Mặc dù khả năng xảy ra nhỏ, sự không chắc chắn về lượng khí thải trong tương lai cùng hệ thống khí hậu khiến con người không thể loại trừ viễn cảnh phải đối mặt với trận đại hồng thủy, Guardian dẫn cảnh báo từ các nhà học.
Họ gọi thảm họa như vậy là "hồi kết của khí hậu".
“Đối mặt với một tương lai mà tốc độ biến đổi khí hậu ngày càng tăng”, họ cho biết thêm có “nhiều lý do” để nghi ngờ việc nóng lên toàn cầu có thể dẫn đến thảm họa tận thế.
Trong bối cảnh đó, nhóm chuyên gia quốc tế cho rằng thế giới cần phải bắt đầu chuẩn bị cho khả năng xảy ra cuộc chiến khí hậu.
“Phân tích các cơ chế gây ra những hậu quả cực đoan này có thể giúp thúc đẩy hành động, cải thiện khả năng phục hồi và cung cấp thông tin cho chính sách”, họ nói.
Một lính cứu hỏa đang cố gắng dập tắt đám cháy Sugar ở Doyle, California. Ảnh: AP. |
Phân tích mới cũng đề xuất một chương trình nghiên cứu, bao gồm 4 vấn đề chính mà các nhà khoa học gọi là “4 kỵ sĩ" trong trò chơi cuối cùng của khí hậu, lần lượt là nạn đói, thời tiết khắc nghiệt, chiến tranh và bệnh tật.
Phản ứng dây chuyền
Các nhà khoa học đã kêu gọi Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu đưa ra một báo cáo đặc biệt về vấn đề này.
“Có rất nhiều lý do để tin rằng biến đổi khí hậu có thể trở thành thảm họa, ngay cả khi nhiệt độ Trái Đất nóng lên trong một phạm vi nhỏ“, tiến sĩ Luke Kemp tại Trung tâm Nghiên cứu Rủi ro Hiện sinh của Đại học Cambridge, người đứng đầu phân tích, cho biết.
Trên thực tế, theo ông Kemp, biến đổi khí hậu đóng một vai trò nhất định trong mọi sự kiện tuyệt chủng hàng loạt. Nó được xem là một trong những yếu tố khiến các đế chế sụp đổ và định hình lịch sử.
“Các con đường dẫn đến thảm họa không chỉ giới hạn ở những tác động trực tiếp của nhiệt độ cao, như hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Phản ứng dây chuyền như khủng hoảng tài chính, xung đột và bùng phát dịch bệnh mới có thể gây ra những thảm họa khác”, ông nói.
Phân tích mới được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences và đã được hàng chục nhà khoa học xem xét.
Tuy nhiên, hậu quả khi sự nóng lên toàn cầu vượt ngưỡng 3 độ C vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng, với rất ít ước tính định lượng về tổng tác động.
“Chúng tôi biết rất ít về các tình huống nghiêm trọng nhất”, ông Kemp nói.
Lượng khí CO2 và methane phát thải trong khí quyển đã lên mức cao kỷ lục trong năm 2021 - một trong những năm nóng nhất trong lịch sử. Ảnh: Reuters. |
Các nhà khoa học cho biết thêm việc đánh giá rủi ro kỹ lưỡng sẽ xem xét cách rủi ro lan truyền, tương tác với nhau và khuếch đại như thế nào, nhưng nó vẫn chưa được thực hiện.
“Ví dụ, một cơn lốc xoáy phá hủy cơ sở hạ tầng điện có thể khiến con người dễ bị tổn thương khi đợt nắng nóng chết người kéo đến sau đó”, ông nói.
Điểm tới hạn
Cũng theo các nhà khoa học, một vấn đề đặc biệt cần được quan tâm là điểm tới hạn trong hệ thống khí hậu. Điểm tới hạn là thời điểm mà hệ thống tự nhiên, bao gồm khí hậu, đại dương, sinh thái,... bị thay đổi đến mức không thể đảo ngược, ngay cả khi con người không tiếp tục tăng lượng khí thải carbon hay tàn phá môi trường.
Nếu vượt qua điểm tới hạn, rừng nhiệt đới Amazon, nơi hấp thu ô nhiễm carbon của Trái Đất, có thể hứng chịu hạn hán và hỏa hoạn lớn trước khi biến thành thảo nguyên trơ trụi.
Hoặc khu vực băng tầng vĩnh cửu, đa số ở Siberia và đang cầm giữ khối lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cao gấp đôi so với lượng khí đã hiện diện trong khí quyển, có thể sẽ phóng thích chúng quay lại không khí.
Các nhà khoa học cảnh báo các điểm tới hạn có thể dẫn đến hiệu ứng domino và kích hoạt những điểm khác. Một số vẫn còn chưa được nghiên cứu rõ ràng, như sự biến mất đột ngột của mây tầng tích có thể khiến nhiệt độ Trái Đất nóng lên thêm 8 độ C.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cảnh báo biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm hoặc kích hoạt các nguy cơ thảm họa khác, chẳng hạn chiến tranh quốc tế hoặc đại dịch. Nó sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương như nghèo đói, mất mùa và thiếu nước.
Một cậu bé 5 tuổi đứng trên nền đất nứt nẻ của hồ chứa Boqueirao ở Campina Grande, bang Paraiba, Brazil, vào năm 2017. Ảnh: Reuters. |
Phân tích cũng cho thấy một ngày nào đó các siêu cường quốc có thể sẽ có xung đột về các kế hoạch geoengineering (thuật ngữ chỉ ý tưởng làm mát Trái Đất bằng các kỹ thuật tác động trực tiếp lên địa cầu) hoặc quyền phát thải carbon.
“Nếu sự ‘mong manh' của chính trị hiện nay không được cải thiện trong những thập kỷ tới, thì một vành đai bất ổn với khả năng phân chia nghiêm trọng có thể xảy ra”, các nhà khoa học cho biết.
Họ nói thêm lịch sử đã đưa ra những cảnh báo. “Biến đổi khí hậu đã đóng một vai trò trong sự sụp đổ hoặc biến đổi của nhiều xã hội trước đây và trong năm sự kiện tuyệt chủng hàng loạt của lịch sử Trái Đất”, họ nhấn mạnh.
Mô hình mới trong phân tích cũng cho thấy nhiệt độ cực cao - được định nghĩa là nhiệt độ trung bình hàng năm hơn 29 độ C - có thể ảnh hưởng đến 2 tỷ người vào năm 2070 nếu lượng khí thải carbon vẫn tiếp tục như hiện nay.
“Nhiệt độ như vậy đang ảnh hưởng đến khoảng 30 triệu người ở Sahara và vùng Duyên hải Vịnh Mexico”, Chi Xu, tại Đại học Nam Kinh, Trung Quốc, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
“Đến năm 2070, nhiệt độ này và những hậu quả xã hội - chính trị sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hai cường quốc hạt nhân, và bảy phòng thí nghiệm là nơi chứa các mầm bệnh nguy hiểm nhất. (Điều này) có khả năng gây ra những tác động tai hại", ông nói.