Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nghịch lý tại một quốc gia đang oằn mình trước sóng nhiệt

Mặc dù Hy Lạp đang phải đối mặt với đợt nắng nóng kinh hoàng do biến đổi khí hậu gây ra, đất nước này lại đang quay trở lại sử dụng than đá để cung cấp điện cho người dân.

song nhiet o chau Au anh 1

Khi ông Dimitris Mitsaris mở cửa garage, mùi nho lên men đã bốc lên khi ánh nắng ban mai đầu tiên chiếu vào. Mitsaris và gia đình ông sống ở Agios Panteleimonas, một ngôi làng miền núi chỉ có 800 cư dân ở phía bắc Hy Lạp. Họ đã biến ngôi nhà của mình thành một nhà máy rượu nhỏ.

Người đàn ông 40 tuổi này đã làm việc tại các mỏ than cho Tổng công ty Điện lực Nhà nước (PPC) trong 17 năm. Cuối cùng, ông đã từ bỏ than để làm rượu, khi biết rằng nhiên liệu hóa thạch đang dần được loại bỏ.

Ông Mitsaris đã mua 44 mẫu nho, song giờ đây ông tự hỏi liệu có lựa chọn đúng hay không. “Tôi lo sợ về tương lai. Tôi còn phải nuôi dưỡng hai cô con gái nhỏ”, ông nói.

Than là nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất và là nguyên nhân lớn nhất gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu. Hy Lạp đã rất cố gắng để loại bỏ nhiên liệu này. Tuy nhiên, quốc gia này - cùng với các quốc gia châu Âu khác - đang trì hoãn các kế hoạch đó để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang leo thang.

Những người nông dân như ông Mitsaris trở thành nạn nhân đầu tiên của sự bất định.

song nhiet o chau Au anh 2

Ông Dimitris Mitsaris ở trong nhà để xe, nơi hiện là một phần của nhà máy rượu. Ảnh: CNN.

Kế hoạch bất thành

Chỉ một năm trước, Hy Lạp tự tin rằng họ có thể đóng cửa tất cả nhà máy đốt than hiện có vào năm 2023. Ptolemaida 5, nhà máy mới, sẽ hoạt động vào năm 2025 và chạy bằng khí tự nhiên, loại nhiên liệu ít phát thải carbon hơn than nâu. Mốc thời gian đó giờ đã tan thành mây khói.

Thời hạn chấm dứt việc sử dụng than trong tất cả nhà máy hiện có đã bị trì hoãn từ năm 2023 đến năm 2025. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis gần đây đã đề xuất rằng nhà máy Ptolemaida sẽ cần đốt than ít nhất là đến năm 2028. Hy Lạp cũng đang có kế hoạch tăng 50% sản lượng khai thác than trong hai năm tới để bù đắp cho lượng khí đốt tự nhiên khan hiếm.

Đất nước này cũng đang phải chiến đấu với những trận cháy rừng trên đất liền và nhiều hòn đảo. Điều này được thúc đẩy bởi một đợt nắng nóng kinh hoàng do biến đổi khí hậu gây ra, chủ yếu đến từ việc con người đốt nhiên liệu hóa thạch.

Đối với nhiều người dân Hy Lạp, những lựa chọn chính trong cuộc sống, như sống và làm việc ở đâu, rất khó thực hiện khi các kế hoạch của chính phủ liên tục thay đổi. Đối với ông Mitsaris, rời khỏi ngôi làng, nơi ông sinh ra và lớn lên, không phải là một lựa chọn vào lúc này.

"Vợ tôi từng làm việc trong một nhà máy sữa, vốn đã đóng cửa cách đây vài năm. Họ đề nghị cô ấy làm việc ở Athens, nhưng hồi đó, lương của tôi đủ nuôi cả gia đình nên chúng tôi quyết định ở lại. Nếu tôi biết rằng chúng tôi sẽ rơi vào hoàn cảnh như bây giờ, tôi đã đến Athens hồi đó”, ông nói.

song nhiet o chau Au anh 3

Cha của Dimitris Matisaris rót đầy một chai rượu tại nhà máy rượu của con trai mình. Ảnh: CNN.

Chính phủ Hy Lạp đang cố gắng thuyết phục người dân rằng việc quay trở lại sử dụng than đá chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, sự "hồi sinh của than đá" đang lôi kéo người dân ở Tây Macedonia quay trở lại ngành công nghiệp này.

Công ty năng lượng PPC đã cung cấp việc làm ổn định cho hàng nghìn người ở Tây Macedonia, nơi gần 1/5 dân số không có việc làm.

Xét về quá trình chuyển đổi khỏi than đá, Hy Lạp là một câu chuyện thành công. Trước khi Nga phát động “chiến dịch quân sự” tại Ukraine, chỉ khoảng 9% nguồn cung năng lượng của Hy Lạp phụ thuộc vào than. Đây là quốc gia đầu tiên ở vùng Balkan công bố mục tiêu chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi đó luôn có những thách thức. Ở Tây Macedonia - nơi cung cấp 80% lượng than cho Hy Lạp - PPC đã trưng thu hàng chục ngôi làng để có thể khai thác than bên dưới chúng, chuyển toàn bộ cộng đồng dân cư ra vùng ngoại vi.

Trong giai đoạn này, những cư dân ở làng Akrini nhận thấy mình không thể di dời, ngay cả khi mọi thứ xung quanh đã đổ nát. Cư dân đã tranh chấp hơn một thập kỷ với PPC cho khoản bồi thường để di dời khỏi ngôi làng này.

Điều gì sẽ xảy đến tiếp theo?

Charalambos Mouratidis, 26 tuổi, thực sự không biết phải làm gì tiếp theo.

Giống như ông Mitsaris, anh đã tìm cách kiếm cuộc sống mới sau khi rời bỏ công việc tại một mỏ than, nơi cha anh cũng từng làm việc. Tuy nhiên, Mouratidis chưa bao giờ có được sự đảm bảo về công việc như cha mình.

Anh đã làm việc trong 8 tháng với một hợp đồng ngắn hạn để dọn sạch tro bụi của máy móc bên trong mỏ. Anh rời khỏi ngành vì sự không ổn định, lương thấp và ảnh hưởng nặng nề của tro bụi đến sức khỏe.

Giờ đây, anh điều hành một trang trại chăn nuôi gia súc. Ngoài ra, anh làm còn làm cho một công ty điện năng lượng mặt trời để kiếm sống qua ngày.

song nhiet o chau Au anh 4

Trang trại của Charalambos Mouratidis nằm ở Akrini, với một nhà máy than ở phía sau. Ảnh: CNN.

Tuy nhiên, việc phát triển của năng lượng mặt trời cũng khiến diện tích đất canh tác hoặc chăn thả ít đi. Vì vậy, việc xin phép mở rộng đất nông nghiệp ở Akrini là gần như không thể, anh nói.

Bên cạnh các trang trại năng lượng mặt trời, tất cả dự án cơ sở hạ tầng khác ở Akrini đã bị hủy bỏ. Ngôi làng đang bị bỏ mặc để chết dần chết mòn.

"Tôi bắt đầu làm nông nghiệp, hy vọng có một tương lai ổn định hơn, và bây giờ, nỗ lực đó cũng đang bị đe dọa. Mọi người đều đã đi vào ngõ cụt trong ngôi làng này”, anh Mouratidis nói.

Chính phủ Hy Lạp đã đề ra kế hoạch trị giá 7,9 tỷ USD để giúp đất nước chuyển đổi từ nền kinh tế dựa trên nhiên liệu hóa thạch thành một quốc gia đổi mới xanh. Kế hoạch Just Transition Development của nước này đã được Liên minh châu Âu tài trợ 1,66 tỷ USD.

Tây Macedonia là một trọng tâm trong kế hoạch này và sẽ được cấp vốn để trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của đất nước.

Tuy nhiên, Mouratidis hoài nghi rằng số tiền này sẽ giúp ích được gì cho mình.

"Tôi không chắc rằng phần lớn trong số đó sẽ đến tay những người như tôi, vốn điều hành các doanh nghiệp nhỏ. Một số tiền sẽ đến tay những người công khai ủng hộ chính phủ hiện tại và phần lớn số tiền đó sẽ thuộc về những người quản lý các quỹ này", anh nói.

Tuy nhiên, không phải tất cả hy vọng đều mất đi. Chỉ cách Akrini vài km, Nikos Koltsidas và Stathis Paschalidis đang cố gắng tạo ra các giải pháp bền vững cho những người bị mất việc làm trong quá trình chuyển đổi xanh, cũng như những người sẵn sàng tham gia chăn nuôi cừu và dê.

Thông qua sáng kiến "Trang trại tự hào", họ giúp đỡ những người Hy Lạp làm trang trại theo cách bền vững, giúp họ tiếp cận với khóa đào tạo và kiến thức về các công nghệ mới nhất.

Koltsidas cho biết anh muốn phổ biến đến người dân địa phương rằng nông nghiệp có thể mang lại một tương lai ổn định. "Không cần phải tiếp tục mắc kẹt trong những mô hình lỗi thời này của PPC”, anh nói.

Đường băng bị chảy nhựa vì nắng nóng kỷ lục ở Anh Sân bay Luton, Anh, hôm 18/7 đã phải dừng hoạt động trong vài giờ để sửa chữa một đoạn đường băng bị chảy nhựa do nắng nóng kỷ lục, lên tới trên 37 độ C.

Sóng nhiệt làm châu Âu thêm đau đầu với bài toán năng lượng

Làn sóng nhiệt gay gắt trong mùa hè năm nay đang khiến vấn đề năng lượng ở châu Âu thêm tồi tệ, khi nhu cầu dùng điện tăng cao nhưng nguồn cung lại gặp sức ép vì nhiều yếu tố.

Tour de France lao đao vì sóng nhiệt

Giải đua xe đạp uy tín nhất thế giới Tour de France đối mặt với tương lai bất định giữa lúc sóng nhiệt càn quét Pháp và nhiều nước châu Âu khác.

Vân Đinh

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm