Việc triển khai tên lửa được thực hiện vào ngày 26/3, Kyodo News cho biết. Khoảng 550 binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (JGSDF) đang đóng quân trên đảo Amami-Oshima ở tỉnh Kagoshima, cách đảo Kyushu phía tây nam gần 400 km về phía nam.
Đơn vị đóng quân ở đây vừa được tăng cường thêm tên lửa đất đối không và tên lửa chống hạm, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết.
Nhóm còn lại là một đơn vị an ninh gồm 380 thành viên đóng quân trên đảo Miyako ở tỉnh Okinawa, cách đảo chính của tỉnh khoảng 300 km về phía tây nam. Quân số của đơn vị sẽ được tăng lên 700-800 người, cùng với một đơn vị tên lửa nữa sẽ được triển khai vào năm 2020, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết thêm.
Trong cuộc họp báo công bố việc triển khai, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya, cho biết đơn vị mới có thể đối phó với thảm họa một cách nhanh chóng. Bộ này cũng đang chuẩn bị triển khai thêm đơn vị tên lửa và an ninh mới với quân số khoảng 500-600 người đến đảo Ishigaki của Okinawa, cách đảo Miyako khoảng 100 km về phía tây nam.
Khẩu đội tên lửa đất đối không Patriot của Nhật Bản do Mỹ chế tạo. Ảnh: Reuters. |
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Tokyo đang tìm cách lấp đầy những gì mà Bộ Quốc phòng Nhật Bản mô tả là “khoảng trống” trong phòng thủ ở khu vực Biển Hoa Đông.
Trước đây, JGSDF chỉ đóng quân trên đảo chính Okinawa và đảo Yonaguni ở cực tây Nhật Bản, nơi một đơn vị gồm 160 người được thành lập vào năm 2016 đang đóng quân.
Các đảo Miyako, Ishigaki và Yonaguni nằm gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Tàu chiến và tàu tuần tra của Trung Quốc nhiều lần xâm nhập vào vùng biển này khiến căng thẳng giữa hai nước tăng cao.
Cũng trong ngày 26/3, JGSDF đã tăng quân số của lữ đoàn đổ bộ triển khai nhanh từ 300 lên 2.400 người, trong nỗ lực củng cố khả năng bảo vệ các đảo xa xôi ở tây nam Nhật Bản. Được mệnh danh là “thủy quân lục chiến” của Nhật Bản, lữ đoàn được thành lập vào tháng 3/2018, như một đơn vị đổ bộ đầy đủ đầu tiên của Nhật kể từ sau Thế chiến II.
Đơn vị này có trụ sở tại tỉnh Nagasaki trên đảo chính Kyushu. Theo chương trình tăng cường phòng thủ trung hạn mới được thông qua, Nhật Bản đang lên kế hoạch tăng cường hệ thống phòng thủ tại các đảo xa xôi phía tây nam đất nước. Chương trình sẽ kéo dài khoảng 5 năm và bắt đầu từ ngày 1/4 tới.