Các cuộc thảo luận về vấn đề này đang được tiến hành, Nikken Asia Review dẫn nguồn tin một số quan chức Nhật Bản cho biết. Hai bên đang tìm cách giải quyết các chi tiết về số lượng, đơn giá của những chiếc F-15 sẽ bán cho bên thứ 3.
Giới phân tích nhận định thông qua một cuộc mua bán như thế sẽ dập tắt các chỉ trích về mở rộng chi tiêu quốc phòng, trong bối cảnh Tokyo đang tìm cách củng cố nền kinh tế. Phía Mỹ sẽ đảm nhận việc đàm phán giá cả với khách hàng vì Tokyo không có nhiều kinh nghiệm trong việc bán vũ khí cho bên thứ 3.
Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) đang vận hành khoảng 200 tiêm kích F-15J, những chiến đấu cơ này là cốt lõi trong năng lực phòng vệ trên không của Nhật Bản. Khoảng một nửa số lượng F-15 đã được nâng cấp với hệ thống điện tử tiên tiến.
Số F-15 bị đem bán được cho là thuộc phiên bản cũ không thể nâng cấp. Chính phủ Nhật Bản đã quyết định tìm cách bán số máy bay không thể nâng cấp này để thay thế bằng những tiêm kích tàng hình F-35 tối tân trong một cuộc họp vào thứ 3 tuần trước.
2 tiêm kích F-15 của Nhật Bản cất cánh trong một đợt diễn tập. Ảnh: JASDF. |
Chính phủ Nhật Bản đánh giá rằng họ không có nhiều kinh nghiệm trong việc xuất khẩu thiết bị quốc phòng, do đó sẽ hợp lý hơn khi giao dịch gián tiếp thông qua Mỹ, quốc gia xuất khẩu vũ khí số 1 thế giới. Điều đó sẽ mang lại lợi ích cho Tokyo hơn là cố gắng bán trực tiếp cho bên thứ 3. Mặt khác, nếu Nhật Bản muốn bán vũ khí của Mỹ cho bên thứ 3 cũng phải có được sự đồng ý của Washington.
Những chiếc F-15 cũ nhất được triển khai hoạt động vào đầu những năm 1980. Chúng có thể ở trong tình trạng hoạt động tốt nếu các bộ phận quan trọng được thay thế khi cần thiết. Washington nói với Tokyo rằng họ sẽ xem xét bán những chiếc F-15 cho quốc gia có lực lượng không quân yếu.
Thỏa thuận này sẽ cho phép Mỹ cung cấp máy bay chiến đấu cho các quốc gia Đông Nam Á với chi phí phải chăng, trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Dù là chiến đấu cơ cũ, không thể nâng cấp nhưng F-15 vẫn là tiêm kích đáng gờm trên bầu trời. Năng lực của nó đã được chứng minh qua nhiều cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu.
Hiến pháp Nhật Bản cấm xuất khẩu thiết bị quân sự ra nước ngoài trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi vào năm 2014, khi nội các Nhật Bản thông qua kế hoạch nới lỏng xuất khẩu quốc phòng.
Tokyo vẫn duy trì lệnh cấm bán vũ khí sang các nước có liên quan đến xung đột vũ trang, nhưng cho phép nếu quốc gia đó có đóng góp cho an ninh Nhật Bản. Người ta vẫn chưa thể xác định quốc gia nào ở Đông Nam Á sẽ mua lại những chiếc F-15 cũ của Nhật Bản.