Nhật Bản sắp bắt đầu chế tạo lớp tàu tuần tra hạng nhẹ mới cho Lực lượng Phòng vệ Biển của nước này vào năm 2020, Bộ Quốc phòng nước này đã xác nhận với báo South China Morning Post (SCMP).
Những tàu chiến mới được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và giám sát trong lãnh hải của Nhật Bản, giải phóng các tàu khu trục mà trong những năm gần đây đã được sử dụng trong hoạt động tuần tra vùng biển gần quần đảo tranh chấp mà phía Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku, còn Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.
Quần đảo tranh chấp mà phía Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku, còn Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Ảnh: Kyodo. |
Một quan chức văn phòng báo chí Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận rằng nhiệm vụ chính của các tàu mới sẽ là tuần tra, mặc dù chưa có quyết định về việc chúng sẽ được điều tới đâu và bao giờ sẽ được triển khai.
Quan chức này cũng cho biết chưa có quyết định nào về ngân sách hay các công ty sẽ đóng những chiếc tàu này, vốn được đề xuất lần đầu tiên trong bản Hướng dẫn Chương trình Quốc phòng mà chính phủ phê duyệt tháng 12/2018.
Hướng dẫn trên cho biết lực lượng phòng vệ sẽ vận hành các tàu tuần tra nhưng không chỉ rõ khu vực hoạt động. Tuy nhiên, không ai nghi ngờ về mối đe dọa lớn nhất mà Tokyo cảm thấy đối với toàn vẹn lãnh thổ của mình.
“Nhật Bản coi Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng lớn đối với lợi ích hàng hải và lãnh thổ vốn có của mình, bao gồm Okinawa và quần đảo Senkaku”, ông Jeff Kingston, giám đốc nghiên cứu châu Á tại cơ sở Tokyo của Đại học Temple, nói với SCMP.
“Triển khai thêm tàu trong khu vực đó là nhằm gửi thông điệp tới Bắc Kinh rằng Nhật Bản sẽ không nhượng bộ, mà sẽ tiếp tục gây sức ép và bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình”, ông nói thêm.
“Nhưng không bên nào chịu xuống nước trong tranh chấp đảo, do vậy nảy sinh tình thế mèo vờn chuột, trong đó Trung Quốc sẽ tiếp tục thăm dò, và tìm cách khẳng định chủ quyền của mình”, ông Kingston cho biết.
“Và mỗi khi một tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Nhật Bản quanh các đảo đó, Bắc Kinh sẽ nói rằng họ đang thực hiện quyền của mình, và sau đó Nhật Bản sẽ phản ứng tương xứng ... 2 bên đang cố gắng đánh dấu lãnh thổ và vùng biển này có nguy cơ bùng phát xung đột”, chuyên gia này nói với SCMP.
Tàu tuần duyên Nhật Bản và Trung Quốc phía nam quần đảo Senkaku/Điếu Ngư năm 2013. Ảnh: Reuters. |
Khả năng xảy ra một sự cố nhỏ hay một vụ đụng độ tình cờ rồi leo thang nhanh chóng là hoàn toàn có thể xảy ra. Tháng 9/2010, tàu đánh cá Trung Quốc Minjinyu 5179 va chạm với một tàu tuần tra của tuần duyên Nhật Bản trong lãnh hải Nhật Bản xung quanh các đảo tranh chấp.
Việc bắt giữ sau đó đối với thuyền trưởng tàu Trung Quốc Zhan Qixiong khiến quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh căng thẳng, và Bắc Kinh cắt xuất khẩu đất hiếm sang Nhật còn một nửa. 14 thuyền viên được thả về Trung Quốc sau 6 ngày, còn Zhan chỉ được thả sau 17 ngày.
“Có khả năng một vụ việc tương tự sẽ lặp lại, nhưng tôi tin rằng 2 bên có lợi ích trong việc tránh vụ việc như vậy”, ông Kingston nói.