South China Morning Post cho biết 35.000 hình ảnh thời kỳ Nhật chiếm đóng Trung Quốc từ năm 1936-1945 đang tạo sóng trên mạng xã hội Trung Quốc.
Cho đến nay, số ảnh này, được chụp bởi một công ty đường sắt thuộc chính quyền bù nhìn do Nhật dựng nên ở Trung Quốc, chỉ được dùng cho mục đích nghiên cứu. Nhưng bây giờ, Khoa Nhân văn của Đại học Kyoto đã đăng số ảnh đó trên mạng, kênh truyền hình NHK của Nhật đưa tin.
Số ảnh trên là về cuộc sống thường ngày ở Trung Quốc thời bị chiếm đóng, và có những ảnh cho thấy lính Nhật đang duyệt binh, lao động chân tay, hoặc chụp bên cạnh vũ khí.
35.000 ảnh tư liệu được chụp trong thời kỳ Trung Quốc bị Nhật chiếm đóng đã làm khuấy động mạng xã hội. Ảnh: Công ty Đường sắt Bắc Trung Quốc. |
Theo South China Morning Post, ký ức về sự xâm lược và chiếm đóng của Nhật vẫn là nỗi đau đối với nhiều cư dân mạng Trung Quốc.
“Tôi vẫn không thể tha thứ những tội ác chiến tranh trong thời kỳ xâm chiếm”, một bình luận được ‘thích’ hơn 10.000 lần trên mạng xã hội Weibo có viết.
Một bài đăng khác có hơn 14.000 lượt thích thì nói “Tôi vẫn chưa quên nỗi nhục của đất nước, và thừa nhận lịch sử của đất nước là điều rất quan trọng”.
Một số ảnh trong kho ảnh này có hình lính Nhật chụp với vũ khí. Ảnh: Công ty Đường sắt Bắc Trung Quốc. |
Các chuyên gia ước tính từ 200.000 - 300.000 người Trung Quốc đã bị giết dưới tay lính Nhật trong cuộc thảm sát Nam Kinh cuối năm 1937, một trong những vụ thảm sát và cưỡng hiếp tàn bạo nhất lịch sử.
Hai nước vẫn không ngừng tranh cãi về quá khứ. Học giả Nhật cho rằng Trung Quốc nói quá về con số thương vong vì mục đích tuyên truyền, trong khi người dân Trung Quốc, cả người cao tuổi lẫn người trẻ, cho rằng chính phủ Nhật làm chưa đủ trong việc thừa nhận tội ác của nước này trong chiến tranh.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thường xuyên bị chỉ trích vì viếng thăm đền Yasukuni, nơi tưởng niệm lính Nhật tử trận.