Ngày 26/10, Trung Quốc và Nhật Bản cam kết thúc đẩy mối quan hệ song phương gần gũi hơn khi cùng đứng trước “bước ngoặt lịch sử”. Hai bên đã ký kết hơn 50 biên bản thỏa thuận, trong đó có thỏa thuận hoán đổi tiền tệ, trị giá 30 tỷ USD có hiệu lực vào năm 2021.
“Từ cạnh tranh đến cùng tồn tại, quan hệ song phương Nhật Bản và Trung Quốc bước vào giai đoạn mới. Tay trong tay cùng Thủ tướng Lý Khắc Cường, tôi mong muốn thúc đẩy quan hệ của chúng ta tiến về phía trước”, Reuters dẫn lời ông Abe ngày 26/10.
Thủ tướng Abe cho rằng Nhật Bản và Trung Quốc là láng giềng, đối tác, và sẽ không trở thành mối đe dọa của nhau.
“Với Chủ tịch Tập Cận Bình, tôi mong muốn vẽ nên kỷ nguyên mới cho Trung Quốc và Nhật Bản”, thủ tướng Nhật bày tỏ hy vọng chuyến thăm sẽ nâng cao quan hệ với Trung Quốc từ cạnh tranh thành hợp tác
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt tay tại Bắc Kinh ngày 26/10. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Trong lúc đó, theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, quan hệ song phương giữa hai nước đã quay trở về đúng hướng và Trung Quốc sẽ đảm bảo xung lực tích cực này tiếp tục được duy trì.
“Điều đó đáng được cả hai bên trân trọng”, ông nói, cho biết thêm hai nước cần tiến hành đối thoại chiến lược về chiều sâu và giao lưu nhân dân để gia tăng sự hiểu biết song phương.
“Cả hai bên nên nắm được mục tiêu chiến lược của nhau, và thực thi những gì đã được tán thành - rằng sẽ là đối tác và không gây bất kỳ mối đe dọa nào với nhau”.
Hai nhà lãnh đạo châu Á thể hiện sự nhất trí về thương mại tự do. Tại cuộc gặp, ông Tập kêu gọi ông Abe cùng chung tay duy trì chủ nghĩa đa phương cũng như nền kinh tế quốc tế mở.
Những động thái trên diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm Bắc Kinh 3 ngày của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Đây là lần đầu tiên trong 7 năm thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản đến Trung Quốc để thực hiện một chuyến thăm chính thức, không phải tham dự họp đa phương.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại buổi họp báo chung hôm 26/10. Ảnh: AP. |
Theo Reuters, hai nước láng giềng Nhật - Trung dường như đang nỗ lực hoạch định các lĩnh vực hợp tác mới và tăng cường niềm tin có lúc rất mong manh từ khi khôi phục quan hệ ngoại giao vào năm 1972.
Về vấn đề tranh chấp trên đảo tại Biển Hoa Đông, nguồn cơn gây căng thẳng trong quan hệ hai nước, người phát ngôn phía Nhật Bản cho biết ông Abe đã nói với Thủ tướng Lý Khắc Cường rằng sẽ “không có cải thiện thực chất” trong quan hệ song phương trừ khi “ổn định được thiết lập trên Biển Hoa Đông.
Ông Abe cũng cho biết Tokyo “quyết tâm” bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên với điều kiện cần là phi hạt nhân hóa và trả tự do cho công dân Nhật bị nước này bắt cóc.
“Hai nước chúng ta có trách nhiệm to lớn trong hòa bình và ổn định khu vực”, Thủ tướng Abe tuyên bố.
Tại cuộc họp báo chung hôm 26/10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định những nỗ lực thúc đẩy quan hệ Trung - Nhật cần được “duy trì không ngừng để ngăn chặn sự xuất hiện của các khúc mắc mới” và các nỗ lực trước đó không bị lãng phí.
Theo ông, việc ký kết thỏa thuận với tổng giá trị 18 tỷ USD giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và Nhật Bản phản ánh “viễn cảnh xán lạn” cho hợp tác giữa hai quốc gia.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng Ngoại trưởng Taro Kono, và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cùng Ngoại trưởng Vương Nghị, tham gia lễ ký kết tại Bắc Kinh hôm 26/10. Ảnh: Reuters. |
Tiến triển này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ liên tiếp trả đũa nhau bằng thuế quan trong những tháng gần đây. Nhật Bản cũng đang gặp rủi ro vì nước này xuất khẩu linh kiện điện tử và thiết bị cho Trung Quốc sản xuất hàng tới Mỹ và nhiều thị trường khác.
Mặc dù chuyến thăm chỉ kéo dài 3 ngày, theo South China Morning Post, giới quan sát cho rằng đây là một bước đi quan trọng trong quá trình hòa giải giữa hai nước và một phần là hệ quả từ những bất ổn xung quanh chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tại châu Á. Các chuyên gia đánh giá căng thẳng Mỹ - Trung là lý do cho việc Bắc Kinh trở nên thân thiết hơn với Tokyo.
“Đúng thời điểm là rất quan trọng”, Giáo sư Yasuhiro Matsuda thuộc Đại học Tokyo nhận định thủ tướng Nhật Bản “đã gửi thông điệp thân thiện tới Trung Quốc một cách hiệu quả trong những năm gần đây và thành công đợi đúng thời điểm tốt nhất”.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Abe đã mời ông Tập Cận Bình thăm Nhật Bản vào năm 2019. Theo người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản, chủ tịch Trung Quốc cho hay sẽ nghiêm túc cân nhắc lời mời.