Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Bắc Kinh ngày 25/10 là tín hiệu rõ ràng cho thấy căng thẳng đang dần hạ nhiệt giữa hai đối thủ tại châu Á. Đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của thủ tướng Nhật Bản trong 7 năm qua.
Ngày 26/10, ông Abe có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, tham gia diễn đàn bàn về các dự án cơ sở hạ tầng và đến thăm Đại học Bắc Kinh trước khi họp và dự tiệc tối với Chủ tịch Tập Cận Bình.
South China Morning Post dẫn lời một quan chức Nhật Bản cho rằng chuyến đi tuy mạo hiểm nhưng vẫn cần được thực hiện. “Chúng tôi phải giữ thế cân bằng. Mỹ có thể sẽ nghi ngờ về việc Nhật Bản xích lại quá gần với Trung Quốc. Giờ đây Trung Quốc cần một người bạn giữa cuộc chiến thương mại với Mỹ nhưng điều gì sẽ xảy ra khi quan hệ Mỹ - Trung được cải thiện?”.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Bắc Kinh ngày 25/10. Ảnh: Getty. |
Đối thủ láng giềng
Mối quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản từ lâu bị cản trở bởi tàn dư chiến tranh và tranh chấp lãnh thổ tại biển Hoa Đông. Hai quốc gia chạm trán vào năm 2012 khi Nhật Bản và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền một phần của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại vùng biển này.
Mối quan hệ càng xấu đi vào năm 2013 sau chuyến thăm gây tranh cãi của ông Abe đến đền Yasukuni, Tokyo, nhân dịp tưởng nhớ 2,5 triệu người Nhật thiệt mạng vì chiến tranh, trong đó có 14 tội phạm bị kết tội trong Thế chiến 2. Động thái khiến các quan chức Trung Quốc miêu tả ông Abe là “người không được hoan nghênh”.
Chuyến thăm của ông Abe dẫn tới mối quan hệ ngoại giao lạnh nhạt và đạt đến đỉnh điểm tại cuộc gặp giữa ông Abe và người đồng cấp Trung Quốc năm 2014. Theo CNN, trong một khoảnh khắc khó xử, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Shinzo Abe bắt tay, ánh nhìn chán nản và biểu cảm lạnh nhạt. Hai người đồng cấp không cho thấy bất cứ tín hiệu nào rằng họ đang vui vẻ với cuộc gặp.
Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Shinzo Abe biểu cảm lạnh nhạt tại cuộc họp năm 2014. Ảnh: Getty. |
Đến tháng 9/2017, hai nước có tín hiệu tan băng khi ông Abe trở thành nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên trong 15 tham dự lễ kỷ niệm quốc khánh tại Đại sứ quán Trung Quốc. Kể từ đó, ông Abe và ông Tập đã nhiều lần gặp gỡ tại các cuộc họp thượng đỉnh quốc tế. Hai phía đều ca ngợi nỗ lực của đối phương.
Gần đây, Nhật Bản đã thúc đẩy việc cải thiện mối quan hệ. Trung Quốc, bạn hàng lớn nhất của Tokyo với tổng quy mô thương mại năm 2017 là 300 tỷ USD, hiện là thị trường đang phát triển đối với Nhật Bản. Tuy nhiên, điều này có thể bị đe dọa bởi yếu tố mới nổi: Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Đồng minh xa cách
Đối với Nhật Bản, chiến tranh thương mại bất ngờ và phức tạp hơn rất nhiều. Cho tới nay, Washington và Tokyo đã là đồng minh chính trị và quân sự thân thiết trong hơn 70 năm. Ông Abe là nhà lãnh đạo đầu tiên gặp mặt ông Trump sau khi ông đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Mặc dù vậy, sau hàng loạt cuộc hội đàm và nỗ lực lấy lòng ông Trump, chính phủ Nhật Bản vẫn trắng tay. “Mối quan hệ Abe - Trump và tất cả những ảo tưởng khác không mang lại thành quả gì cho Nhật Bản, trái lại Mỹ còn thể hiện thái độ thô lỗ và thù địch về vấn đề thương mại”, Koichi Nakano, giáo sư khoa học chính trị tại đại học Sophia, Tokyo, nói với CNN.
Mối quan hệ đồng minh thân thiết giữa Nhật Bản và Mỹ đang bị đe dọa bị chiến tranh thương mại. Ảnh: Reuters. |
Không giống như những đồng minh khác của Mỹ như Australia, Nhật Bản không được miễn thuế các mặt hàng sắt và nhôm nhập khẩu. Hơn thế nữa, tổng thống Mỹ còn phát biểu gay gắt về quan hệ thương mại với Tokyo. Vào tháng 4, ông Trump viết trên Twitter rằng Nhật Bản đã “đánh mạnh vào thương mại Mỹ trong nhiều năm qua”.
Đất nước Mặt Trời mọc hiện có thặng dư thương mại lớn thứ 3 với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Mới đây, ông Trump đã cho rằng một số loại xe nhập khẩu từ Nhật Bản là mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
“Nhận thức chính trị của ông Trump về vấn đề thương mại là rất thẳng thắn. Ông tin rằng Nhật Bản và Hàn Quốc không công bằng trong cuộc chơi thương mại và ông khăng khăng giữ quan điểm đó”, Richard McGregor , nhân viên cấp cao tại viện nghiên cứu Lowy, Australia, nói với CNN.
Về mặt ngoại giao, ông Abe đã "bị gạt ra ngoài" cuộc đàm phán cấp cao giữa Washington, Bình Nhưỡng và Seoul về vấn đề Triều Tiên. Tokyo cảm thấy không vui vì điều này. “Tôi nghĩ Nhật Bản đáng ra nên nhận thấy rằng đứng về phía Mỹ không mang lại lợi ích to lớn nhất cho họ”, một quan chức Trung Quốc nói với SCMP.
Gần đây, Tổng thống Trump liên tục thúc giục các đồng minh quân sự ở Đông Á tự chi trả kinh phí quốc phòng, cảnh báo về khả năng Mỹ sẽ không hiện diện quân sự tại khu vực trong khi khuyến khích Nhật Bản mua thêm vũ khí của Washington.
Kotaro Tamura, nhà nghiên cứu châu Á tại Viện Milken, nói: “Mỹ vẫn là đồng minh quan trọng nhất đối với Nhật Bản, đặc biệt là trong vấn đề an ninh. Nhưng đặt cược vào chỉ một quốc gia là hành động liều lĩnh. Bên cạnh đó, nếu không kể đến vai trò cá nhân của tổng thống Mỹ, thì sự hiện diện của Washington tại châu Á cũng sẽ giảm. Vì vậy Nhật Bản cần phải chuẩn bị cho tình huống này. Ít nhất Thủ tướng Abe đã hiểu tình hình”.
Cách tiếp cận đúng đắn?
Trong lịch sử, mối quan hệ giữa Tokyo với Bắc Kinh rất khác so với Mỹ. Một là đối thủ bên kia biên giới, một là đồng minh thân cận. Nhưng cả hai quốc gia hiện đều phải đối mặt với sức ép từ chính quyền Trump.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung có thể sẽ gây nên những hậu quả kinh tế và chính trị toàn cầu. Vượt ngoài vấn đề trả đũa bằng thuế quan, ông Trump đang muốn mở rộng cuộc chiến sang các lĩnh vực quân sự và chính trị khi cáo buộc Bắc Kinh cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ.
Trung Quốc và Mỹ đang đứng trước nguy cơ leo thang cuộc chiến thương mại ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu. Ảnh: Getty. |
Vài tháng trước chuyến thăm của ông Abe tới Bắc Kinh, các quan chức Trung Quốc đã tìm cách lôi kéo Nhật Bản vào mạng lưới tự do thương mại, kêu gọi nước này cùng Trung Quốc chống lại chủ nghĩa bảo hộ.
Các chuyên gia cho rằng do áp lực an ninh và thương mại từ Tổng thống Trump, Trung Quốc và Nhật Bản đang tuyệt vọng tìm kiếm đồng minh trong khu vực để làm dịu “cơn bão Mỹ”. Theo các quan chức Trung Quốc, Bắc Kinh nhận thức được rõ ràng khả năng Mỹ sẽ suy giảm vị thế lãnh đạo trong khu vực, coi đây là cơ hội để thu hút các quốc gia láng giềng tiến vào quỹ đạo của Trung Quốc.
“Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều là mục tiêu của Mỹ. Ông Tập Cận Bình muốn nói với ông Abe rằng họ đang cùng chung cảnh ngộ”, ông Nakano nói với CNN. “Trung Quốc đang tìm kiếm một người bạn, nghĩa là nước này sẵn sàng hòa giải với Nhật Bản và bỏ qua những khác biệt sâu sắc mang tính chiến lược. Theo một nghĩa nào đó, điều này tương tự với phía Nhật Bản”, ông nói.
“Tất nhiên chúng tôi lo lắng về tình hình hiện tại giữa Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt là hiện nay chuỗi cung ứng rất phức tạp, đan xen trong đó có cả những sản phẩm và nhà sản xuất của Nhật Bản”, SCMP dẫn lời một quan chức Nhật Bản cho hay.
Ông Tamura cho rằng hiện Tokyo thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh vì lợi ích chiến lược và lợi ích kinh tế. “Nhật Bản nên rào đón, ít nhất về mặt kinh tế, (để cải thiện quan hệ với) Trung Quốc, lợi dụng tình hình hiện tại. Với một nước Nhật đang già yếu, thì việc đấu lại Trung Quốc là không thực tế. Chúng ta cần phải bảo vệ lấy mình, nhưng đồng thời chúng ta cũng cần bắt tay với các nước khác, bao gồm Trung Quốc”, ông nói.
Quan chức hai nước cũng nói rằng họ sẽ hợp tác trong những dự án cơ sở hạ tầng tại các nước thứ 3 đã ký kết “Vành đai, Con đường” với ông Tập. Diễn đàn về sáng kiến “Vành đai, Con đường”, với sự tham gia của hơn 1.000 lãnh đạo doanh nhân và quan chức chính phủ từ hai nước, được tổ chức vào ngày 26/10 trong thời điểm chuyến thăm của ông Abe để thảo luận khung chính sách cũng như các lĩnh vực mà hai quốc gia có thể hợp tác.
Nhật Bản, đối thủ cạnh tranh toàn cầu của Trung Quốc trong thời gian dài, cho đến nay vẫn né tránh đề cập trực tiếp đến sáng kiến và muốn gọi việc can dự của nước này là “hợp tác ở nước thứ 3”.
“Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguyên tắc quốc tế như mở cửa thị trường, minh bạch, tính khả thi kinh tế, và tài chính lành mạnh”, một quan chức Nhật Bản phụ trách chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Abe nói.
Quy mô dự án Vành đai, Con đường do Trung Quốc đề xuất. Ảnh: Daily China. |
Dai Hakozaki, giám đốc bộ phận Trung Quốc và Bắc Á của tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, cho rằng sự tham gia của nước này sẽ giúp Bắc Kinh cải thiện dự án Vành đai, Con đường. Cộng đồng quốc tế đang dõi theo để đánh giá chất lượng và độ bền vững của sáng kiến này.
Quan chức này nói thêm Bộ Quốc phòng hai nước đang soạn thảo thỏa thuận hợp tác để triển khai tìm kiếm cứu nạn trên biển. Phía Nhật Bản cũng đẩy mạnh nối lại đàm phán về vấn đề cùng khai thác dầu mỏ và khí đốt tại biển Hoa Đông, hoạt động bị đình trệ từ năm 2010.
Tuy nhiên, câu chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn nếu Mỹ tham gia vào cuộc giằng co 3 bên bằng cách yêu cầu Nhật Bản không hợp tác thương mại với nền kinh tế phi thị trường – tức Trung Quốc.
Ông Tamura cho rằng Nhật Bản cần phải thận trọng khi bước đi trên ranh giới hợp tác mong manh với Trung Quốc. “Khi chúng ta củng cố hợp tác với Bắc Kinh, Mỹ sẽ kiểm tra lòng trung thành của các đồng minh, trong đó có Nhật Bản. Đôi lúc Washington sẽ hỏi ‘vậy bạn về phe nào?’, vì thế Nhật Bản cần hết sức cẩn trọng”, ông nói.
Tương lai khó đoán định
Cho dù động thái của Mỹ có đẩy Tokyo và Bắc kinh xích lại gần nhau, hai quốc gia láng giềng có lịch sử xung đột vẫn rất khó có thể hòa giải hữu nghị.
Stephen Nagy thuộc viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản nói với CNN: “Trong khi Trung Quốc cần sự giúp đỡ từ Tokyo để đối phó với các hoạt động thương mại của ông Trump, Nhật Bản lại đang chật vật bảo vệ trật tự kinh tế tự do trong khu vực".
“Tokyo lo ngại rằng nếu mối quan hệ tiếp tục xấu đi, sẽ có một thị trường Mỹ và một thị trường Trung Quốc đóng cửa riêng biệt. Điều này ảnh hưởng xấu tới các công ty Nhật. Họ không muốn vậy”, ông nói thêm.
Tới nay, cả hai quốc gia đều tỏ ra tích cực thúc đẩy thương mại tự do, ít nhất là trong các phát biểu công khai. Trả lời phỏng vấn với South China Morning Post trước chuyến thăm của ông Abe tới Bắc Kinh ngày 25/10, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Cheng Yonghua nói: “Chúng tôi không nên ngồi không và thản nhiên trước thiệt hại của chuỗi cung ứng và các hoạt động thương mại toàn cầu. Chúng tôi nên đoàn kết để bày tỏ sự ủng hộ kiên quyết đối với thương mại tự do và phản đối chủ nghĩa bảo hộ”.
Ông Abe sẽ phải giải quyết rất nhiều mâu thuẫn lịch sử và chủ quyền với Trung Quốc nếu muốn nối lại tình hữu nghị. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên các tín hiệu tan băng giữa hai quốc gia châu Á không có nghĩa là tất cả vấn đề của Tokyo và Bắc Kinh sẽ được giải quyết, và cũng còn quá sớm để đảm bảo điều này.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa công khai chỉ trích mạnh mẽ ông Abe vì gửi lễ cúng đường đến đền Yasukuni ở Tokyo, ngôi đền tưởng nhớ một số tội phạm chiến tranh bị kết án. “Chúng tôi kêu gọi Nhật Bản đối mặt và suy nghĩ về lịch sử xâm lược của họ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng phát biểu.
Qua nhiều đời tổng thống Mỹ, những bất đồng sâu sắc giữa Nhật Bản và Trung Quốc về lịch sử cũng như lãnh thổ vẫn còn đó, trở thành nguyên nhân gây chia rẽ. “Những vấn đề nền tảng cơ bản này có thể sẽ liên quan và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn yếu tố tạm thời là ông Trump”, ông Nakano nói.