“TPP sẽ vô nghĩa nếu thiếu Mỹ".
Đó là phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề hội nghị cấp cao APEC 2016 diễn ra tại thủ đô Lima, Peru. Tuyên bố này của ông Abe được đưa ra sau khi trước đó vài ngày, tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Kể từ khi tranh cử, ông Trump đã phản đối kịch liệt việc người tiền nhiệm Barack Obama ký kết TPP, gọi đây là một hiệp định “thảm họa” sẽ đe dọa cơ hội việc làm của người Mỹ.
Và ông Trump đã giữ lời hứa của mình, ngay trong tuần đầu tiên sau khi nhậm chức, tổng thống thứ 45 của nước Mỹ ký một sắc lệnh đặc biệt rút nước này khỏi TPP.
Dưới chính sách “nước Mỹ trên hết”, chính quyền của Tổng thống Trump liên tiếp áp đặt các hàng rào thuế quan lên sản phẩm nhập khẩu từ những nước khác. Không chỉ làm điều đó với Trung Quốc, ông Trump cũng gây bất ngờ khi đánh thuế một số sản phầm từ Canada, Nhật Bản và EU - những đồng minh lâu năm của Mỹ.
Trong bài bình luận đăng trên Nikkei Asian Review hôm 22/10, nhà bình luận William Pesek nói rằng trong khi ông Trump trở thành một hình ảnh nổi bật của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, Thủ tướng Abe lại đang âm thầm cứu vãn TPP và thúc đẩy việc kết nạp thêm các thành viên vào hiệp định thương mại tự do này.
William Pesek là một nhà báo sống tại Tokyo, cây bút bình luận thường xuyên trên Bloomberg. Ông là tác giả của cuốn sách Nhật Bản Hóa: Những điều thế giới có thể học hỏi từ những thập kỉ mất mát của Nhật Bản.
Những "kế hoạch B, C" thầm lặng
Đầu tiên là việc cứu vãn TPP, với Nhật Bản và 10 thành viên còn lại. Hiệp định này sẽ thật sự vô nghĩa nếu không còn sự hiện diện của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang thành công trong việc âm thầm thúc đẩy tự do thương mại, với việc giữ cho TPP sống sót sau khi Mỹ rút lui và thậm chí là mở rộng hiệp định này với các đối tác khác. Ảnh: AFP.
|
Ông Abe, người lập ra kế hoạch Abenomics đầy tham vọng với mong muốn khôi phục nền kinh tế Nhật Bản, cho rằng một sự cạnh tranh đến từ các sản phẩm nước ngoài chính là điều cần nhất cho nền kinh tế già cỗi của đất nước mặt trời mọc. Bên cạnh việc cam kết Nhật Bản ở lại với TPP, ông Abe còn cần phải thuyết phục 10 quốc gia thành viên còn lại làm điều tương tự với một TPP-không-có-Mỹ.
Những nỗ lực của ông Abe không phí hoài. Đầu năm nay, 11 nước còn lại đã đặt bút ký TPP mới, đồng thời đổi tên nó thành hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Có vẻ mọi thứ đang đi đúng hướng khi tuần trước, Australia trở thành quốc gia thứ 4 phê chuẩn CPTPP sau Nhật Bản, Mexico và Singapore. Việt Nam nhiều khả năng sẽ là quốc gia tiếp theo.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Abe đã hoàn tất quá trình đàm phán và ký kết một hiệp định thương mại tự do với EU vào ngày 18/7, điều mà ông Pesek gọi là "Kế hoạch C" bên cạnh "Kế hoạch B" về một TPP 11 nước.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã ca ngợi việc hai bên ký kết “hiệp định thương mại song phương có giá trị lớn nhất thế giới”. Hiệp định này được dự đoán sẽ giúp cả Nhật Bản và EU tiết kiệm khoảng 1,2 tỷ USD tiền thuế mỗi năm.
Những ứng viên sáng giá cho một TPP mới
"Kế hoạch D", hay bước cuối cùng trong nỗ lực vực dậy một TPP-không-có-Mỹ là tìm kiếm thêm thành viên để bù đắp cho khoảng trống 19 nghìn tỷ USD mà nền kinh tế Mỹ để lại khi ông Trump rút Mỹ khỏi TPP.
Hàn Quốc, Indonesia, Philippines và Ấn Độ là những cái tên sáng giá, theo nhà bình luận Pesek. Cùng lúc đó ông Abe cũng gợi ý với Thủ tướng Theresa May rằng các nước trong TPP sẽ “mở rộng vòng tay” với nước Anh, trong bối cảnh Brexit chuẩn bị diễn ra.
Tổng thống Moon Jae In nhậm chức vào tháng 5/2017 với lời hứa cải tổ nền kinh tế Hàn Quốc, kiềm chế sự lũng đoạn của các tập đoàn gia đình (chaebol) và hứa hẹn cải thiện sức sáng tạo cũng như ủng hộ khởi nghiệp. Tuy nhiên, những dấu ấn của ông Moon lại được nhớ đến nhiều hơn ở mặt trận ngoại giao với việc cải thiện nhanh chóng mối quan hệ liên Triều.
Trong một thăm dò hồi tháng 9, tỷ lệ ủng hộ ông Moon ở Hàn Quốc đã giảm xuống dưới 50%, với lý do chính được cho là vì chính phủ không tạo ra được số việc làm cần thiết. Nền kinh tế nước này chỉ tạo thêm được 5.000 việc làm so với một năm trước, mức gia tăng việc làm thấp nhất trong vòng 9 năm. Việc gia nhập TPP chắc chắn sẽ đem lại một bầu không khí tích cực cho Seoul vào thời điểm này.
Trong khi đó tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo sẽ đối mặt với một cuộc bầu cử vào năm sau, và lập trường cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông khiến cho chính phủ ông gặp khó khăn trong việc tìm viện trợ từ Bắc Kinh hoặc tiếp cận thị trường đông dân nhất thế giới. Từ lâu, Thủ tướng Abe đã cố gắng để giảm sức ảnh hưởng của Trung Quốc và đây là cơ hội mà ông không thể bỏ lỡ.
Thủ tướng Anh Theresa May đến Tokyo vào tháng 08/2017 để đàm phán một hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản, ông Abe mới đây đã gợi ý về việc Anh có thể tham gia TPP. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó ở phía bên kia bán cầu, nước Anh đang trải qua chuỗi ngày mông lung trong mớ bòng bong Brexit, một thỏa thuận vẫn chưa thể đạt được với EU khiến cho Thủ tướng Theresa May phải chịu rất nhiều áp lực. Dù sao thì lý do hấp dẫn nhất cho việc Anh rời khỏi EU đó là việc vương quốc này có thể tự do đàm phán các hiệp định thương mại với những quốc gia và khu vực khác, và Bộ trưởng Thương mại Quốc tế trong nội các của bà May, ông Liam Fox cũng đã ca ngợi sự ủng hộ của ông Abe đối với việc Anh tham gia CPTPP.
Gia tăng tầm ảnh hưởng của Tokyo
Tới nay, thỏa thuận CPTPP có tổng kim ngạch thương mại vào khoảng 10 nghìn tỷ USD, chiếm 15% giá trị hoạt động thương mại toàn cầu. Nếu Hàn Quốc, Ấn Độ và Indonesia gia nhập, con số này sẽ tăng thêm khoảng 4,9 nghìn tỷ USD. Việc thu hút thêm các đối tác vào CPTPP cũng sẽ giúp cho các nước thành viên tự tin hơn trong việc đẩy lùi chủ nghĩa bảo hộ của Tống thống Trump.
Nhưng bên cạnh đó, một nguyên nhân căn bản trong sự hình thành TPP đó là việc chống lại sức ảnh hưởng của Trung Quốc và hạn chế Bắc Kinh áp đặt những luật chơi riêng trong thương mại toàn cầu. Ở thời điểm hiện tại, Nhật Bản đang là nền kinh tế lớn nhất trong khu vực CTTPP, nhưng việc Trung Quốc tham gia hiệp định này không phải là không có cơ sở, ông Pesek lập luận, nhất là khi Bắc Kinh đang phải đối phó với những nguy cơ từ cuộc chiến thương mại với Mỹ
Nếu Trung Quốc muốn trở thành thành viên của TPP, họ sẽ phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe hơn rất nhiều so với những quy định hiện tại của WTO, đặc biệt là về quyền sở hữu trí tuệ.
Ông Abe - một người theo chủ nghĩa dân tộc - đang thành công trong việc gia tăng ảnh hưởng của Tokyo đối với nền kinh tế thế giới trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: Reuters. |
Đây chỉ là một khả năng, nhưng dù điều này có diễn ra hay không, ông Shinzo Abe, một người theo chủ nghĩa dân tộc, vẫn đang rất thành công trong việc mở rộng hiệp định CTTPP để gia tăng ảnh hưởng của Tokyo đối với nền kinh tế thế giới.
Thậm chí, những hoạt động thúc đẩy thương mại tự do của ông Abe còn đang khiến ông trở thành một hình ảnh đối trọng với chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Trump, điều trớ trêu thay có thể sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ mà ông Abe dày công xây đắp với ông Trump.