"Tôi rất hài lòng khi họ (chính phủ Nhật Bản) nói sẽ chào đón chúng ta tham gia hiệp định thương mại với vòng tay rộng mở và chúng ta hiện cũng sẵn sàng tham gia", Reuters dẫn lời Thủ tướng Theresa May tuyên bố trước Quốc hội Anh ngày 10/10.
Trước đó, trả lời tờ Financial Times ngày 8/10, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khẳng định chính phủ Nhật Bản luôn hoan nghênh Anh tham gia vào CPTPP.
Ông Abe cũng bày tỏ hy vọng chính phủ của bà May sẽ sớm giải quyết được thế bế tắc trong đàm phán Brexit với Liên minh châu Âu (EU), tránh được những cú sốc kinh tế sau khi chấm dứt tư cách thành viên hơn 40 năm qua.
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Reuters. |
Hồi tháng 7, Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox cũng thông báo sẽ tham khảo dư luận về việc tham gia hiệp định thương mại lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương một khi rời EU.
Khả năng tự do đàm phán các thỏa thuận thương mại mới thường được chính phủ bà May đề cập là một trong những lợi ích của kỷ nguyên hậu Brexit. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào kết quả đàm phán với EU, theo Reuters.
Các bên kỳ vọng sẽ đạt được một thỏa thuận Brexit vào tháng 11 tới, sau đó trình lên cơ quan nghị viện để thông qua trước ngày 29/3. Chính phủ Anh tiếp đến bước vào một quá trình chuyển giao kéo dài 21 tháng để đàm phán lại thỏa thuận thương mại với EU.
Đại diện 11 nước ký kết CPTPP tại Chile hồi tháng 3. Ảnh: AFP. |
Các cuộc đàm phán CPTPP, tiền thân là TPP (Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương), kết thúc hôm 23/1 tại Tokyo, Nhật, và được ký kết vào ngày 8/3 tại Santiago, Chile.
Hiệp định sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi 6 trong 11 nước thành viên phê chuẩn.
TPP ban đầu từng được kỳ vọng tạo ra khối tự do thương mại lớn nhất toàn cầu với sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã rút Washington khỏi hiệp định, 11 nước còn lại tái đàm phán để cho ra đời phiên bản mới mang tên CPTPP.