Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TT Trump không dự APEC 2018, ông Tập Cận Bình thiếu đối trọng

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump không tham dự 2 hội nghị thượng đỉnh lớn của châu Á trong tháng 11 tới khiến nhiều chuyên gia lo ngại về mức độ cam kết của Washington tại khu vực.

Theo thông báo của Nhà Trắng ngày 31/8, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ thay mặt Tổng thống Trump đến Singapore vào tháng 11 tới để tham dự Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 33 và Thượng đỉnh Đông Á (EAS), sau đó ông Pence sẽ tới Papua New Guinea dự thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC).

Theo Bloomberg, ông Trump quyết định bỏ tham dự EAS và APEC cũng đồng nghĩa tự loại đi khả năng gặp trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong đầu tháng 11 và thảo luận về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang.

Dự kiến hai nhà lãnh đạo phải chờ đến thượng đỉnh G20 tại Argentina vào cuối tháng 11 để có cơ hội "giáp mặt".

Lo ngại về sự vắng mặt

Việc tổng thống Mỹ không tham dự 2 thượng đỉnh quan trọng sắp tới còn làm tăng thêm các lo ngại về mức độ cam kết từ Washington, giữa bối cảnh sức ảnh hưởng kinh tế và tham vọng quân sự của Bắc Kinh ngày một lớn trong khu vực.

“Sự vắng mặt của ông ấy làm tăng cảm giác rằng nước Mỹ về cơ bản đang từ bỏ dần sự hiện diện truyền thống của mình tại châu Á - Thái Bình Dương”, Oh Ei Sun, cố vấn cấp cao về các vấn đề quốc tế tại Viện Chiến lược và Lãnh đạo châu Á, Kuala Lumpur (Malaysia), nhận định.

Chiếc ghế trống của Tổng thống Trump tại EAS và APEC có thể trao thêm cho ông Tập cơ hội vận động ủng hộ trong khu vực cho các dự án thương mại và phát triển mà Bắc Kinh đang dẫn dắt, nổi bật nhất chính là Sáng kiến Vành đai và Con đường mà ông khởi xướng từ năm 2013.

cam ket cua My voi An Do - Thai Binh Duong anh 1
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.

Ông Tập cũng chính là lãnh đạo đầu tiên xác nhận sẽ tham dự thượng đỉnh APEC tại Cảng Moresby, Papua New Guinea. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng dự kiến chủ trì một hội nghị thượng đỉnh riêng bên lề APEC với lãnh đạo các nước trong khu vực Thái Bình Dương.

Các quan chức trong chính phủ Tổng thống Trump thời gian qua liên tục đề cập và thúc đẩy chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương trong các hành động và phát ngôn chính thức. Đây được xem là biện pháp tái khẳng định cam kết với khu vực, trấn an các đồng minh châu Á - Thái Bình Dương trước chính sách “Nước Mỹ trước tiên” mà ông Trump theo đuổi.

Nhà lãnh đạo Mỹ bất ngờ rút khỏi đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm ngoái. Ông cũng nhiều lần công khai hoài nghi về chi phí nước Mỹ phải gánh vác cho quan hệ đồng minh quân sự với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Theo Collin Koh, chuyên gia thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), nỗ lực gia tăng hiện diện trong khu vực thời gian qua của nhiều quan chức Mỹ có thể bù đắp phần nào cho sự vắng mặt của ông Trump.

Mới đây, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN mở rộng đầu tháng 8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố gói hỗ trợ an ninh với tổng giá trị gần 300 triệu USD cho các nước khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong khi đó, Mỹ cùng 9 nước khu vực trong đó có Việt Nam đang tiến hành diễn tập an ninh Hợp tác và Huấn luyện Đông Nam Á (SEACAT) tại Singapore và Philippines.

“Mỹ được kỳ vọng duy trì cam kết và gia tăng tiếp cận trong các vấn đề khu vực. Nhiều nước sẽ tiếp tục nỗ lực để giữ Mỹ hiện diện tại đây, đối phó với sự ảnh hưởng ngày một lớn của Trung Quốc”, ông Koh nhận định.

Rối ren chính trường Mỹ

Ông Trump không phải là tổng thống đầu tiên không thể thu xếp tham dự hai cuộc thượng đỉnh quan trọng hàng đầu khu vực. Năm 2007, Tổng thống George W. Bush cũng không thể đến Singapore tham dự thượng đỉnh với các lãnh đạo ASEAN.

cam ket cua My voi An Do - Thai Binh Duong anh 2
Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đối diện nhiều rủi ro pháp lý nếu đảng Dân chủ giành lại được quyền kiểm soát tại Hạ viện hoặc Thượng viện sau kỳ bầu cử tháng 11. Ảnh: NYT.

Năm 2013, Tổng thống Barack Obama dù trước đó tuyên bố chính sách “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương vẫn bỏ tham dự APEC để giải quyết khủng hoảng đóng cửa chính phủ vì ngân sách không được thông qua.

Phát biểu ngày 1/9 tại Jakarta, tân Thủ tướng Australia Scott Morrison bày tỏ sự thông cảm với quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ. Ông cũng hy vọng lập trường của Washington vẫn sẽ được thể hiện rõ thông qua Phó tổng thống Mike Pence.

Chuỗi Thượng đỉnh ASEAN và EAS dự kéo dài từ 11 - 15/11, theo AP. Các sự kiện này diễn ra chỉ ít ngày sau khi Mỹ tổ chức bầu cử giữa nhiệm kỳ, chọn ra các thành viên tại lưỡng viện. Cuộc bầu cử có thể định đoạt “số phận” của ông Trump trước cuộc điều tra nghi án thông đồng Nga can thiệp bầu cử Mỹ và vi phạm tài chính tranh cử năm 2016.

Các lãnh đạo đảng Dân chủ chủ yếu tránh đề cập đến khả năng luận tội tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, viễn cảnh đảng Cộng hòa đánh mất quyền kiểm soát đa số tại Thượng viện hoặc Hạ viện vẫn có thể làm tăng rủi ro pháp lý đối với ông Trump.

90s: TT Trump nguy nan khi cộng sự cũ 'trở mặt' Cựu luật sư Michael Cohen "trở mặt" ám chỉ ông Trump vi phạm quy định tài chính tranh cử hồi năm 2016 là rắc rối pháp lý lớn, đẩy ông Trump vào tình thế dễ bị luận tội.

TT Trump sẽ không tham dự hội nghị cấp cao ASEAN và Đông Á

Ngày 31/8, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không tham dự các hội nghị ở châu Á và cử Phó tổng thống Mike Pence đi thay.

Chuẩn đô đốc Mỹ: 'Tôi rất vui khi Việt Nam dự diễn tập SEACAT 2018'

Phía Mỹ hoan nghênh Việt Nam tham gia sự kiện Hợp tác và Huấn luyện Đông Nam Á (SEACAT) - chuỗi diễn tập an ninh biển được khởi xướng nhằm thúc đẩy một trật tự dựa trên luật pháp.


Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm