Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ tăng tốc đối phó tham vọng hải quân của Trung Quốc

Mỹ lo ngại các dự án cơ sở hạ tầng xuyên Á - Âu của Trung Quốc là nhằm mở rộng phạm vi triển khai sức mạnh của hải quân nước này trên toàn bộ Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Trong báo cáo thường niên cho quốc hội Mỹ về sức mạnh quân sự Trung Quốc, Lầu Năm Góc nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang tập trung đầu tư năng lực triển khai sức mạnh quân sự đến các khu vực tiền tiêu.

Không những vậy, Mỹ cũng phát hiện máy bay ném bom Trung Quốc nhiều lần diễn tập mô phỏng tấn công các cứ điểm quân sự của Mỹ và đồng minh trên Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, trong bản báo cáo công bố tuần qua, vấn đề đáng lo ngại nhất trong mắt giới lãnh đạo quân sự Mỹ chính là khả năng hoạt động ngoài biển ngày càng được cải thiện của hải quân Trung Quốc, theo South China Morning Posst (SCMP).

chien luoc An Do Duong - Thai Binh Duong anh 1
Hải quân Trung Quốc liên tục tổ chức tập trận tại các vùng biển Tây Thái Bình Dương, nhiều lần mô phỏng kịch bản tấn công căn cứ Mỹ hoặc đồng minh và đối tác của Mỹ. Ảnh: Weixin.qq.com.

Vượt chuỗi đảo thứ nhất

Theo báo cáo, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) năm 2017 thường xuyên diễn tập hải quân ở phía tây và phía nam các vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Những động thái này cho thấy tham vọng  của Trung Quốc nhằm kiểm soát các tuyến đường hàng hải quốc tế không chỉ dừng với Biển Đông và chuỗi đảo thứ nhất (các đảo và quần đảo rìa phía Tây của Thái Bình Dương gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, quần đảo Philippines và quần đảo Sunda lớn).

Mỹ duy trì hiện diện quân sự đông đảo cùng mạng lưới các đồng minh và đối tác tập trung ở vành đai Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trận địa chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương vẫn có những điểm yếu mà Trung Quốc có thể khai thác.

chien luoc An Do Duong - Thai Binh Duong anh 2
Các căn cứ quân sự Mỹ, Trung Quốc ở chuỗi đảo thứ nhất (đỏ) và chuỗi đảo thứ hai (xanh). Đồ họa: Economist.

Theo ghi nhận của Lầu Năm Góc, PLA trong năm 2017 tiếp tục triển khai tàu ngầm các vùng biển Nam Á.

Trung Quốc cũng tiến hành thu thập thông tin tình báo tại biển Coral của Australia trong thời gian Mỹ cùng đồng minh tập trận hải quân vào năm ngoái.

Ngoài ra, gã khổng lồ châu Á đang xây dựng căn cứ hải quân đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti, gần Vịnh Eden.

Cây bút bình luận quốc tế Emanuele Scimia cho rằng chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là ngăn chặn Trung Quốc xây dựng thêm nhiều cơ sở hậu cần và tình báo hải ngoại khác. Ông cho rằng Bắc Kinh đang muốn thiết lập mạng lưới giúp hải quân nước này đủ khả năng triển khai sức mạnh quân sự từ Đông Phi đến tận Hawaii.

Ngày 13/8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký duyệt Đạo luật Cấp phép Quốc phòng năm tài chính 2019 (NDAA 2019) với tổng kinh phí lên đến 717 tỷ USD. Văn kiện được lưỡng viện Mỹ chỉnh sửa và thông qua "thần tốc", nhấn mạnh rằng "cạnh tranh chiến lược dài hạn với Trung Quốc chính là ưu tiên hàng đầu của Mỹ".

Giới lập pháp Mỹ đã nhìn thấy mối liên kết chặt chẽ giữa các mục tiêu quốc phòng và chiến lược của Trung Quốc với sáng kiến "Vành đai, Con đường" đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xuyên Á - Âu.

Sự bành trướng hàng hải của Trung Quốc đã trở thành vấn đề địa chính trị được bàn luận nhiều nhất ở Washington hiện nay. Chính phủ Trump và lưỡng viện đã kêu gọi cảnh giác về những khoản đầu tư và cho vay dễ dãi của Bắc Kinh, cho rằng đây là chiến lược lôi kéo các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rơi vào quỹ đạo lợi ích của Trung Quốc.

Cuộc đua ở phương nam

NDAA 2019 cũng đề nghị chính phủ Trump "tái thiết kế, mở rộng và gia hạn" Sáng kiến An ninh Hàng Hải Đông Nam Á, được khởi xướng từ thời Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter năm 2015.

Mỹ và Ấn Độ cũng đã có thỏa thuận hợp tác hậu cần. Thỏa thuận này cho phép lực lượng vũ trang hai nước sử dụng căn cứ quân sự của nhau, bao gồm cả căn cứ hải quân.

chien luoc An Do Duong - Thai Binh Duong anh 3
Sri Lanka buộc phải cho Trung Quốc thuê lại cảng Hambantota trong 99 năm vì không thể trả nợ đúng hạn. Ảnh: AFP.

Những quốc gia Nam Á như Sri Lanka và Bangladesh cũng nằm trong diện được nhận hỗ trợ và huấn luyện quân sự.

Bộ Ngoại giao Mỹ tuần qua tuyên bố sẽ cấp khoản viện trợ an ninh hàng hải trị giá 39 triệu USD cho Sri Lanka. Khoản tiền này nằm trong gói hỗ trợ an ninh hàng hải khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, được Ngoại trưởng Mike Pompeo công bố trong chuyến làm việc hồi tháng 7 tại Hội nghị Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.

Washington có thể đang muốn giảm sức ảnh hưởng chiến lược của Bắc Kinh tại Sri Lanka. Đảo quốc ở trung tâm Ấn Độ Dương bị xem là nạn nhân kiểu "ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc. Chính phủ nước này phải cho Trung Quốc thuê lại cảng Hambantota trong 99 năm vì không đủ khả năng thanh toán đúng hạn nhiều khoản vay phát triển cơ sở hạ tầng.

Bangladesh cũng có mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc. Nước này vừa mua 23 máy bay huấn luyện tầm trung Hồng Đô K-8W của Trung Quốc vào tháng 6. Bangladesh cũng là một mắt xích quan trọng của "Vành đai, Con đường".

Theo Scimia, những nước nhỏ như Bangladesh và Sri Lanka sẽ cần "đi dây" hết sức cẩn thận nếu muốn hưởng lợi từ những nỗ lực lôi kéo đồng minh từ Mỹ và Trung Quốc.

PLA cũng gia tăng hoạt động quân sự ở Nam Thái Bình Dương, khu vực có Australia và New Zealand là các đồng minh truyền thống của Mỹ.

"Cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc đã mang đến khu vực của chúng ta (Nam Thái Bình Dương) những lợi ích và tầm quan trọng chiến lược mới", Meg Taylor, Tổng thư ký Diễn đàn Các đảo Thái Bình Dương (PIF), nhận định hồi tháng 7.

chien luoc An Do Duong - Thai Binh Duong anh 4
Mỹ và Australia diễn tập đổ bộ trong đợt tập trận chung "Talisman Sabre" năm 2015. Ảnh: Hải quân Mỹ.

PIF là tổ chức liên chính phủ của các quốc gia độc lập thuộc Châu Đại Dương, trong đó dẫn đầu chính là Australia và New Zealand. Trong tháng 9 tới, tổ chức này sẽ rà soát lại những thỏa thuận an ninh hiện hành giữa các nước thành viên để tìm cách đương đầu với tình hình mới.

Trung Quốc là nguồn viện trợ lớn thứ 2 cho khu vực kể từ năm 2011, với tổng giá trị viện trợ và vay ưu đãi lên đến hơn 1,3 tỷ USD, theo Viện nghiên cứu Lowy của Australia.

Tuần trước, ông Akilisi Pohiva, thủ tướng đảo quốc Tonga, phải kêu gọi các quốc gia hải đảo Nam Thái Bình Dương đồng loạt yêu cầu Trung Quốc giảm nợ. Ông Pohiva cảnh báo nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể tái lập kịch bản Sri Lanka ở khu vực.

Mặc dù thủ tướng Tonga đã nhượng bộ sau khi Bắc Kinh bày tỏ sự không hài lòng, lời kêu gọi của Pohiva cho thấy nhiều đảo quốc kém phát triển ở chuỗi đảo phía nam Thái Bình Dương đang gặp vấn đề nghiêm trọng với "bẫy nợ".

Trong trường hợp Trung Quốc kiểm soát được những cảng nước sâu tại đây, chiến lược an ninh của Mỹ sẽ gặp thách thức lớn.

Mô phỏng tên lửa DF-21D diệt tàu sân bay Mỹ Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc với tầm bắn hơn 1.450 km được mệnh danh là sát thủ diệt tàu sân bay Mỹ.

Lầu Năm Góc: Máy bay Trung Quốc luyện tập cho kịch bản tấn công Mỹ

Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá Trung Quốc đang đẩy nhanh tốc độ phát triển và hiện đại hóa quân đội, chuẩn bị sẵn sàng cho các xung đột với Mỹ và đồng minh.

Thayer: Luật quốc phòng mới của Mỹ thật sự cứng rắn hơn với TQ

Giáo sư Carl Thayer chỉ ra 14 hành động cứng rắn mà Mỹ dự kiến áp dụng để đối phó với Trung Quốc, được quy định trong luật về ngân sách quốc phòng với ngôn từ mạnh mẽ.


Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm