Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ viện trợ cho Sri Lanka gần 39 triệu USD dưới hình thức "hỗ trợ tài chính quân sự" để thúc đẩy an ninh hàng hải, đại diện Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Colombo thông báo ngày 13/8.
"Trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng sẽ gặp và thảo luận với chính phủ Sri Lanka về vai trò của khoản viện trợ này trong Sáng kiến Vịnh Bengal, cũng như các lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và đối phó thảm họa", thông cáo của Đạisứ quán Mỹ cho biết.
Theo AFP, đề án viện trợ vẫn đang chờ Quốc hội Mỹ phê duyệt.
Tàu bệnh viện USNS Mercy ghé thăm cảng Trincomolee của Sri Lanka vào tháng 4/2018. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Khoản viện trợ nằm trong gói sáng kiến hỗ trợ an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trị giá 300 triệu USD mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố hồi đầu tháng tại Singapore, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.
Mỹ đã dừng bán vũ khí cho Sri Lanka trong giai đoạn cao điểm cuộc chiến gần 10 năm trước giữa quân chính phủ và phiến quân Tamil. Washington và Colombo cũng gặp nhiều bất đồng về các vấn đề nhân quyền dưới thời cựu tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa. Nhiều chỉ huy quân sự cấp cao của chính phủ tiền nhiệm đã bị Mỹ từ chối thị thực nhập cảnh.
Tuy nhiên, dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Maithripala Sirisena, quan hệ song phương đang dần được cải thiện.
Quân đội hai nước thường xuyên tổ chức các hoạt động diễn tập, huấn luyện chung tại căn cứ hải quân ở Trincomalee. Hải quân Sri Lanka cũng được mời tham gia cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương 2018 của Mỹ.
Cảng nước sâu của Sri Lanka ở Hambantota, tháng 2/2015. Ảnh: AFP. |
Sri Lanka là một mắt xích then chốt trong đại chiến lược "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã rót nhiều khoản đầu tư vào các dự án cảng biển và cơ sở hạ tầng tại đảo quốc Ấn Độ Dương.
Trung Quốc hứa hẹn sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Sri Lanka bất chấp những cảnh báo của quốc tế về núi nợ đang đè nặng trên vai chính phủ của ông Sirisena. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Sri Lanka thông báo đã đàm phán thành công khoản vay gần 1 tỷ USD từ Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia đánh giá rằng Sri Lanka đã nằm trong quỹ đạo của Bắc Kinh. Năm 2017, chính phủ Sri Lanka chấp nhận bán cho Trung Quốc phần lớn cổ phần trong cảng Hambantota với giá 1,12 tỷ USD. Cảng nước sâu này nằm trên tuyến đường vận chuyển quốc tế đông đúc nhất thế giới ở Ấn Độ Dương. Một số quốc gia lo ngại Hambatota có thể trở thành trung tâm quân sự của Trung Quốc.
Năm 2014, hai tàu ngầm Trung Quốc ghé cảng Colombo. Đây là lần duy nhất tàu ngầm nước ngoài dừng chân ở Colombo. Cuộc viếng thăm khiến nước láng giềng Ấn Độ phẫn nộ.