Reuters cho biết trong báo cáo thường niên gửi quốc hội Mỹ, công bố ngày 16/8, Lầu Năm Góc nhấn mạnh về tốc độ phát triển quân đội, kinh tế và vị thế ngoại giao của Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo Trung Quốc đang nhanh chóng tăng sức ảnh hưởng quốc tế và tạo vị thế thống trị khu vực.
Về khía cạnh sức mạnh không quân, báo cáo nhận định các máy bay ném bom của Trung Quốc đang được phát triển năng lực để thực hiện các nhiệm vụ không kích cách xa lãnh thổ.
Máy bay ném bom hạng nặng H-6K của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã. |
"Trong vòng 3 năm qua, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã phát triển nhanh đến chóng mặt phạm vi hoạt động của máy bay ném bom trên biển, thu thập kinh nghiệm tại nhiều khu vực hàng hải quan trọng, và rất có thể đã diễn tập đánh bom các mục tiêu Mỹ và đồng minh", báo cáo cho biết.
Trong một ví dụ vào tháng 8/2017, Trung Quốc điều động 6 máy bay ném bom H-6K bay ngang qua eo biển Miyako phía tây nam Nhật Bản. Sau đó, các máy bay bất ngờ di chuyển về phía bắc hướng đến khu vực phía đông đảo Okinawa. Đây là lần đầu tiên máy bay ném bom Trung Quốc diễn tập gần căn cứ với 47.000 lính Mỹ đang đóng quân.
Bản báo cáo nhận định PLA có thể sẽ có hành động nhằm thể hiện "khả năng tấn công các lực lượng và căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh ở khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có đảo Guam".
Lực lượng bộ binh lớn nhất thế giới
Trung Quốc tiến hành mở rộng và hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình trong nhiều thập niên qua. Giới lãnh đạo quân sự nước này đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ biến PLA thành quân đội thiện chiến hàng đầu thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2017 đã yêu cầu PLA tăng tốc hiện đại hóa và cải cách. Ông nói rằng Trung Quốc cần một lực lượng quân đội sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng. Thông điệp này đã tạo ra nhiều quan ngại đối với các nước láng giềng của Trung Quốc.
Với gần 1 triệu quân nhân, PLA đang nắm trong tay lực lượng bộ binh thường trực lớn nhất thế giới. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, PLA vào tháng 4/2017 đã tiến hành một cuộc cải tổ khổng lồ đối với các đơn vị chiến thuật và tác chiến.
Chiến khu miền Nam Trung Quốc công bố hình ảnh tập trận đa binh chủng vào ngày 13/8. Ảnh: Weixin.qq.com. |
"Mục đích của những cải cách là tạo ra một lực lượng bộ binh cơ động, đa năng và tinh nhuệ hơn, có khả năng làm nòng cốt trong các chiến dịch đa binh chủng và đảm bảo hiện thực hóa chỉ đạo chiến đấu và chiến thắng của ông Tập Cận Bình", Lầu Năm Góc nhận định.
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc vào năm 2017 đạt khoảng 190 tỷ USD, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ. Con số này còn chưa bằng 1/3 trung bình ngân sách quốc phòng hàng năm của Mỹ, vào khoảng 700 tỷ USD. Sau khi Lầu Năm Góc công bố báo cáo thường niên cho quốc hội vào năm đó, Bắc Kinh nhanh chóng phủ nhận tham vọng mở rộng hiện diện quân sự toàn cầu thông qua các căn cứ hải ngoại.
Tuy nhiên, trong báo cáo năm nay, Lầu Năm Góc tiếp tục giữ nguyên dự đoán rằng Trung Quốc sẽ xây dựng các căn cứ mới tại nhiều nước, trong đó có Pakistan. Chìa khóa cho chiến lược bành trướng này là sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Bắc Kinh, thắt chặt quan hệ với một số nước thông qua các khoản vay và thỏa thuận xây dựng cơ sở hạ tầng.
"Biến cố" Đài Loan
Bản báo cáo của Lầu Năm Góc cũng cho rằng Trung Quốc đang chuẩn bị các biện pháp quân sự cho viễn cảnh một "biến cố" tại eo biển Đài Loan.
Về chính thức, Trung Quốc ủng hộ tái thống nhất với Đài Loan một cách hòa bình. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc nhấn mạnh rằng Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ phương án sử dụng sức mạnh quân sự.
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đến Mỹ vào đầu tuần này. Ảnh: Reuters. |
"PLA đang chuẩn bị cho một biến cố hướng đến thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Nước này đồng thời đang răn đe, cản trở và ngăn chặn mọi sự can dự của các bên thứ 3 vào vấn đề Đài Loan", báo cáo cho biết.
"Nếu như Mỹ can thiệp, Trung Quốc sẽ tìm cách cản trở và tìm kiếm chiến thắng thông qua một cuộc chiến quy mô nhỏ, thời gian ngắn nhưng với hỏa lực mạnh", các chuyên gia tại Lầu Năm Góc dự đoán.
Báo cáo cũng đề cập đến các thực thể và căn cứ quân sự Trung Quốc đang xây dựng trái phép trên Biển Đông. Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc đã tạm ngưng hoạt động cải tạo đảo nhân tạo, tuy nhiên vẫn đang tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng tại ít nhất thực thể, đe dọa an ninh của các nước láng giềng trong khu vực.