Từ ngày 27-29/8, ông Damien O'Connor, Bộ trưởng phụ trách Thương mại, Xuất khẩu, Nông nghiệp, và An toàn thực phẩm New Zealand, có chuyến công du đến Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.
Trong chuyến thăm và làm việc tại TP.HCM, Bộ trưởng O'Connor tham gia chương trình “Bếp thử nghiệm” nhằm quảng bá sự phát triển trong hợp tác thương mại giữa New Zealand và Việt Nam.
Ông cùng các đầu bếp của công ty Fonterra, thương hiệu chuyên sản xuất các sản phẩm từ sữa của New Zealand, làm bánh phô mai kiwi với các nguyên liệu từ Việt Nam và New Zealand, kết hợp hương vị truyền thống của hai nền văn hóa.
Trả lời Zing.vn bên lề sự kiện này, Bộ trưởng O'Connor khẳng định Việt Nam và New Zealand cần vượt qua khác biệt về thị trường, tiếp tục phát huy quan hệ thân thiện và lành mạnh nhằm hướng đến những lợi ích mà hai bên có thể đạt được.
Ông Damien O'Connor (phải), Bộ trưởng phụ trách Thương mại, Xuất khẩu, Nông nghiệp, và An toàn thực phẩm New Zealand, có chuyến thăm Việt Nam từ 27-29/8. Ảnh: Liêu Lãm. |
- Bộ trưởng có thể cho biết ý nghĩa ẩn sau chiếc bánh ông vừa làm trong chương trình "Bếp thử nghiệm"? Sản phẩm này đại diện như thế nào cho mối quan hệ Việt Nam – New Zealand?
- Chiếc bánh này được tạo thành từ những nguyên liệu đặc trưng của New Zealand, như sữa, các sản phẩm từ sữa và trái kiwi, kết hợp với nguyên liệu từ Việt Nam như nước dừa và cơm dừa. Đứng sau đó là công nghệ sản xuất từ một công ty của New Zealand. Điều này cho thấy chúng tôi có thể áp dụng công nghệ để đưa nguyên liệu từ New Zealand vào món ăn Việt Nam, tạo nên những trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời.
Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có nhiều món ăn mang hương vị của nhiều nền văn hóa trên thế giới. Tôi hy vọng các sản phẩm từ New Zealand sẽ góp phần đa dạng hóa nền ẩm thực của các bạn.
- Việt Nam và New Zealand có thể làm gì để tiếp tục thúc đẩy thương mại song phương, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm?
- Thử thách lớn nhất mà chúng ta cần phải giải quyết đó là sự khác biệt về thị trường giữa hai nước. Dân số của New Zealand chỉ trong khoảng 4,5 triệu người, trong khi Việt Nam có đến hơn 90 triệu người. Chất lượng và đặc tính các sản phẩm của hai bên cũng rất khác nhau.
New Zealand có khả năng sản xuất lương thực, thực phẩm đạt chất lượng cao. Ngược lại, nhu cầu tiêu thụ ở Việt Nam là khá lớn. Tuy nhiên, hai nước có sự khác biệt không nhỏ về văn hóa và khẩu vị và thử thách của chúng ta là dung hòa những yếu tố đó.
Mặt khác, New Zealand và Việt Nam đã khá quen thuộc với việc giao thương với nhau. Để tiếp tục thúc đẩy thương mại song phương, chúng tôi hướng đến việc đảm bảo hàng rào thương mại, ví dụ thuế quan, và một số quy trình khác hoạt động hiệu quả để hàng hóa lưu thông thuận lợi hết sức có thể.
Bên cạnh đó, hai bên cũng cần hợp tác nhằm đảm bảo một số vấn đề như an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, các hoạt động đóng gói, lưu trữ và vận chuyển hàng hóa.
Bộ trưởng O'Connor làm bánh từ nguyên liệu kết hợp giữa Việt Nam và New Zealand. Ảnh: Liêu Lãm. |
- Việt Nam và New Zealand đang hướng đến mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 1,7 tỷ USD đến năm 2020. Những tiềm năng để đạt được mục tiêu này là gì?
- Việt Nam và New Zealand nằm cách khá xa nhau về mặt địa lý, nhưng chúng ta đã thiết lập đường bay thẳng từ New Zealand đến Việt Nam và ngược lại. Đó là một bước tiến lớn giúp tăng cường quan hệ và sự thấu hiểu giữa hai nước và giữa người dân hai nước.
Nhiều doanh nghiệp của New Zealand nhìn thấy tiềm năng phát triển của Việt Nam, muốn bán sản phẩm cho Việt Nam và muốn đem công nghệ đến Việt Nam để giúp các bạn phát huy tối đa tiềm năng mình đang có, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm.
Một số công ty công nghệ, máy tính và phần mềm của New Zealand cũng xem Việt Nam là một thị trường lớn, đang tiếp tục phát triển, có nguồn nhân lực trẻ và có tiềm năng lớn trong lĩnh vực năng lượng. Tiềm năng xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang New Zealand cũng rất lớn.
New Zealand muốn là một phần trong sự phát triển của Việt Nam. Chúng tôi có thể chia sẻ công nghệ, ví dụ công nghệ phân tích gen áp dụng trong trồng trọt và chăn nuôi, chia sẻ kiến thức với nông dân Việt Nam trong việc đảm bảo nguồn lương thực sạch và có thể dự trữ lâu dài.
- Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam và New Zealand tham gia đàm phán với nhiều quốc gia khác đóng vai trò thế nào trong quan hệ song phương?
- Sau chuyến thăm Việt Nam, tôi đến Singapore để tiếp tục đàm phán RCEP (hiệp định thương mại tự do hướng đến mục tiêu hình thành quan hệ đối tác toàn diện giữa khối ASEAN với 6 đối tác, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, và Ấn Độ).
Nhìn chung, các hiệp định thương mại tự do đa phương như CPTPP (TPP-11) hoặc RCEP hướng đến mục tiêu tháo dỡ hàng rào thuế quan, thúc đẩy giao thương xuyên biên giới, giúp các nước thành viên dễ dàng trao đổi hàng hóa, dịch vụ, và khuyến khích đầu tư. Thông qua những hiệp định này, chúng ta gặp nhiều thuận lợi trong việc chia sẻ văn hóa và kinh nghiệm, từ đó hưởng nhiều quyền lợi trong hợp tác song phương và đa phương.
Bên cạnh đó, các hiệp định trên đều có điều khoản bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong dây chuyền sản xuất thức ăn, và đều cung cấp nền tảng quy định công bằng cho mọi thành viên.
Bộ trưởng O'Connor khẳng định nhiều doanh nghiệp New Zealand nhìn thấy tiềm năng phát triển của Việt Nam. Ảnh: Liêu Lãm. |
- Bộ trưởng sẽ gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến đi, ông dự định nêu vấn đề gì?
- Tôi biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất bận rộn, nhưng mong rằng tôi có thể được gặp ông. Chúng tôi đã gặp nhau khi ông ấy đến New Zealand hồi đầu năm, chuyến thăm này rất tuyệt vời.
Tôi hy vọng có thể gặp ông ấy và các bộ trưởng cấp cao của Việt Nam một lần nữa nhằm củng cố những thành tựu mà hai bên đã đạt được trong việc thúc đẩy hiệp định RCEP và các chiến lược thương mại khác. Bên cạnh đó, tôi mong Việt Nam tiếp tục ủng hộ CPTPP (TPP-11), tôi cũng muốn cảm ơn Việt Nam về vai trò mà các bạn đã đảm nhiệm trong việc thúc đẩy đàm phán hiệp định này.
Trong chuyến công du lần này, tôi hướng đến những lợi ích mà hai quốc gia có thể có thể đạt được. New Zealand muốn bán sản phẩm cho Việt Nam, chúng tôi đồng thời tìm kiếm sự đảm bảo từ Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hóa đạt chất lượng cho New Zealand.
Tôi cho rằng hợp tác thương mại giữa Việt Nam và New Zealand đang rất tốt đẹp và lành mạnh, chúng ta cần tiếp tục xây dựng quan hệ dựa trên những nền tảng này trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang trỗi dậy trên toàn thế giới.
- Xin cảm ơn ông.