Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đẩy mạnh khách du lịch có thể làm thêm ở Australia, New Zealand

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thỏa thuận mới sẽ giúp đẩy mạnh, tạo điều kiện cho người Việt Nam đi du lịch có thể làm thêm ở Australia, New Zealand.

Một điểm nhấn trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Australia và New Zealand là về hợp tác giáo dục. Bên lề Hội nghị đặc biệt ASEAN - Australia, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trả lời báo chí về những hợp tác này.

- Giáo dục, dạy nghề là trọng tâm trong trao đổi giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Australia và New Zealand. Kết quả cụ thể ra sao thưa bộ trưởng?

- New Zealand và Australia là hai thị trường rất tiềm năng và có nhiều kinh nghiệm, thành công trong giáo dục nghề nghiệp. Trong chuyến đi này, thành công lớn nhất của ta là ký được bản ghi nhớ và hợp tác giữa Việt Nam với các nước, tập trung chủ yếu vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chúng tôi thống nhất những vấn đề có tính nguyên tắc trong hai nội dung: Thứ nhất về lao động cần tạo cơ sở pháp lý để thực thi, nghiên cứu thống nhất dự báo nhu cầu thị trường lao động. Phía nước bạn hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt trong dự báo nhu cầu lao động trong trung hạn và dài hạn.

hop tac giao duc Viet Nam Australia anh 1
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời báo chí bên lề Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Australia. Ảnh: Thanh Tuấn.

Thứ hai là đẩy mạnh, tạo điều kiện cho người Việt Nam đi du lịch có thể làm thêm ở Australia, New Zealand. Về giáo dục nghề nghiệp, đây là nội dung đặc biệt quan trọng. Chúng tôi thống nhất những vấn đề có tính nguyên tắc cơ bản: tập trung triển khai 12 bộ giáo trình mà Australia nhập cho chúng ta, đảm bảo 12 bộ giáo trình được thực hiện ở 25 trường nghề trọng điểm của Việt Nam, nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, kiểm định, công nhận chất lượng và tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận về kiến thức, đặc biệt là ngoại ngữ.

Về giáo dục nghề nghiệp thì tập trung 4 vấn đề lớn: Xây dựng thể chế và tổ chức kiểm định; tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên và cung cấp giáo trình; công nhận chuẩn giữa các nước, đưa ra giáo trình chuẩn giữa Australia và Việt Nam để phối hợp; đẩy mạnh giao lưu trao đổi – ví dụ, sinh viên có thể học 2 năm ở trong nước thì 1 năm có thể đi hoạt động thực tiễn cũng như kết hợp học và làm ở các nước đối tác.

Trong hội đàm song phương giữa hai bộ trưởng thống nhất rất cao nguyên tắc này. Đồng thời, thống nhất tạo điều kiện tối đa để trường Australia, New Zealand phối hợp với trường Việt Nam, tạo điều kiện để giáo dục nghề ở Việt Nam có bước phát triển ở tầm cao mới và chất hơn.

- Trên thế giới có nhiều nước giỏi về dạy nghề, tại sao Việt Nam lại chọn New Zealand và Australia?

- Australia có thể coi là 1 trong 10 nước có giáo dục nghề nghiệp tốt nhất hiện nay. Giáo dục nghề của họ được đặt ra ngay từ phân luồng. 64% số sinh viên của họ được phân luồng học nghề nghiệp.

Khảo sát 2017 cho thấy 55% những người học nghề ở Australia có thăng tiến. Việc học nghề của họ được làm thường xuyên, kể cả sinh viên tốt nghiệp đại học cũng vào học nghề - 15% sinh viên tốt nghiệp đại học của họ quay trở lại học nghề và theo đuổi nghề đó.

Thông qua các nước này, chúng ta có thể học kinh nghiệm từ phân luồng, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên bước ngay vào học nghề và trong quá trình vừa học, vừa làm đồng thời phổ cập kiến thức.

Tiếp nữa là Australia, New Zealand có những bộ giáo trình, có chương trình chuẩn. Nếu chúng ta đưa được giáo dục nghề nghiệp này vào và được công nhận chuẩn hóa thì bằng cấp đó có thể hoạt động ở nhiều nước trong khu vực chứ không chỉ riêng ở Việt Nam.

hop tac giao duc Viet Nam Australia anh 2
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng đối tác Australia chụp ảnh với thủ tướng hai nước sau lễ ký biên bản hợp tác ở Canberra. Ảnh: Thanh Tuấn.

- Bộ trưởng có nói về việc hai nước thảo luận lao động kỳ nghỉ. Cụ thể việc này đã được bàn thế nào trong hội đàm?

- Hai nước đặt ra vấn đề có tính nguyên tắc: ví dụ người Việt Nam đi du lịch hay sinh viên Việt Nam cũng có thể làm thêm theo tỷ lệ nhất định. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động này phải phù hợp với ngành nghề, phù hợp với chuyên môn để vừa thực tập, vừa ứng dụng kinh nghiệm của chúng ta ở nước bạn để xem hòa nhập thế nào.

Chúng tôi cũng đặt yêu cầu những ngành nghề này phải phù hợp với Cách mạng Công nghiệp 4.0. Điều nữa là sẽ giúp sinh viên chúng ta bớt đi phần đóng góp mà gia đình và xã hội phải đóng góp.

- Những thỏa thuận của TPP-11 sẽ tác động thế nào đến hợp tác lao động giữa ta với các nước?

- Tôi cho rằng TPP-11 sẽ tạo ra cơ hội rất lớn. Đặc biệt khi lao động tự do của chúng ta đang chiếm tỷ lệ rất lớn trong TPP cũng như trong các khu vực ký hợp tác.

Thỏa thuận TPP sẽ đảm bảo cho các lao động di cư được có các quyền năng cơ bản nhất như lao động ở các nước tiếp nhận – nhất là các vấn đề bảo hiểm, chuyên môn, cuộc sống,… Điều quan trọng là họ được cung cấp, minh bạch thông tin để cho người lao động được tham gia vào thị trường một cách hợp lý, chủ động, đảm bảo bình đẳng giữa lao động sở tại với lao động di cư. Đây là vấn đề quan trọng nhất.

Với thị trường tiềm năng như Việt Nam có nhiều lao động trẻ thì chúng ta không chỉ giải quyết việc làm, không chỉ nâng cao thu nhập mà quan trọng hơn là tạo điều kiện cho giới trẻ Việt Nam hòa nhập vào môi trường mới, có yêu cầu về kỷ cương, kỷ luật, tác phong lao động cao, yêu cầu chuyên môn cao. Qua đó chúng ta có điều kiện quay trở lại phục vụ đất nước.

- Những thỏa thuận này bao giờ sẽ được hiện thực hóa?

- Tôi và Bộ trưởng Giáo dục và dạy nghề Australia đã thống nhất ngay trong tháng 4 này các bộ phận chuyên môn của Australia sẽ sang Việt Nam và cùng với tổng cục giáo dục nghề nghiệp bàn chi tiết từng việc. Đồng thời trong tháng 4 thì sẽ giới thiệu hai trung tâm giáo dục nghề sang trực tiếp phối hợp với hai trung tâm của Việt Nam – một trong hai điểm đó nằm trong nhóm 25 trường chất lượng cao của Việt Nam để thực thi tất cả những cam kết giữa hai nước.

- Ví dụ người dân đi du lịch thì chính thức bao giờ họ có thể làm việc ở Australia?

- Trong thực tiễn thì người dân du lịch đã có thể làm vậy rồi. Giờ chúng ta đưa ra quy định chung chứ thực tiễn thì chính phủ Australia đã cho phép việc này. Với thỏa thuận chính thức giữa hai thủ tướng thì đây là sự thừa nhận chính thức cho hình thức lao động này.

'Có sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp Australia, New Zealand'

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thấy có sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp Australia, New Zealand trong chuyến thăm của Thủ tướng và sau khi TPP-11 được ký.

Thủ tướng công du đầu năm: Tầm vóc mới với những đối tác then chốt

Chuyến thăm New Zealand và Australia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác tại châu Đại Dương.

Thanh Tuấn

Bạn có thể quan tâm