Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhật ký tìm thi thể nạn nhân tàu đắm của thợ lặn

"Cuộc tìm kiếm bắt đầu. Chúng tôi lần theo bức tường để vào bên trong tàu. Dường như đó là một thi thể”, một thợ lặn kể lại tìm hành khách sau khi tàu Sewol chìm trong nhật ký.

Các thợ lặn tìm thi thể các nạn nhân vụ đắm tàu Sewol cả ngày lẫn đêm. Ảnh: Reuters

Công ty cứu hộ Undine Marine Industry thuê nhiều thợ lặn để tìm thi thể nạn nhân theo một hợp đồng mà không cho phép họ tiết lộ thông tin với các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, Kookje Shinmun, một tờ báo địa phương ở phía nam thành phố Busan, vẫn công bố cuốn nhật ký của một thợ lặn trong số đó. Họ gọi tác giả của cuốn nhật ký là “Ông B”.

Nội dung cuốn nhật ký theo sát tiến trình của hoạt động cứu hộ, từ lúc họ hy vọng tìm thấy hành khách sống sót trong các túi khí tới khi mọi người nhận ra không ai sống sót ngoài 172 người thoát khỏi tàu.

"Ông B" bắt đầu viết nhật ký từ ngày 19/4, 3 ngày sau khi tàu Sewol chìm. Giới chức cho biết, 325 trên tổng số 476 người trên tàu là học sinh của một trường trung học đang trên đường đi nghỉ tại đảo Jeju. "Suy nghĩ duy nhất trong đầu tôi lúc đó là phải tìm bất kỳ ai còn sống", nhật ký ghi lại.

Tuy nhiên, đến ngày 22/4, tàu Sewol chìm. Lúc này, cuộc giải cứu nạn nhân sống sót trở thành việc tìm kiếm thi thể nạn nhân thiệt mạng. Sự việc đau lòng diễn ra trong bối cảnh hàng trăm thân nhân vẫn đang mòn mỏi chờ đợi trên bờ với hy vọng mong manh về người thân.

Lời cảm ơn từ những người tìm thấy thi thể người thân nhân đã cải thiện phần nào tinh thần của người thợ lặn. Nhưng sâu thẳm trong thâm tâm, ông vẫn cảm thấy ông đang mắc nợ họ.  "Chúng ta đã làm gì với những đứa trẻ này vậy? Xin thứ lỗi, xin thứ lỗi, xin thứ lỗi. Tôi không xứng đáng nhận sự cảm kích đó", ông viết.

Phần bi kịch nhất của nhật ký là khi hoạt động thu hồi xác bước vào giai đoạn nước rút và các nhóm thợ lặn tiến sâu hơn vào trong con tàu đắm. Lúc này, các thợ lặn phải chịu áp lực vô cùng lớn từ giới chức Hàn Quốc và gia đình nạn nhân. Ngoài ra, tầm nhìn giảm là một trở ngại lớn khi họ tiến sâu vào các buồng bên trong tàu.

"Tầm nhìn rất tệ. Đèn pin dường như không hiệu quả nên chúng tôi phải lần mò bằng tay", người thợ lặn kể lại hoạt động trong ngày 4/5, khi ông và đồng nghiệp đang tìm cách đưa dây vào bên trong tàu ở độ sâu 40 mét để dẫn đường.

Hai ngày sau, ông B phát hiện một thi thể. Ông đụng phải thứ gì đó và khi chạm vào ông biết đó là cánh tay của một thi thể trôi lững lờ trong một buồng hành khách. Ông ôm lấy thi thể và giật dây ra hiệu để đội mặt đất kéo ông và thi thể. 

"Chúng tôi kẹt ở cửa ra vào và tôi đã ra tín hiệu để đội mặt đất ngừng kéo. Tôi đi trước ra khỏi cửa rồi nhẹ nhàng kéo thi thể theo sau. Sau đó, họ lại tiếp tục kéo chúng tôi lên", ông viết.

Sau đó, ông lập tức trở lại buồng bởi nhiều người có thể vẫn mắc kẹt bên trong khi tàu nghiêng do nghe theo chỉ dẫn của thủy thủ đoàn.

Lúc đầu ông chưa thấy điều gì bất thường nhưng đột nhiên tay ông chạm vào một thi thể kẹt trong khoang giường ngủ. "Tôi sờ thấy tay thi thể trước, rồi tới phần đầu và thân. Không gian quá chật hẹp nên kéo thi thể là việc khó, trong khi thời gian lặn không còn nhiều", ông viết.

Người thợ lặn dẹp những túi đựng hành lý và các mảnh vỡ quanh giường rồi cố luồn hai tay vào nách nạn nhân để kéo nhưng vô ích. 

"Thật may, tôi nắm lấy phần áo phía sau cổ và kéo. Thi thể trôi ra ngay sau đó", ông viết.

Tuần trước, đội mặt đất đã kéo một thợ lặn trong tình trạng bất tỉnh lên bờ và đưa ngay tới bệnh viện. Tuy nhiên, thợ lặn đó đã tử vong. Theo cơ quan xử lý thảm họa Hàn Quốc, bác sĩ đang chăm sóc cho 24 người khác. Tới thời điểm hiện tại, các đội lặn vẫn tìm kiếm và trục vớt thi thể các nạn nhân.   

http://news.yahoo.com/diary-reveals-harrowing-search-korea-ferry-bodies-025920676.html

Nguyễn Thái - Tống Hoa

Bạn có thể quan tâm