Trung tướng Nguyễn Đức Soát (sinh năm 1946) là phi công tiêm kích MiG-21, SU-22, SU-27. Trong chiến tranh chống Mỹ, ông đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới ở tuổi 27. Ông giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Tư lệnh quân chủng Không quân, Tư lệnh quân chủng Phòng không - Không quân, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong những năm tháng được đào tạo tại Nga và về nước chiến đấu, ông luôn ghi chép những sự việc, suy tư của mình. Mới đây, nhật ký của ông được xuất bản thành sách với tên Nhật ký phi công tiêm kích.
Từ trái qua: Nhà thơ Trần Đăng Khoa, anh hùng Lê Thanh Đạo, anh hùng Nguyễn Đức Soát, nhà thơ Hữu Việt trong buổi ra mắt sách Nhật ký phi công tiêm kích. Ảnh: Y. N. |
Một thế hệ phi công anh hùng
Nhật ký của ông ghi từ ngày 20/3/1966 (sau khi sang Liên Xô 8 tháng), viết đều từ khi học bay đến khi về nước tham gia chiến đấu, và dừng lại ở ngày 31/12/1972 - một ngày sau khi Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc.
Những trang nhật ký trải dài suốt 7 năm của Nguyễn Đức Soát đã mô tả trung thực những suy nghĩ của lớp thanh niên thuở ấy về tình yêu Tổ quốc, về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn của dân tộc.
Qua những trang nhật ký, người đọc còn thấy được lòng ham mê và quyết tâm nắm chắc kỹ thuật bay để được tham gia chiến đấu; thấy được cả những chiến công oanh liệt và những tổn thất không gì bù đắp của cả một lớp phi công trẻ tuổi vừa rời ghế nhà trường.
Họ đã anh dũng đối đầu với những cỗ máy chiến tranh hiện đại của đối phương, góp phần cùng quân và dân miền Bắc đánh thắng hai lần chiến tranh phá hoại Mỹ. Những chiến công của họ là một mốc son chói lọi của không quân Việt Nam thời kỳ đầu non trẻ.
Trong buổi ra mắt sách sáng 17/12 tại Hà Nội, trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ khi sang Liên Xô học lái máy bay, ông muốn ghi chép lại những trải nghiệm của mình. “Ở cuốn nhật ký đầu tiên, tôi đã viết lên bìa cuốn sổ dòng chữ ‘Đời bay’. Bạn tôi nhìn thấy và bảo nếu đang bay mà bị ‘cắt cánh’ thì sao. Tôi cũng lạnh gáy, nhưng nghĩ đã thế này thì mình phải bay đến nơi đến chốn, bay đến hết đời”, tướng Soát chia sẻ.
Nhật ký được trung tướng Nguyễn Đức Soát giữ riêng tư suốt bao năm. Gần đây, đọc lại nhật ký, ông thấy những dòng chữ không chỉ viết về mình, mà viết về nhiều đồng chí, đồng đội, trong đó nhiều người đã hy sinh mà không được biết đến. Đó là một trong những lý do ông xuất bản sách, để mọi người biết thêm về những gương sáng anh hùng.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát nói: “Tôi viết những đoạn tri ân đồng đội, những người bạn chiến đấu với mình. Tôi tri ân những người chỉ huy tài ba giúp mình trưởng thành. Thế hệ tôi được đào tạo bài bản, được giáo dục tình yêu Tổ quốc, nhiều đồng chí của tôi đã hy sinh. Tôi quyết noi theo tấm gương anh hùng của họ”.
Để bạn đọc hiểu được bối cảnh sự việc, dễ dàng tiếp cận sự kiện, khi xuất bản thành sách, tác giả viết thêm lời dẫn trước mỗi giai đoạn có trong nhật ký. Ông cũng viết bổ sung thông tin vào sau một số trang nhật ký nhằm làm rõ hơn về những phi công chiến đấu quả cảm.
Sách Nhật ký phi công tiêm kích do NXB Trẻ phát hành. Ảnh: Y. N. |
Tư liệu quý về không quân Việt Nam
Anh hùng Lê Thanh Đạo - nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, từng là một phi công lái MiG-21 - cho biết ông là bạn học và là đồng chí chiến đấu với trung tướng Nguyễn Đức Soát. Ông nói cuốn sách đã làm sống lại trong ông nhiều câu chuyện đã quên, và làm sống lại trong lòng một thế hệ những nhiệt huyết tuổi trẻ.
Còn thủ trưởng Bộ tư lệnh quân chủng Phòng không - Không quân nói cuốn nhật ký giúp thế hệ trẻ học tập, noi theo tấm gương anh dũng của thế hệ trước. Đây cũng là cơ sở giáo dục truyền thống yêu nước cho lớp trẻ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - tiết lộ trung tướng Nguyễn Đức Soát là một trong những thần tượng của ông. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kể: “Tôi sinh ở Hà Tây, đồng hương với anh Soát. Trong những năm tháng Mỹ phá hoại miền Bắc, tên những anh hùng phi công thường vang lên trong ngôi trường tôi học. Với tôi, đó là những thần tượng. Tôi không nghĩ có ngày đọc cuốn sách, và có thể đến đây để chạm tay tới một anh hùng, một huyền thoại trong tuổi thơ tôi”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá cao chất văn chương trong cuốn nhật ký. Nếu trong lĩnh vực quân sự, tướng Soát là bậc anh hùng, thì với viết lách, ông cũng thể hiện tố chất văn chương. Cuốn nhật ký không chỉ là chuyện riêng của anh hùng Nguyễn Đức Soát, mà còn là chuyện của nhiều anh hùng không quân. “Đây là tư liệu rất quý để chúng ta thêm hiểu về không quân Việt Nam”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.