Trước đó, người anh hùng bình dị đã bước sang tuổi 83 vẫn đang rất khỏe mạnh, hàng ngày vẫn đi làm vườn, tát cá ngoài ao ở quê nhà Sa Đéc, Đồng Tháp, cho đến khi bị đột quỵ tại vườn nhà vào trưa ngày 16/9 và được đưa về cấp cứu tại Quân y viện 175 ở TP.HCM. Nếu gặp ở ngoài đời mà không được giới thiệu, ít người biết rằng cụ già có chòm râu dài mang dáng vóc “lão nông tri điền” ấy lại là một anh hùng phi công huyền thoại của QĐND Việt Nam, là một “Ace” (phi công bắn hạ trên 5 máy bay địch) mà không quân Mỹ cũng kính nể.
Phi công Nguyễn Văn Bảy (A) (bên trái) trở về sân bay trong vòng tay đồng đội sau khi lập chiến công. Ảnh tư liệu. |
Ông kể, cuộc đời ông gắn bó với số 7: Tôi tên Bảy, con thứ 7, đi bộ đội lúc 17 tuổi, học văn hóa 7 ngày lên 7 lớp, 7 lần bắn rơi 7 máy bay Mỹ bằng máy bay MiG 17, được phong Anh hùng năm 1967...
Nhưng qua bài viết của ông trong cuốn sách Hồi ký 50 năm Không quân nhân dân Việt Nam (NXB QĐND, 2005), độc giả mới biết tên thật của ông không phải là Bảy, mà người phi công huyền thoại này lại mang một cái tên… con gái.
“Tôi tên thật là Nguyễn Văn Hoa, sinh năm 1936, ở xã Hòa Thành, Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp ngày nay)”, ông kể lại trong bài viết Con đường tôi đến với không quân, do đại tá, nhà văn Đoàn Hoài Trung ghi và in trong cuốn sách. “Ngày nhỏ tôi bị các anh em trêu tên là Hoa là tên con gái, xấu hổ quá, tôi bỏ tên Hoa lấy tên thứ Bảy là tên chính thức từ đó. Tháng 4 năm 1954, ba của tôi ép phải lấy vợ, tôi “hoảng quá”, vội ôm quần áo bỏ nhà theo người bạn tên Lê, đang là bộ đội địa phương. Nửa tháng theo bạn mới được đơn vị nhận chính thức nhờ có anh trai làm xã đội trưởng bảo lãnh. Đêm đầu tiên, được giao cây súng gác đơn vị, tôi sung sướng quá, ôm súng đi lại suốt đêm, gác luôn hộ bạn, mặc dù lúc đó tôi chưa biết bắn súng làm sao”.
Cuối năm 1954, ông Bảy tập kết ra Bắc, được học bổ túc, được tham gia làm kinh tế cho đơn vị như đóng gạch, tăng gia chăn nuôi. Có lần đoàn khám tuyển phi công đến đơn vị, ông trúng tuyển và được đi học Trường văn hóa Lạng Sơn. Ông tự nhận xét về bản thân “Lao động rất cừ, nhưng đi học là vấn đề hết sức khó khăn với tôi, những con chữ, những bài tính rối mù trong đầu, nhiều khi phải học vẹt trả bài thầy”.
Tháng 2/1960, ông được cùng anh em khóa 2 sang học tập tại Trường Không quân số 2 Trung Quốc. Cùng đi học có các phi công Trần Mạnh (đoàn trưởng), Nguyễn Phúc Trạch, Đồng Văn Đe...
Ông kể, những ngày luyện tập lái máy bay Yak-18 rất vất vả. Không mấy người biết, người anh hùng phi công khởi đầu hành trình tập bay mà “không biết tại sao cứ ngồi lên buồng lái là tôi buồn ói, mà tôi ói thật, ói khắp sàn máy bay, ói ra cả mật xanh mật vàng”.
Nhờ nỗ lực của bản thân, ông đã cố gắng vượt qua những cơn nôn ói, trong khi nhiều bạn trong đoàn cũng bị như vậy, mà có người không chịu được phải chuyển sang học phục vụ mặt đất. Sau khi lái thành thạo máy bay Yak, ông chuyển dần lên máy bay MiG-15, MiG-17 và tháng 4/1965, ông về nước, được biên chế về Trung đoàn Không quân 923 (Đoàn Yên Thế).
Qua bài viết, ông Bảy cho biết cuộc đời ông còn gắn bó với một số 7 nữa, đó là chỉ bảy ngày sau khi tổ chức đám cưới với người bạn đời là bà Trần Thị Niên, là đồng hương, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, ngày 26 tháng 4 năm 1966, ông đã lập một chiến công để tặng vợ.
Ông kể lại về trận đánh này: “Biên đội của tôi gồm Chung, Tân, Bảy, Mẫn đang hoạt động ở vùng trời Võ Nhai (Bắc Thái), tôi phát hiện máy bay địch ở thế có lợi đang bám đuôi hai máy bay của Chiêm và Mẫn trong biên đội. Tôi và Tân đã nhanh chóng, bất ngờ lao thẳng vào giữa đội hình máy bay địch, làm chúng hoảng hốt tháo chạy. Tôi bình tĩnh bám chắc một chiếc, tới cự ly có hiệu quả đã nổ súng, máy bay địch lặn xuống tránh đạn. Tôi cho máy bay lật theo và bồi một loạt đạn nữa, máy bay địch bốc cháy rơi tại chỗ. Trong trận này biên đội bắn rơi hai máy bay F-4 của Mỹ, bắn bị thương một chiếc khác và về hạ cánh an toàn”.
Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bảy thăm Bảo tàng Phòng không - Không quân. Ảnh: BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Còn trận đánh mà phi công Nguyễn Văn Bảy nhớ nhất là trận đánh ngày 5/9/1966. Ông kể: Hôm ấy tôi cùng phi công Võ Văn Mẫn, quê ở Ba Tri, Bến Tre được phân công trực chiến sân bay Gia Lâm. Mặt đất phát hiện một tốp máy bay địch khác vào Phủ Lý, Nam Hà, lập tức sở chỉ huy dẫn hai máy bay ta vào không chiến. Cách địch 15 km, tôi đã phát hiện mục tiêu như hai chấm đen trước mặt. Còn cách 5 km, tôi ra lệnh cho số hai thả thùng dầu phụ, tăng tốc đối đầu máy bay địch.
Thấy khí thế hùng dũng của ta, hai máy bay địch hoảng loạn vòng phải, lợi dụng đám mây chạy trốn. Tôi thấy vậy thầm tính toán, nếu bám đuôi địch thì khó đuổi kịp được, vì tốc độ địch nhanh hơn, tôi quyết định bay cắt đón đường. Tôi hô lớn: “Số 2 theo tôi”.
Quả nhiên qua đám mây thì nhìn thấy hai chiếc máy bay địch, bọn chúng thần hồn nát thần tính, vừa bay vừa làm động tác uốn éo để tránh đạn của ta, chính vì thế mà bị hạn chế tốc độ. Tôi bám chiếc thứ hai cách khoảng 250 m xả súng vào buồng lái địch, tên phi công trúng đạn chết tại chỗ, mảnh mê-ca văng ra, nhiều mảnh chui vào luồng gió hút cả vào động cơ máy bay Mẫn.
Tôi lách ra, ra lệnh cho số 2 vào công kích. Phi công Võ Văn Mẫn bám ngay chiếc máy bay số 1 của địch và nổ súng tấn công. Chiếc máy bay trúng đạn, phi công địch nhảy dù. Tôi ra lệnh cho số 2: “Số 2 theo tôi về hạ cánh”. Chúng tôi sung sướng quá bay trở về. Sở chỉ huy nhắc chú ý địch bám đằng sau. Tôi nói vào micro: “Địch chỉ có hai thằng bắn ráo trọi rồi còn đâu nữa”. Tối ấy, Quân chủng báo cáo lên Bộ Quốc phòng, Bộ báo cáo với Bác Hồ. Bác có hỏi xem hai đồng chí phi công tên gì? Quê ở đâu? Biết là cả hai cùng là phi công người miền Nam, Bác vui lắm và gửi tặng ngay hai huy hiệu của Người cho chúng tôi.
Ngày 16/9/1966, 16 chiếc máy bay địch gồm F-4 và F-105 xâm phạm vùng trời Chí Linh, Hải Dương, chúng đã phát hiện một biên đội 4 chiếc máy bay của ta nên chia thành nhiều tốp, bay ở nhiều tầng, nhiều hướng, giành thế có lợi nhằm kéo ta ra xa, buộc ta phải bị động phân tán để chúng bao vây tiêu diệt ta. Phi công Nguyễn Văn Bảy đã cùng biên đội chủ động, linh hoạt, cơ động, giữ vững đội hình, yểm trợ cho nhau giành thế chủ động, buộc địch chiến đấu ở khu vực ta đã chọn. Toàn biên đội đã chủ động lúc đối đầu, lúc bám đuôi địch, nổ súng kịp thời chính xác, bắn rơi 3 máy bay F-4 và trở về hạ cánh an toàn, riêng ông Bảy bắn rơi 1 chiếc.
Người phi công huyền thoại đúc kết cuộc đời chiến đấu của mình ngắn gọn như sau: “Tôi tham gia tất cả 13 trận đánh, bắn rơi 7 máy bay Mỹ và chưa một lần nào bị địch bắn cháy máy bay phải nhảy dù. Tôi đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được 7 huy hiệu của Bác Hồ và một đồng hồ đeo tay do Bác Hồ tặng. Tôi đã trải qua nhiều cương vị khác nhau trong Quân chủng Phòng không - Không quân như: Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, Phó tư lệnh Sư đoàn không quân 372, Sư đoàn trưởng Sư đoàn không quân 376, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân. Tôi nghỉ hưu tháng 12 năm 1989”.