17h30 ngày 7/5/1954, tướng De Castries và bộ tham mưu tại cứ điểm Điện Biên Phủ bị quân ta bắt sống. Giây phút lịch sử đánh dấu cho chiến thắng huy hoàng và vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Getty. |
56 ngày đêm chấn động địa cầu của chiến dịch Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, lật đổ thành trì vững chắc của chủ nghĩa thực dân. Không chỉ ở Việt Nam, các học giả, sử gia và nhà văn quốc tế cũng nhiều lần nhắc về chiến thắng vẻ vang này và nhà quân sự tài ba - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Reuters. |
Là người gắn bó với Việt Nam từ năm 1959, ký giả kiêm sử gia người Mỹ Stanley Karnow (1925-2013) có nhiều trang viết về vị tướng lĩnh chỉ huy trận Điện Biên Phủ năm 1954. Trong cuốn Vietnam: A Television History (Việt Nam - Thiên lịch sử truyền hình, 1983), Stanley Karnow viết: “Tướng Giáp là người đặc biệt. Ông vừa là nhà hoạch định chính sách, vừa là sĩ quan trên chiến trường”. Ảnh: Current. |
Trong bài viết Giap Remembers (Tưởng nhớ tướng Giáp, đăng trên The New York Times ngày 24/6/1990 trích từ Vietnam: A Television History), tác giả Stanley Karnow kể lại người Pháp gọi vị đại tướng của Việt Nam là “núi lửa phủ tuyết”. “Tướng Giáp đã chiến đấu trong hơn 30 năm, xây dựng một đội quân tinh nhuệ nhất thế giới”. Ảnh: AP. |
“Một người đàn ông thấp với làn da mịn, mái tóc trắng, đôi mắt nheo lại và dáng đi nhanh nhẹn. Ông ấy mặc đồng phục xanh bộ đội đơn giản với 4 ngôi sao trên cổ áo - dấu hiệu cấp bậc duy nhất. Gặp mặt, ông mỉm cười, bắt tay và véo má theo kiểu truyền thống Pháp trước con mắt ngạc nhiên của tôi”, Stanley Karnow viết. Ảnh: AFP. |
Tài năng chiến lược của Tướng Giáp khiến tác giả Vietnam: A Television History đặt ông ngang hàng với các nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại khác của thế kỷ XX. “Ông tin tưởng sâu sắc rằng người Việt Nam sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn để giải phóng đất nước, giành lại độc lập”. Ảnh: AFP. |
Sau này, con gái của sử gia Stanley Karrnow, nhà báo ảnh Mỹ Catherine Karnow, có cơ hội tiếp xúc Đại tướng, cũng miêu tả: “Đó là người anh hùng trung kiên có mái tóc bạc phơ”; “ở tuổi 83, Đại tướng vẫn nhanh nhẹn”. Ảnh: Catherine Karnow cung cấp. |
Trong chuyến thăm Điện Biên Phủ năm 1994, kỷ niệm 40 năm sau khi Pháp bị đánh bại, vị tướng tài ba được người dân chào đón. “Những ký ức về chiến tranh vẫn còn đó, vẹn nguyên trong đôi mắt của ông”, trích bài giới thiệu về loạt ảnh ký sự Việt Nam của Catherine Karnow trên Huffpost. Ảnh: Catherine Karnow. |
Năm 1997, giáo sư Cecil B. Currey, cựu giảng viên lịch sử tại Đại học Nam Florida, Mỹ, xuất bản cuốn Victory at Any Cost: The Genius of Viet Nam’s General Giap (Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng bằng mọi giá), sau khi được chính Đại tướng Võ Nguyễn Giáp tiếp tại nhà riêng. Ảnh: Catherine Karnow. |
Cuốn sách của Cecil B. Currey cung cấp cái nhìn sâu sắc về vị tướng trong cuộc chiến chống Pháp và giải thích lý do quân đội Việt Nam, dưới sự chỉ đạo tài ba của ông, đã giành chiến thắng vẻ vang. Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng bằng mọi giá được đánh giá là một trong những cuốn sách đầy đủ, chi tiết nhất về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của người nước ngoài. Ảnh: Catherine Karnow. |
Trong cuốn Giap: The Victor in Vietnam (1993), Peter Macdonald viết: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cánh tay phải của cách mạng. Trong hơn 25 năm, ông không chỉ trực tiếp chỉ huy quân đội, mà còn lãnh đạo cuộc chiến không khoan nhượng, đánh bại đối thủ nặng ký”. Ảnh: AP. |
Tác giả của Victory at Any Cost: The Genius of Viet Nam’s General Giap nhấn mạnh không được đào tạo qua trường lớp nhưng Tướng Giáp đã ghi những chiến tích hiển hách. Thắng lợi của Tướng Giáp không chỉ về mặt quân sự, mà còn là trận toàn thắng về chính trị. Ảnh: DPA. |
Hình ảnh Tướng Giáp 3 lần xuất hiện trên bìa Tạp chí Time vào các năm 1966, 1968, 1972. Trong đó, lần thứ ba là giai đoạn mà phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam tại Mỹ lên tới đỉnh điểm, dư luận Mỹ chán nản với cuộc chiến này. Ảnh: Time. |