Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhật Bản: Tranh cãi việc phụ nữ bị đuổi khỏi sàn sumo dù cứu người

Những người phụ nữ nhanh chóng lao ra cấp cứu cho một quan chức bất ngờ ngất xỉu nhưng bị trọng tài yêu cầu rời đi vì phụ nữ không được phép lên sàn thi đấu sumo.

Vụ việc liên quan đến tình huống khẩn cấp trong một trận thi đấu sumo ở thành phố Maizuru đang gây bất bình trong dư luận Nhật Bản bởi những quy định tồn tại hàng thế kỷ của môn thể thao truyền thống.

Truyền thông địa phương cho hay thị trưởng thành phố Ryozo Tatami, 66 tuổi, bất ngờ ngất xỉu khi đang phát biểu trong một giải đấu sumo hôm 4/4. Hai người phụ nữ, có vẻ là nhân viên y tế, lập tức chạy đến và tiến hành cấp cứu trong lúc những người đàn ông đứng nhìn.

Khi 2 phụ nữ khác tiến lên sàn thi đấu để hỗ trợ cấp cứu, trọng tài liên tục yêu cầu họ rời khỏi sàn đấu và cuối cùng họ phải rời đi.

"Các chị, vui lòng rời sàn đấu", một trọng tài nói với giọng quả quyết. "Chỉ nam giới được bước lên".

phu nu khong duoc len san sumo nhat ban anh 1
Chủ tịch Hiệp hội Sumo Nhật Bản Nobuyoshi Hakkaku (giữa). Ảnh: Getty.

Đoạn băng ghi lại sự việc nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và được hàng loạt báo đài lớn dẫn lại, tạo nên làn sóng chỉ trích nhằm vào các quan chức thể thao "coi trọng quy định hơn tính mạng con người".

Chủ tịch Hiệp hội Sumo Nhật Bản Nobuyoshi Hakkaku đã gửi lời xin lỗi đến những phụ nữ này vào cuối ngày 4/4.

"Yêu cầu (rời khỏi sàn đấu) được đưa ra bởi một trọng tài đang bối rối, nhưng đây là hành động không phù hợp trong tình huống liên quan đến tính mạng con người... Chúng tôi thành thật xin lỗi", BBC trích  lời ông Hakkaku trong thông cáo.

phu nu khong duoc len san sumo nhat ban anh 2
Những phụ nữ lên sàn thi đấu sumo để cấp cứu vị quan chức ngất xỉu. Ảnh: Kyodo.

Truyền thông địa phương sau đó cho hay các khán giả nhìn thấy muối được rải lên "dohyo", tức sàn thi đấu sumo, sau khi những người phụ nữ rời đi.

Trong văn hóa Nhật Bản, muối được rải lên "dohyo" trước trận đấu để "thanh tẩy" nó. Một số người cho rằng hành động này ngụ ý phụ nữ đã "vấy bẩn" sàn đấu.

"Thật thô lỗ khi họ rải muối để làm sạch sàn đấu sau khi phụ nữ bước lên", một người dùng Twitter Nhật Bản viết.

"Đây là cách để đáp trả một người đã cố gắng cứu mạng người khác ư? Tôi nghĩ tốt hơn chúng ta nên rắc muối lên đầu chủ tịch hiệp hội sumo", một người khác bình luận.

Sức khỏe Thị trưởng Tatami hiện đã ổn định sau khi ông được đưa đến bệnh viện. Ông được chẩn đoán bị đột quỵ.

phu nu khong duoc len san sumo nhat ban anh 3
Võ sĩ sumo rắc muối lên sàn thi đấu. Ảnh: AFP.

Sumo là môn thể thao cổ truyền của người Nhật, chỉ dành cho nam giới với các lễ nghi hầu như không thay đổi qua hàng thế kỷ, dù lượng người xem đã sụt giảm trong 2 thập kỷ qua.

Đây không phải lần đầu tiên việc phụ nữ lên sàn đấu sumo gây ra tranh cãi. Năm 2000, thống đốc tỉnh Osaka khi đó là Fusae Ota đề nghị hiệp hội sumo để bà bước lên "dohyo" trao cúp cho võ sĩ quán quân, nhưng đề nghị này đã bị từ chối.

Trong những tháng gần đây, hàng loạt bê bối đã làm ảnh hưởng đến danh tiếng của môn võ truyền thống này. Một cựu "yokozuna", thứ bậc hàng đầu trong môn thể thao, bị buộc phải giải nghệ hồi tháng 12/2017 sau những cáo buộc anh tấn công một võ sĩ trẻ tuổi hơn.

Nhà vô địch sumo khóc khi 'về hưu non' sau bê bối tấn công đàn em

Nhà vô địch sumo Harumafuji tuyên bố giã từ sự nghiệp thi đấu khi đang bị Hiệp hội Sumo Nhật Bản điều tra về cáo buộc tấn công một đô vật đàn em.

Cuộc thi võ sĩ sumo 'dụ' trẻ khóc tại Nhật

Người Nhật tin rằng tiếng khóc khi chào đời của trẻ liên quan đến hoạt động của lá phổi và các võ sĩ sumo có thể giúp trẻ lớn lên khỏe mạnh bằng cách khiến chúng khóc.

Đông Phong

Bạn có thể quan tâm