Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhật Bản muốn sở hữu tên lửa có thể bắn tới Triều Tiên

Nhật Bản muốn trang bị tên lửa không đối đất JASSM-ER có tầm bắn hơn 1.000 km cho tiêm kích F-15J để có thể đáp trả Triều Tiên khi cần thiết.

Tokyo đang có kế hoạch trang bị tên lửa không đối đất dẫn đường chính xác tầm xa cho tiêm kích F-15J của nước này, để lần đầu tiên có khả năng tấn công các khu vực bố trí tên lửa của Triều Tiên, Reuters dẫn 2 nguồn tin cho biết.

Kế hoạch này dự kiến sẽ được đưa vào ngân sách quốc phòng tiếp theo từ đầu tháng 4/2018 để nghiên cứu khả năng mang vũ khí tầm xa của F-15J. Các vũ khí dự định trang bị gồm đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM-ER của Mỹ với tầm bắn hơn 1.000 km, một trong những nguồn tin am hiểu về kế hoạch cho biết.

“Sử dụng các tên lửa tầm xa đang là một xu hướng của toàn cầu và hiển nhiên là Nhật Bản cũng muốn xem xét chúng”, nguồn tin nói nhưng không tiết lộ danh tính vì họ không được phép cung cấp thông tin cho báo chí.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng xem xét lựa chọn tên lửa hành trình JSM, tầm bắn 500 km do Kongsberg của Na Uy chế tạo cho tiêm kích tàng hình F-35, mà Tokyo sẽ đưa vào sử dụng trong thời gian tới. Theo các nguồn tin, kế hoạch mua sắm 2 loại tên lửa không đối đất tầm xa này không nằm trong ngân sách quốc phòng năm 2018 trị giá 5,26 nghìn tỷ yên (46,7 tỷ USD) mà Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đệ trình lên Quốc hội.

Chuong trinh ten lua Trieu Tien anh 1
Tokyo đang xem xét khả năng lắp tên lửa không đối đất tầm xa JASSM lên tiêm kích F-15J của nước này. Ảnh tiêm kích F-15E của Không quân Mỹ thử nghiệm tên lửa JASSM. Ảnh: USAF.

Tuy nhiên, Tokyo có thể xem xét việc mua sắm và bổ sung kinh phí cần thiết để thực hiện. Yêu cầu trang bị khả năng tấn công tầm xa cho thấy Nhật Bản đang lo ngại trước mối đe dọa ngày càng tăng từ chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Điều đó đã thúc đẩy Tokyo tìm cách sở hữu khả năng tấn công chiến lược tầm xa.

Tuy vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera, cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng nước này chưa tìm kiếm nguồn tài trợ cho việc mua vũ khí tầm xa. Ông nói thêm: “Chúng tôi dựa vào Mỹ để tấn công căn cứ của đối phương và chưa xem xét bất kỳ thay đổi trong việc chia sẻ vai trò giữa chúng tôi và Mỹ”.

Trước khi đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản từ tháng 8, ông Onodera đã dẫn đầu một nhóm các nhà lập pháp đảng Dân chủ Tự do, yêu cầu chính phủ mua vũ khí tầm xa để ngăn chặn khả năng Bình Nhưỡng tấn công vào Nhật Bản.

Chuong trinh ten lua Trieu Tien anh 2
Triều Tiên thường xuyên phóng tên lửa về vùng biển Nhật Bản. Đồ họa: Koreatimes.

Năm 2017, Bình Nhưỡng 2 lần phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-12 bay qua bầu trời Nhật Bản và thường xuyên phóng tên lửa đạn đạo về phía vùng biển nước này. Gần đây nhất, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 với độ cao quỹ đạo tới 4.500 km, bay được quãng đường 992 km và rơi xuống vùng biển Nhật Bản.

Hiến pháp Hòa bình của Nhật Bản quy định các loại vũ khí của lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bị giới hạn tầm bắn dưới 300 km. Quy định này khiến lực lượng Phòng vệ Nhật Bản không thể đáp trả các cuộc tấn công của đối phương bằng vũ khí tầm xa.

Những vụ phóng tên lửa gây chấn động của Triều Tiên Năm 2017, Triều Tiên phóng tên lửa với tần suất chưa từng có, gồm 3 lần thử ICBM và 2 lần bắn tên lửa bay qua bầu trời Nhật Bản gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế.

Abe: Triều Tiên phóng tên lửa là 'không thể dung thứ'

Theo thủ tướng Nhật Bản, vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên là một hành động "bạo lực", "không bao giờ được dung thứ" và kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn cấp.



Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm