Những lần Triều Tiên phóng tên lửa gây rúng động trong năm 2017
Thứ sáu, 1/12/2017 14:51 (GMT+7)
14:51 1/12/2017
Tính đến tháng 11, Triều Tiên đã tiến hành 16 vụ phóng thử tên lửa, trong đó có 3 vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa, 2 lần bắn tên lửa bay qua Nhật Bản.
Ngày 12/2, Triều Tiên mở màn một năm 2017 đầy căng thẳng với vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2. Đây là tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn đầu tiên của Bình Nhưỡng với tầm bắn khoảng 2.000 km.
Tên lửa này được cho là phiên bản phóng trên đất liền được phát triển từ tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukguksong-1.
Ngày 6/3, Bình Nhưỡng phóng loạt 4 tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ tỉnh Bắc Pyongan, gần biên giới Trung Quốc. Tên lửa bay được khoảng 1.000 km và rơi xuống vùng biển Nhật Bản. Vụ phóng loạt tên lửa được cho là nhằm đáp trả cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Ngày 22/3, Bình Nhưỡng được cho là đã tiến hành một vụ phóng thử nhưng tên lửa phát nổ sau khi rời bệ phóng. Theo Business Insider, tần suất các vụ phóng không xác định được ngày càng tăng ở Triều Tiên. Trong ảnh, nhà lãnh đạo Kim Jong Un thăm một đơn vị quân đội.
Ngày 5/4, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung không xác định từ căn cứ hải quân Sinpo. Tên lửa được xác định rơi xuống vùng biển Nhật Bản. Vụ phóng diễn ra đúng vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang gặp nhau ở Florida, Mỹ.
Ngày 15/4, Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 (KN-17). Tên lửa được cho là phát nổ ngay khi vừa rời bệ phóng. Vụ thử nghiệm không thành công này diễn ra cùng ngày với cuộc diễu binh quy mô lớn kỷ niệm ngày sinh của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành.
Ngày 13/5, Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo Hwasong-12 gần bờ biển Nga. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết tên lửa bay được khoảng 30 phút trước khi rơi xuống biển.
Ngày 21/5, Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2. Đây là vụ thử nghiệm thứ 2 của tên lửa này trong năm nay. Nó bay được quãng đường khoảng 500 km. Một ngày trước vụ phóng, Bình Nhưỡng tuyên bố đang phát triển khả năng tấn công Mỹ bằng tên lửa hạt nhân.
Ngày 29/5, một tên lửa đạn đạo tầm ngắn Scud được phóng đi. Tên lửa đạt tầm bắn khoảng 450 km. Triều Tiên được cho là sở hữu nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn dòng Scud do Liên Xô cũ chế tạo.
Ngày 8/6, Triều Tiên lần đầu phóng thử 4 tên lửa hành trình chống hạm từ bệ phóng di động trên mặt đất. Loại tên lửa này được gọi là KN-09. Nó được phát triển cho nhiệm vụ phòng thủ bờ biển với tầm bắn khoảng 200 km.
Ngày 4/7, Bình Nhưỡng khiến cả thế giới sửng sốt khi tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14. Tên lửa đạt độ cao quỹ đạo 2.500 km và bay được quãng đường khoảng 930 km. Các chuyên gia ước tính rằng tên lửa có thể đạt tầm bắn từ 7.000-8.000 km, đủ khả năng tấn công Alaska, Hawaii và Seattle, nếu nó được phóng ở quỹ đạo tiêu chuẩn
.
Ngày 28/7, lần thứ 2 tên lửa Hwasong-14 được thử nghiệm. Tên lửa đạt độ cao quỹ đạo tới 3.724 km, nó bay được khoảng 47 phút trước khi rơi xuống vùng biển Nhật Bản. Quỹ đạo quy đổi của lần phóng này có thể đạt tới tầm bắn 10.000 km.
Ngày 29/8, Triều Tiên khiến người dân Nhật Bản hoảng loạn khi phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 bay qua nước này. Tên lửa bay qua vùng trời quần đảo Hokkaido và rơi xuống Thái Bình Dương. Nó đạt tầm bắn 2.700 km và rơi xuống vị trí cách khoảng 1.180 km về phía đông Hokkaido. Vụ phóng diễn ra không lâu sau lời đe dọa tấn công đảo Guam, căn cứ quân sự lớn nhất Mỹ ở Thái Bình Dương.
Ngày 15/9, Triều Tiên một lần nữa phóng tên lửa Hwasong-12 bay qua Nhật Bản. Tên lửa bay được quãng đường khoảng 3.700 km và rơi xuống phía đông Hokkaido, Nhật Bản. Đây là vụ phóng tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa nhất của Triều Tiên.
Ngày 29/11, Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo lớn chưa từng có. Tên lửa mới được gọi là Hwasong-15. Nó đạt độ cao quỹ đạo tới 4.500 km và bay được quãng đường 992 km. Nếu phóng ở quỹ đạo tiêu chuẩn, Hwasong-15 có thể đạt tầm bắn tới 13.000 km, đủ khả năng tấn công toàn bộ nước Mỹ.
Chuyên gia kỳ cựu về tên lửa nhận xét tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên có thể tấn công toàn bộ nước Mỹ nhưng mối đe dọa trực tiếp từ cuộc tấn công hạt nhân là không rõ ràng.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley ngày 29/11 cảnh báo chính quyền Triều Tiên sẽ bị “huỷ diệt hoàn toàn” nếu chiến tranh xảy ra, sau khi Bình Nhưỡng thử tên lửa xuyên lục địa mới.
Sau khi đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, ông Donald J. Trump dường như càng tự tin hơn vào trực giác cá nhân và ngày càng tuỳ hứng trong việc xây dựng nội các.