Vũ khí Nhật Bản khó tiếp cận thị trường thế giới do thiếu chiến lược cạnh tranh cụ thể. Ảnh: Aeroprints |
Năm 2014, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí được áp dụng từ sau khi Thế chiến II kết thúc. Tuy nhiên, theo Financial Times, đã 2 năm trôi qua, Nhật Bản vẫn chưa ký được hợp đồng xuất khẩu vũ khí nào ra nước ngoài.
Sau thất bại trước Pháp trong cuộc đấu thầu cung cấp 12 tàu ngầm cho Australia, các quan chức công nghiệp quốc phòng Nhật thừa nhận không có hợp đồng xuất khẩu vũ khí nào khả quan như kỳ vọng ban đầu rằng năng lực kỹ thuật của nước này có thể vượt qua các đối thủ.
Heigo Sato, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Takushoku ở Tokyo, cho biết thất bại tại Australia đã “mở mắt” cho công nghiệp quốc phòng cũng như các quan chức hoạch định chính sách của Nhật.
Những người liên quan trong việc xây dựng hồ sơ dự thầu cho rằng nước này thiếu một loạt các kỹ năng mềm. Tokyo không biết rõ những người nắm quyền sở hữu trí tuệ trong tàu ngầm. Họ không có hệ thống chia sẻ thông tin kỹ thuật mật với đồng minh, thiếu hệ thống kế toán dự án khách hàng để theo dõi chi phí.
Tàu ngầm lớp Soryu từng được kỳ vọng sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu đầu tiên của Nhật Bản. Ảnh: Seaforces |
Ông Sato cho rằng xuất phát điểm ban đầu của Nhật Bản trong bối cảnh chính trị và chiến lược sai lầm. Các quan chức Nhật Bản nghĩ rằng chỉ cần dựa vào uy tín của Thủ tướng Shinzo Abe là có thể tiến hành một thỏa thuận với Thủ tướng Australia Tony Abbott.
“Có những quan chức Nhật hành động như thể Australia là đối tác cấp dưới của Nhật ở Nam Thái Bình Dương. Đó sẽ là bài học cho những giao dịch trong tương lai”, ông Sato nói.
Thất bại trong đấu thầu tại Australia dẫn đến thiếu hụt các đơn hàng tiềm năng đối với Nhật Bản. Thỏa thuận tiềm năng bán thủy phi cơ US-2 cho Ấn Độ cũng đang lâm vào ngõ cụt.
Jack Midgley, giám đốc tư vấn quốc phòng chi nhánh Tokyo, thuộc Công ty tư vấn Deloitte, cho biết ý tưởng của Nhật Bản là dựa vào thế mạnh công nghệ để tham gia vào chuỗi cung ứng quốc phòng toàn cầu mà bỏ qua việc làm thế nào để tiếp cận chuỗi cung ứng từ sự cạnh tranh thực sự.
Mối quan hệ đối tác chiến lược với một quốc gia nào đó có thể đem lại triển vọng nhưng cần nhiều thời gian. Nhật đã đồng ý hợp tác với Pháp trong phát triển máy bay không người lái, với Anh trong chương trình tên lửa phòng không.
Phần thưởng thực sự đối với Tokyo là tham gia vào các chương trình quốc phòng tiên tiến của Mỹ. Các quan chức quốc phòng Nhật thừa nhận điều đó sẽ là cuộc đấu tranh thực sự để đưa mẫu thử nghiệm máy bay tàng hình X-2 vào một máy bay sản xuất. Họ kỳ vọng sẽ phát triển được một số công nghệ hấp dẫn cho một số đối tác.
“Trong một chương trình cụ thể, Mỹ phát triển rất xa so với chúng tôi và họ không cần chúng tôi ở thời điểm hiện tại. Sau khi chúng tôi tích lũy được một số kỹ năng, Mỹ sẽ là mục tiêu trong tương lai”, ông Sato nói.