Các cánh đồng tại Nhật bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán. Ảnh: Bloomberg. |
Trong những tháng gần đây, Nhật Bản phải đối phó với tình trạng thiếu gạo báo động nhất trong nhiều năm qua do thời tiết bất lợi và lượng du khách tăng vọt, cũng như nhiều hạn chế trong chính sách nông nghiệp của quốc gia này, CNBC đưa tin.
Khủng hoảng nguồn cung
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố vào tuần trước, nguồn cung gạo tại Nhật đã chạm đáy trong hơn 20 năm, song cầu lại vượt xa cung khiến kệ gạo trong các siêu thị, cửa hàng nước này luôn trong tình trạng trống trơn.
Giá gạo đã tăng lên 16.133 yen (112,67 USD) mỗi 60 kg trong tháng 8, tăng 3% so với tháng trước và tăng 5% so với đầu năm. Theo dữ liệu từ Bộ Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản (MFAA), tồn kho gạo tư nhân của nước này chỉ còn 1,56 triệu tấn vào tháng 6, mức thấp nhất kể từ năm 1999.
Chính phủ phải thuyết phục người dân không tích trữ gạo, tuy nhiên, người tiêu dùng Nhật Bản vẫn đang cố gắng tích trữ thêm gạo để chuẩn bị cho mùa bão và cảnh báo động đất lớn.
“Những người có tâm lý hoảng sợ đang mua nhiều gạo hơn số gạo họ có thể tiêu thụ. Nhưng tôi hiểu lý do tại sao”, bà Minami Ota, một người đi mua hàng ở phường Bunkyo, thành phố Tokyo, chia sẻ với Financial Times. Bà cho biết đã đi 4 cửa hàng trước khi mua được một túi gạo chất lượng thấp hơn so với loại bà thường mua.
Trong tháng 8, nhiều siêu thị tại Nhật thường xuyên cháy hàng gạo trắng dù giá tăng vọt. Do đó, các cửa hàng đã phải giới hạn mỗi người chỉ được mua một túi. Đài NHK nhận định tình trạng thiếu hụt một phần là do lượng du khách tăng cao, làm tăng nhu cầu tiêu thụ các món ăn làm từ gạo như sushi.
Lượng khách du lịch lớn dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thực phẩm như sushi tăng vọt. Ảnh: Claire Nolan. |
Theo Oscar Tjakra, chuyên gia phân tích cấp cao tại ngân hàng Rabobank, ước tính lượng gạo tiêu thụ bởi khách du lịch đã tăng từ 19.000 tấn trong giai đoạn tháng 7/2022-6/2023, lên 51.000 tấn giai đoạn tháng 7/2023-6/2024.
Dù mức tiêu thụ của du khách đã tăng hơn gấp đôi, con số này vẫn khá nhỏ so với tổng lượng gạo tiêu thụ nội địa của Nhật Bản, vốn vượt 7 triệu tấn hàng năm, Tjakra lưu ý.
Trong nửa đầu năm nay, Nhật Bản đã đón 17,8 triệu lượt khách du lịch, vượt xa số lượng trước đại dịch. Xu hướng này vẫn tiếp tục với 3,3 triệu lượt du khách trong tháng 7, mức cao nhất từng được ghi nhận theo thống kê du lịch Nhật Bản.
Ông Tjakra cũng cho rằng một phần lý do của tình trạng sụt giảm gạo tại Nhật là do nhiều nông dân lớn tuổi nghỉ hưu nhưng lại ít người trẻ tiếp nối sản xuất. Các đợt nắng nóng và hạn hán liên tục trong nửa cuối năm ngoái cũng ảnh hưởng đến mùa màng. Theo ước tính, khoảng 200.000 tấn gạo đã bị ảnh hưởng và không thể cung cấp ra thị trường.
Sai lầm của chính phủ
Dù sản lượng thu hoạch thấp và du khách tăng cao góp phần làm thiếu hụt gạo, ông Joseph Glauber, Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế cho biết chính sách liên quan gạo của Nhật Bản vẫn là yếu tố then chốt dẫn đến khủng hoảng tổng nguồn cung.
“Ngành kinh tế gạo của Nhật Bản vẫn phần lớn tách biệt với thị trường thế giới”, ông nhận định.
Theo ông Kazuhito Yamashita, một cựu quan chức cấp cao thuộc Bộ Nông nghiệp Nhật Bản và hiện là chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu toàn cầu Canon, nước này đánh giá thấp khả năng nguồn cung nội địa bị tổn thương bởi các cú sốc liên quan tới lương thực - thực phẩm.
“Chính sách giảm sản lượng gạo một cách có chủ đích nhằm hỗ trợ giá gạo đã đặt Nhật Bản vào một vị thế mà chỉ cần những thay đổi tương đối nhỏ về nguồn cung hay nhu cầu gạo cũng có thể gây ra những tác động tương đối nghiêm trọng”, ông Yamashita nhấn mạnh.
Ông cho rằng nếu theo đuổi chính sách khác, Nhật Bản lẽ ra có thể đã trở thành một siêu cường xuất khẩu gạo, với sản lượng gạo lớn gấp đôi, lượng dự trữ gạo khổng lồ và nắm giữ một vai trò toàn cầu trong việc đảm bảo an ninh lương thực.
Nhật Bản áp mức thuế 778% đối với gạo nhập khẩu để bảo vệ nông dân trong nước. Dù nước này cam kết nhập khẩu khoảng 682.000 tấn gạo mỗi năm theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), phần lớn gạo nhập khẩu được dùng cho chế biến và chăn nuôi, thay vì cho người tiêu dùng.
Xuất khẩu gạo từ Nhật Bản cũng đã tăng gấp 6 lần từ năm 2014 đến 2022, đạt gần 30.000 tấn, theo ông Tjakra.
Giá gạo tăng cao đã góp phần đẩy chỉ số lạm phát của Nhật Bản trong tháng 8 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá năng lượng và thực phẩm tăng cao. Giá gạo và socola là những yếu tố chính thúc đẩy lạm phát trong giỏ hàng thực phẩm.
“Nếu tình trạng này tiếp diễn, có khả năng Nhật Bản không thể đảm bảo được nguồn cung gạo ổn định trong tương lai”, nhà phân tích Daisuke Iijima của Teikoku nhận định.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.