Các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của hai nước dự kiến có các cuộc họp “hai cộng hai” ngày 30/3 để ký kết thỏa thuận nói trên, Nikkei Asia đưa tin.
Nhật Bản chỉ xuất khẩu thiết bị quốc phòng cho các quốc gia mà Nhật Bản đã ký thỏa thuận chuyển giao thiết bị và kỹ thuật quốc phòng. Các thỏa thuận đặt ra một số ràng buộc, chẳng hạn bên mua phải xin phép Tokyo nếu muốn bán lại thiết bị cho một bên khác.
Tính đến nay, Nhật đã ký thỏa thuận như vậy với 9 nước, bao gồm Mỹ, một số nước châu Âu và hai nước Đông Nam Á là Philippines và Malaysia.
Một thỏa thuận như vậy với Indonesia có thể gửi đi thông điệp về các nỗ lực của Nhật Bản với các nước trong khu vực nhằm chống lại đe dọa từ Trung Quốc. Tokyo được cho là đang cân nhắc bán nhiều thiết bị quân sự, trong đó có tàu.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi gặp người đồng cấp Indonesia Prabowo Subianto ngày 29/3. Ảnh: Kyodo. |
Trong quá khứ, Nhật Bản cấm xuất khẩu mọi thiết bị quốc phòng. Nước này dỡ bỏ một phần lệnh cấm sau khi đưa ra ba nguyên tắc: Cấm bán cho nước đang tham gia các cuộc xung đột, cho phép các thương vụ đóng góp vào hòa bình và an ninh của Nhật Bản, và yêu cầu phải xin phép Tokyo khi bán lại thiết bị cho một bên khác.
Thỏa thuận chuyển giao kỹ thuật quốc phòng là cơ sở pháp lý để nước tiếp nhận phải tuân theo ba nguyên tắc trên.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi gặp người đồng cấp Indonesia Prabowo Subianto ngày 29/3. Ông Kishi nói luật mới của Trung Quốc, trao quyền hạn rộng cho lực lượng hải cảnh, đang coi lực lượng này như một lực lượng quân sự và là thách thức cho luật pháp quốc tế.
Nhật Bản và Indonesia cũng đồng ý bảo vệ và củng cố trật tự trên biển tự do và mở, cũng như tổ chức tập trận chung ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia cho biết nước này đang đàm phán khả năng mua các thiết bị của Nhật Bản nhằm hiện đại hóa năng lực quốc phòng.