Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhặt bạc lẻ từ kinh doanh đồ gắn logo hàng không

Từ chăn, khăn giấy, đến đồ ăn nhẹ như sữa chua, trà, rượu,... hoặc khay ăn chuyên dụng gắn kèm logo hãng bay, nhiều cửa hàng ăn nên làm ra, dù giá mỗi món chưa tới 100.000 đồng.

Có sở thích dùng đồ hàng không, chị Viên, ở phố Dương Quảng Hàm, Hà Nội cho biết, từ lâu nhà chị chỉ dùng khăn giấy Vietnam Airlines vì mềm, dai và tiện dụng, vì được gấp sẵn. Việc mua khăn giấy này không khó, trên mạng, cửa hàng, thậm chí là trong các siêu thị gia đình cũng bán, với giá không cao so với khăn giấy thường.

Không chỉ khăn giấy, chăn nỉ, gần đây, chị còn tìm mua được một số thực phẩm đóng gói hoặc đồ dùng chuyên dụng dành cho các hãng hàng không trên mạng. Từ sữa chua đóng gói, mứt đóng lọ 100g, sữa tươi không đường 10g theo vỉ, đến dầu oliu, gia vị và khay ăn, tai phone chuyên dụng cũng được chào bán, với mức giá chưa đến 100.000 đồng/sản phẩm.

Một bộ dao dĩa in dập nổi logo hoa sen của Vietnam Airlines được rao bán với giá chỉ 25.000 đồng.
Một bộ dao dĩa in dập nổi logo hoa sen của Vietnam Airlines được rao bán với giá chỉ 25.000 đồng.

"Một phần vì thích sưu tập đồ dùng hàng không, nhưng một phần cũng vì cảm thấy chất lượng của các sản phẩm này rất tốt. Một chiếc nĩa inox mua ở chợ có giá khoảng 5.000 đồng, nhưng sản phẩm không sắc nét, có lỗi. Trong khi một bộ dao, muỗng đầy đủ 4 món của các hãng hàng không chỉ có giá 25.000 đồng, tính ra không đắt hơn bao nhiêu cả".

Theo khảo sát, trên các trang web và cửa hàng bán đồ dùng hàng không, ngoài các sản phẩm của Việt Nam còn có nhiều mặt hàng mang logo của các hãng bay ngoại, như Korea Airlines, China Airlines hay Eva Airlines. Một số loại đồ uống có cồn như vang Pháp dành cho khoang hạng nhất với chai đóng gói loại dưới 250ml cũng được rao bán với mức giá chỉ từ 35.000 - 80.000 đồng.

Từ bát ăn, khay ăn đến những món ăn vặt bán trên các chuyến bay cũng được săn mua nhiều. Giá của các món đồ tùy thuộc vào xuất xứ, cũng như việc nó được bán trên chặng bay nội địa hay quốc tế.
Từ bát ăn, khay ăn đến những món ăn vặt bán trên các chuyến bay cũng được săn mua nhiều. Giá của các món đồ tùy thuộc vào xuất xứ, cũng như việc nó được bán trên chặng bay nội địa hay quốc tế.

Chị Hòa, một người kinh doanh shop bán đồ hàng không và các loại hàng xách tay trên đường Giảng Võ, cho hay nếu là hàng trong nước thì được nhập trực tiếp tại các đơn vị cung cấp hàng cho hãng bay. Riêng các loại hàng nước ngoài thì có nhiều mối, chủ yếu qua đường xách tay hoặc do khách hàng cung cấp lại.

"Buôn đồ dùng có logo hàng không hầu như không sợ ế, dù số người biết đến dịch vụ này không phổ biến, bởi ai đã quen thì sẽ không dùng lại nữa. Điểm khó nhất của nghề này là nguồn cung không ổn định, lấy đồ dưới dạng xuất lẻ nên có nhiều sản phẩm không ghi hạn dùng, và chấp nhận mua bán từng món lẻ, có khi chỉ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng".

Tuy nhiên, theo tiết lộ của tiếp viên một hãng hàng không ở Việt Nam, những sản phẩm hàng không bán ngoài thị trường khó có thể là hàng của công ty cung cấp. Bởi hàng không và đường sắt có những quy định nghiêm ngặt về vật tư, đồng phục ngành. "Mỗi năm, tiếp viên hàng không hay đội bay sẽ được nhận một số lượng nhất định đồng phục như quần áo, khăn, tạp dề, mũ... Những đồ dùng này tuyệt đối không được bán lại hoặc cho người khác sử dụng", chị cho biết.

Đánh giá về nguồn gốc các loại hàng gắn logo hàng không đang được bày bán nhiều trên các trang mạng, chị này cho rằng, đây chắc chắn là hàng tuồn từ công ty ra, bởi số lượng thường rất ít, không đủ bộ; còn một số sản phẩm như chăn, gối... thì không chắc chắn, do loại này hoàn toàn có thể làm giả.

 

Hạ Minh

Bạn có thể quan tâm