Câu chuyện độc quyền trong sân bay được nêu trong buổi hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Hàng không dân dụng sửa đổi, do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức chiều 13/3.
Một trong những vấn đề được các đại biểu dự hội thảo nêu lên là chuyện độc quyền về giá trong hoạt động kinh doanh dịch vụ tại sân bay. Bà Nguyễn Minh Ngọc - đại diện của Sasco (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất) - kiến nghị không cần thiết phải tổ chức hiệp thương để quy định giá hoặc khung giá dịch vụ phi hàng không tại sân bay. Lý giải điều này, bà Ngọc nói hoạt động kinh doanh tại sân bay không có chuyện độc quyền nữa, toàn bộ hàng hóa đã được niêm yết công khai để khách hàng lựa chọn. Việc giá đắt hay rẻ phần nhiều phụ thuộc vào giá thuê mặt bằng kinh doanh. Lấy ví dụ về việc này, bà Ngọc nói: “Cùng là một bát phở, chất lượng như nhau, nhưng nếu bán ở vỉa hè chắc chắn giá phải khác giá ở trong một nhà hàng được đầu tư trang thiết bị đầy đủ, đồ dùng sạch đẹp”.
Hóa đơn in giá tiền của 2 tô phở gà là 256.000 đồng. |
Lý giải này của bà Ngọc ngay lập tức nhận sự phản đối của ông Trần Du Lịch. Ông Lịch khẳng định: “Giá bán hàng ở sân bay là giá cắt cổ”. Phân tích thêm về những nhận định của mình, đại biểu Trần Du Lịch nói: “Tôi đi xem giá bán hàng ở sân bay, nhận thấy rằng, hàng ăn uống được bán ở đây tương đương với giá của khách sạn 5 sao nhưng chất lượng thì bình dân. Một gói mì ở ngoài bán vài ngàn mà trong sân bay bán mấy chục ngàn đồng. Nếu không phải là câu chuyện độc quyền ở đây thì là gì?”, ông Trần Du Lịch đặt câu hỏi.
Một vấn đề khác cũng được các đại biểu quan tâm và bàn luận, đó là việc quy định chặt chẽ về mặt luật pháp để tránh trường hợp “lọt” những lô hàng cấm qua đường hàng không. Nói về vấn đề này, bà Trần Thụy Minh - Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam đề nghị bổ sung quy định: “Hãng hàng không khi chấp nhận vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp giao nhận hàng hóa thì phải yêu cầu doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp, do Cục Hàng không Việt Nam cấp”.
Theo bà Minh, có rất nhiều doanh nghiệp gom hàng từ nhiều chủ hàng và đứng tên trên vận đơn chính khi làm thủ tục gửi hàng với hãng hàng không, mà không xuất đơn vận hàng không thứ cấp. Hầu hết doanh nghiệp này không đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp với Cục Hàng không Việt Nam theo quy định. Việc không xuất vận đơn hàng không thứ cấp cho chủ hàng mà chỉ xuất chứng từ là chưa hoàn toàn đúng quy định, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình kiểm soát, phát hiện vi phạm.
Bà Minh cho biết, thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp hàng nguy hiểm được gửi trong lô hàng gom, rất khó phát hiện. Nhân viên tiếp nhận và làm thủ tục gửi hàng cho doanh nghiệp giao nhận hàng hóa lại không được đào tạo chứng chỉ cơ bản về hàng nguy hiểm, nên không xác định được hàng nguy hiểm khi tiếp nhận hàng hóa để chung trong lô hàng gom.
Kết thúc buổi hội thảo, ông Trần Du Lịch còn nán lại phân tích thêm những khía cạnh còn hạn chế của ngành hàng không hiện nay và khẳng định rằng: “Phải đưa ra Quốc hội họp để cụ thể hóa bằng luật”, ông Lịch nói.