Gặp khó khăn khi thực hiện việc cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh là ý kiến của đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Nai tại hội thảo “Đánh giá tình hình 7 năm thực hiện Luật Xuất bản năm 2012” khu vực phía Nam.
Hội thảo do Cục Xuất bản, In và Phát hành (Cục Xuất bản), Bộ Thông tin và Truyền thông, tổ chức ngày 9/6 tại TP.HCM.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Chí Hùng. |
Khó quản lý xuất bản phẩm không kinh doanh
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Nai dẫn khoản 5 điều 41 Luật Xuất bản quy định: “Trường hợp phát hiện xuất bản phẩm đề nghị nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam, cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản có quyền từ chối cấp giấy phép nhập khẩu hoặc yêu cầu cơ quan tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nhập khẩu cung cấp một bản xuất bản phẩm để tổ chức thẩm định nội dung làm cơ sở cho việc quyết định cấp giấy phép nhập khẩu”.
Quy định cấp giấy phép nhập khẩu những xuất bản phẩm không kinh doanh trên cơ sở hồ sơ của cơ quan, tổ chức, cá nhân gồm đơn đề nghị, danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu. Nhưng việc cấp giấy phép chỉ dựa vào danh mục thường không thể phát hiện hay nhận biết được dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thực tế đã có trường hợp sau khi cấp phép, xuất bản phẩm đã nhập khẩu về rồi mới phát hiện có vấn đề.
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Nai đề nghị cơ quan quản lý nghiên cứu quy định tất cả xuất bản phẩm đề nghị nhập khẩu đều được thẩm định nội dung.
Các cơ quan cũng nên quy định thời gian thẩm định cần ngắn lại (theo luật hiện hành việc thành lập hội đồng thẩm định mất 15 ngày, thời gian thẩm định 9 ngày đối với từng xuất bản phẩm) để không gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức và không tăng thêm chi phí không cần thiết.
Đồng thời, quy định mức chi phí thẩm định nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu, trong đó quy định rõ chủ thể chịu trách nhiệm chi trả phí thẩm định.
Ông Lê Văn Khánh, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương, cũng chia sẻ quan điểm trên và đề nghị cơ quan quản lý phải thẩm định tất cả xuất bản phẩm nhập khẩu.
Bà Nguyễn Thị Phụng, đại diện Công ty FAHASA kiến nghị cơ quan quản lý có quy định cụ thể với loại hình xuất bản, phát hành điện tử. Ảnh: Chí Hùng. |
Nên quy định cụ thể xuất bản, phát hành điện tử
Ông Lê Văn Tròn, Chủ tịch Hội In TP.HCM, cho hay với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, hoạt động xuất bản và phát hành có dấu hiệu chuyển dần từ truyền thống sang hoạt động trực tuyến trên môi trường mạng Internet.
Do đó, ông kiến nghị Bộ hướng dẫn chi tiết và phân định rõ hoạt động xuất bản, phát hành trên môi trường mạng Internet và hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử.
Bà Nguyễn Thị Phụng, đại diện Công ty Cổ phần Phát hành sách TP.HCM (FAHASA), cũng kiến nghị cơ quan quản lý cần xác định rõ ràng “xuất bản điện tử” và “xuất bản phẩm điện tử” để không gây khó khăn trong việc cấp phép xuất bản tài liệu không kinh doanh.
Bà cho hay thực tế đã có việc các cá nhân tổ chức muốn đưa xuất bản phẩm lên trang thông tin điện tử, mạng xã hội nhưng chưa rõ việc quản lý, cấp phép như thế nào.
Bà Phụng nhận định xuất bản điện tử là tương lai của ngành xuất bản. Do vậy, việc điều chỉnh quy định pháp luật liên quan xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử rất cần thiết để hỗ trợ và tạo điều kiện cho loại hình này phát triển.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành, Chủ tịch NXB Tổng hợp Đà Nẵng, lo ngại vấn đề bản quyền khi phát triển xuất bản ấn phẩm điện tử. Ông cho rằng ứng dụng sự tiến bộ của công nghệ thông tin và trong xuất bản, phát hành, đó là xu thế phát triển tương lai. Nếu chúng ta không đưa những vấn đề này vào Luật Xuất bản, sẽ là thiếu sót lớn.
Ông Nguyễn Nguyên chủ trì hội thảo và ghi nhận những kiến nghị, đóng góp của các cơ quan, đơn vị. Ảnh: Chí Hùng. |
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, đánh giá cao những tham luận, ý kiến của các đơn vị xuất bản, in ấn, phát hành. Cục Xuất bản sẽ tiếp thu, ghi nhận để trình lên cơ quan cấp trên.
Đối với những vấn đề thuộc Cục Xuất bản, ông Nguyên cho hay sẽ nghiêm túc tiếp thu và có điều chỉnh, đặc biệt về các thủ tục hành chính trong xuất bản và thời gian giải quyết thủ tục.
“Thời gian tới, về mặt thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, cấp phép đăng ký xuất bản, chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết tốt hơn để đảm bảo quyền lợi của các đơn vị. Với các kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản, chúng tôi sẽ tiếp thu và đưa vào báo cáo sắp tới”, ông Nguyễn Nguyên nói.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, đánh giá cao những đóng góp của các đơn vị, đặc biệt là dự báo có ý nghĩa quan trọng đối với ngành xuất bản, phát hành.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho biết Cục Xuất bản tiếp tục khảo sát, lấy ý kiến các đơn vị về quá trình thực hiện Luật Xuất bản.
“Những vấn đề cấp bách trong lĩnh vực in, xuất bản được các đơn vị nêu ra mà có thể chỉnh sửa được trong thẩm quyền của Bộ thì Bộ sẽ sửa trong thời gian sớm nhất. Nhưng có vấn đề phải thực hiện thí điểm, làm từng bước, sau đó sẽ tổng kết và đưa vào luật sau”, ông Bảo nói.