B.D.H bị học viên tố cáo quảng cáo giả mạo để bán khóa học. Ảnh: M.D. |
Trao đổi với Tri Thức - Znews, bà Nguyễn Thị Thu Nhi, người làm nội dung đa nền tảng, cho biết bản thân bị mạo danh, lợi dụng tên tuổi cho mục đích bất chính. Người tên B.H.M. tự xưng là thầy của Nhi và nhiều TikToker nổi tiếng khác, để tăng uy tín, bán các khóa học dạy bán hàng trực tuyến, làm nội dung trên mạng.
Nhiều học viên của M. bất ngờ khi biết những thông tin mà người này quảng cáo là sai sự thật. Trong đó, có những trường hợp đã đóng học phí đến trăm triệu đồng.
Nhận vơ học trò
“Tôi được người quen gắn thẻ vào một bài viết trên Facebook của M. Nội dung người đó chia sẻ hoàn toàn sai sự thật, tôi chưa bao giờ là học trò của anh ta”, bà Nhi trả lời Tri Thức - Znews. Bà Thu Nhi vốn là nhà sáng tạo nội dung có tiếng, với lượng người theo dõi hơn 2 triệu trên các nền tảng.
Sau khi bị tố giác hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, B.H.M. đổ lỗi do người đăng bài, là một nhân viên khác thực hiện.
Bài đăng quảng cáo sai sự thật của B.H.M., hiện đã bị xóa. Ảnh: M.D. |
Tuy nhiên, nhiều học viên từng tham gia các khóa học của M. khẳng định đây không phải sai sót khi sử dụng mạng xã hội. “Trong quá trình trao đổi, M. nhiều lần nhắc đến các TikToker nổi tiếng như Thu Nhi. Anh ta khoe rằng những bạn đó đều là học viên của mình”, ông Triệu Diên, ngụ tại TP Hà Nội, từng tham gia lớp của M.D.H, cho biết.
P.N., một cựu học viên khác của M., cũng chia sẻ điều tương tự. “Ngoài Thu Nhi, B.H.M. còn nói rằng nhiều nhà sáng tạo nội dung khác ở mảng quay phim, chụp ảnh, bán hàng đều từng tham gia các khóa học của anh ta. M. còn kể những câu chuyện không có thật, để tạo dựng lòng tin của tôi và các bạn khác, dụ dỗ mua khóa học. Mãi đến gần đây tôi mới biết tất cả là bịa đặt”, N. nói thêm.
Học phí trăm triệu đồng để làm TikTok
Là người mở lớp dạy làm video, quảng cáo, bán hàng, tuy nhiên B.H.M. không có thành tựu rõ ràng ở mảng này. Theo các cựu học viên, M. dụ dỗ người tham gia khóa học bằng những câu chuyện giả mạo về người nổi tiếng.
“Anh ta rất biết cách thao túng và bịa đặt câu chuyện cho hợp lý. Ngoài việc tìm cớ chụp ảnh chung, B.H.M. còn giả vờ nháy máy cho các nhân vật anh ta nhắc tên, để họ gọi lại rồi chụp màn hình. Nhờ vậy mà lấy uy tín với học viên”, ông Diên kể lại.
Lời quảng cáo của B.H.M. khi kêu gọi người tham gia khóa học kiếm tiền. Ảnh: M.D. |
Theo lời kể của học viên, các bài tập B.H.M. đưa ra là làm video ca ngợi, quảng cáo lớp của người này, đăng lên mạng xã hội để thu hút thêm thành viên. Mặt khác, M. còn hạ thấp, chê trách trình độ, khả năng tiếp thu của người tham gia, nhằm dụ dỗ tiếp tục mua thêm khóa học.
Chi phí những chương trình B.H.M. dạy cũng không rẻ. “Nếu mua lẻ, giá một tháng là 18 triệu đồng. Tôi mua một chu trình 3 tháng, giá 38 triệu đồng. Sau đó, M. còn lôi kéo mua thêm các khóa khác, lớp kỹ năng riêng… Tổng số tiền tôi trả cho M. là hơn 60 triệu đồng. Đến lúc dừng học, tôi thật sự không còn tiền để trả thêm”, P.N. cho biết.
Ngoài ra theo N., B.H.M. còn bán các gói theo năm cho doanh nghiệp, người Việt ở nước ngoài, giá 120 triệu đồng. “Một số học viên thấy không hiệu quả, muốn hủy gói đăng ký sau 1-2 tháng tham gia, nhưng M. không trả lại tiền”, N. nói thêm.
Sau khi bị tố giác, B.H.M., đã khóa trang Facebook, TikTok cá nhân. Tuy nhiên, người này vẫn âm thầm đăng video trên YouTube. Phóng viên đã liên hệ M. để xác minh thông tin, nhưng không nhận được phản hồi.
Trong khi đó, Thu Nhi cùng một số học viên cũ của B.H.M. cho biết đang làm đơn tố giác hành vi mạo danh, lừa đảo để nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng.
Cuốn sách phơi bày mặt tối của Facebook
"Broken Code" của Jeff Horwitz dựa trên hơn 25.000 trang tài liệu nội bộ, tiết lộ những tranh cãi, xung đột bên trong Facebook cùng tác động khôn lường của nó đến nhân loại. Tác giả tập trung vào những biến động dữ dội của mạng xã hội lớn nhất hành tinh trong những năm gần đây.