Nhiều thành viên của Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã quá độ tuổi nghỉ hưu chính thức là 68. Do đó, họ nhiều khả năng sẽ nghỉ hưu sau Đại hội XX của đảng Cộng sản Trung Quốc - được tổ chức vào cuối năm nay - nếu quy tắc trên vẫn được áp dụng.
Giờ đây, mọi ánh mắt sẽ hướng về ông Tập - người được cho sẽ tiếp tục tại vị sau đại hội. Lựa chọn của ông cho những vị trí lãnh đạo mới của Quân ủy Trung ương Trung Quốc sẽ phần nào hé lộ định hướng của quân đội nước này trong tương lai.
Theo giới phân tích, những người được chọn cần có đủ hai yếu tố: Kinh nghiệm và sự trung thành về mặt chính trị, theo South China Morning Post.
Cơ quan quân sự hàng đầu
Quân ủy Trung ương Trung Quốc bao gồm 7 thành viên, bao gồm cả ông Tập. Cao tuổi nhất là hai Phó chủ tịch Hứa Kỳ Lượng và Trương Hựu Hiệp, sẽ cùng 72 tuổi khi đại hội đảng diễn ra. Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa sẽ 68 tuổi, trong khi tuổi của Tổng tham mưu trưởng Lý Tác Thành sẽ là 68 hoặc 69, tùy vào ngày tổ chức đại hội.
Chỉ có Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Miêu Hoa và Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân ủy Trung ương Trương Thăng Dân đủ tuổi để công tác thêm một nhiệm kỳ.
Trong số sáu tướng lĩnh là ủy viên Quân ủy Trung ương Trung Quốc nhiệm kỳ này, bốn người đã đến tuổi nghỉ hưu. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Danh sách ủy viên Quân ủy Trung ương sẽ được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc bổ nhiệm ngay trong hội nghị đầu tiên sau đại hội.
Cơ cấu quân ủy như hiện nay chỉ được thiết lập từ năm 2017, sau khi Trung Quốc cải cách toàn diện quân đội. Do đó, việc dự đoán các ủy viên sẽ được bầu trong đại hội tới là điều không đơn giản. Dù vậy, danh sách tướng lĩnh được thăng chức trong quá khứ có thể đưa ra gợi ý.
Những người được bầu thường là các thượng tướng quân đội đang là ủy viên hoặc ủy viên dự khuyết trung ương đảng, ưu tiên những người đứng đầu cấp chiến khu hoặc quân chủng. Dù vậy, các sĩ quan mang quân hàm trung tướng cũng có thể được bầu - như tướng Ngụy Phượng Hòa năm 2012 hay tướng Trương Thăng Dân năm 2017.
Dù vậy, tiến sĩ Li Nan tại Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho rằng điều này khó có thể lặp lại khi ông Tập đã chuẩn bị cho thay đổi trong thành phần quân ủy.
“Lần trước diễn ra vào thời điểm thay đổi thể chế quan trọng”, ông Li đề cập đến cuộc cải cách quân đội. “Năm năm trước, ông Tập Cận Bình chưa được chuẩn bị. Ông không có mạng lưới quan hệ trong quân đội”.
Giới chuyên gia đánh giá ông Tập có thể sẽ thăng chức cho những người ông từng làm việc cùng trước đây. Trong sự nghiệp hoạt động chính trị, ông đã xây dựng quan hệ với nhiều sĩ quan, tướng lĩnh hàng đầu. Ngoài ra, ông cũng thừa hưởng một số quan hệ từ người cha Tập Trọng Huân - lãnh đạo lão thành của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhiều quan chức từ tập đoàn quân số 31 của lục quân Trung Quốc - nay đã được tái cơ cấu thành tập đoàn quân số 73 - đã được thăng chức. Đơn vị này đóng tại tỉnh Phúc Kiến, nơi ông Tập công tác từ năm 1985 tới năm 2002.
Các ứng viên sáng giá
Hai vị tướng Miêu Hoa và Trương Thăng Dân - những người đã có chân trong Quân ủy trung ương - được cho là có nhiều khả năng được thăng chức lên phó chủ tịch nhất.
Ông Miêu được coi là nhân vật thân cận với ông Tập và từng là Chủ nhiệm chính trị tập đoàn quân số 31 năm 1999, khi ông Tập vẫn ở Phúc Kiến. Sau đó, ông trở thành chính ủy Hải quân Trung Quốc và hiện mang quân hàm đô đốc.
Ông Tập Cận Bình nói chuyện với các quân nhân là đại biểu Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc năm 2014. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Giống như ông Miêu, sự nghiệp của ông Trương cũng gắn với hệ thống chính trị trong quân đội Trung Quốc. Ông từng công tác nhiều năm tại Tổng cục Chính trị, trước khi chuyển sang lực lượng tên lửa, rồi trở lại các đơn vị thuộc Quân ủy trung ương.
Tuy vậy, tiến sĩ Li tại NUS nhận định có khả năng một trong hai người sẽ không được thăng chức phó chủ tịch Quân ủy trung ương vì quân đội Trung Quốc có truyền thống để ít nhất một người từ lục quân nắm giữ vị trí này.
Thay vào đó, vị chuyên gia cho rằng ông Miêu sẽ được thăng chức cùng với Tư lệnh Lục quân Lưu Chấn Lập. Trong khi đó, với vị trí mang tính chuyên biệt là lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân ủy Trung ương Trung Quốc, ông Trương sẽ không được đề bạt.
Bên cạnh đó, ông Lưu năm nay mới 58 tuổi - do đó có khả năng công tác thêm hai nhiệm kỳ.
Ông Lưu nhập ngũ năm 1983 và công tác nhiều năm tại quân khu Bắc Kinh. Tháng 7/2015, ông được điều làm tham mưu trưởng lực lượng cảnh sát vũ trang - vị trí ông chỉ nắm giữ 6 tháng, trước khi trở thành tham mưu trưởng lục quân. Ông được bầu vào trung ương đảng năm 2017 và được thăng chức tư lệnh lục quân, thăng quân hàm thượng tướng năm 2021.
Giống như tướng Trương Hựu Hiệp, ông Lưu cũng từng có kinh nghiệm thực tế trên chiến trường.
“Điểm yếu duy nhất của Lưu Chấn Lập là ông không đến từ Chiến khu Đông bộ. Thường những người đến từ đây có cơ hội lớn hơn vì họ có thể quen biết ông Tập”, ông Li nhận định.
Những ngôi sao đang lên
Trong khi đó, ông Lương Quốc Lương, nhà bình luận quân sự tại Hong Kong, chỉ ra Tư lệnh Chiến khu Đông bộ Lâm Hướng Dương cũng có khả năng trở thành phó chủ tịch Quân ủy trung ương mới. Ông Lâm từng công tác tại tập đoàn quân số 31 khi ông Tập ở Phúc Kiến. Năm 2021, ông được phong hàm thượng tướng, chỉ một năm sau khi nhận quân hàm trung tướng.
Theo vị chuyên gia, các cuộc tập trận của Chiến khu Đông bộ nhằm phản ứng trước chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan có thể giúp ông Lâm “ghi điểm” thêm. Nếu không trở thành phó chủ tịch Quân ủy trung ương, ông cũng là ứng viên sáng giá đảm nhận chiếc ghế tham mưu trưởng của tướng Lý Tác Thành.
Thiết giáp Trung Quốc tập trận tại Phúc Kiến hôm 14/8. Ảnh: Reuters. |
“Ông Lưu và ông Lâm là hai trong số các ‘ngôi sao quân sự đang lên’ được ông Tập tin tưởng”, ông Lương nói.
Tiến sĩ Li cho rằng việc ai sẽ là bộ trưởng Quốc phòng mới của Trung Quốc là câu hỏi khó trả lời hơn. Vị trí này hoàn toàn có thể thuộc về một vị tướng ít được biết đến - dù Tư lệnh Hải quân Đổng Quân cũng được coi là một ứng viên.
Nếu ông Ngụy thôi giữ cương vị này, vị bộ trưởng mới sẽ nhậm chức trong thời điểm khó khăn khi quan hệ quân sự Mỹ - Trung rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Sau khi bà Pelosi thăm Đài Loan, Trung Quốc đã tuyên bố hủy một số cơ chế trao đổi và hợp tác với Mỹ - bao gồm liên lạc ở cấp tư lệnh chiến khu và cơ chế tham vấn an toàn trên biển.