Để đáp trả chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan, quân đội Trung Quốc đã tập trận bắn đạn thật ở quy mô lớn quanh đảo Đài Loan - bao gồm cả các khu vực chồng lấn với vùng lãnh hải được Đài Bắc tuyên bố. Cuộc tập trận ban đầu dự kiến diễn ra trong ngày 4-7/8 nhưng sau đó đã được nối dài thêm.
Theo thông tin từ báo chí Trung Quốc, tất cả quân chủng của quân đội Trung Quốc tham gia vào cuộc tập trận, từ lục quân, hải quân, không quân, tên lửa tới lực lượng chi viện chiến lược. Một số trang thiết bị hiện đại hàng đầu của quân đội Trung Quốc như tiêm kích J-20 hay máy bay tiếp dầu Y-20U cũng được sử dụng.
Theo các nhà phân tích quân sự, các cuộc tập trận vừa qua cho thấy Trung Quốc đã đạt được các bước tiến trong tác chiến hiệp đồng quân binh chủng - yếu tố cốt yếu của tác chiến hiện đại.
Các ý kiến đánh giá Trung Quốc vẫn chưa tích lũy đủ tiềm lực quân sự toàn diện, nhưng hoàn toàn có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng cho đối phương.
Trung Quốc thể hiện
Theo giáo sư M. Taylor Fravel, chuyên gia về quân sự Trung Quốc tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ), các cuộc tập trận được coi là thành công một phần với Chiến khu Đông bộ của quân đội Trung Quốc - lực lượng chịu trách nhiệm ở hướng Đài Loan - vốn được thành lập năm 2016 nhằm tăng cường năng lực tác chiến hiệp đồng.
Ông cũng chỉ ra đây là một trong số lần hiếm hoi Trung Quốc cung cấp thông tin tập trận chi tiết đến vậy.
Một màn hình cỡ lớn tại Bắc Kinh phát bản tin về cuộc tập trận. Ảnh: Reuters. |
“Năng lực hiệp đồng quân binh chủng quanh Đài Loan là nhân tố thúc đẩy Trung Quốc hiện đại hóa lực lượng và chiến lược quân sự trong hơn hai thập kỷ qua”, vị chuyên gia nói. “Chúng ta không nên bất ngờ với những gì quân đội Trung Quốc đang làm, cách thức thực hiện hay thành quả của họ”.
Với việc quân đội Trung Quốc đã không tham chiến hàng chục năm, cuộc tập trận được coi là đợt diễn tập quy mô lớn cho mọi hoạt động quân sự trên eo biển Đài Loan, một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất hiện nay trên thế giới. Sự kiện lần này cho thấy quyết tâm của Trung Quốc để trở thành lực lượng quân sự hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Giới chức quốc phòng Mỹ cho biết họ sẽ mất nhiều tuần để phân tích thông tin thu được khi quan sát cuộc tập trận, bao gồm cách hải quân nước này vận hành và chỉ huy tàu khi hiệp đồng với không quân.
Theo tổ chức Sáng kiến Nhận thức Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI - Trung Quốc), Mỹ đã điều nhiều loại máy bay giám sát và trinh sát như RC-135, P-8 và E-3, cũng như máy bay tiếp dầu KC-135 tới hoạt động. Bên cạnh theo dõi từ trên không, Mỹ cũng bố trí nhóm tàu USS Ronald Reagan gần khu vực tập trận.
Phó giáo sư Christopher Twomey, chuyên gia về an ninh quốc gia tại Học viện Sau đại học của Hải quân Mỹ, cho rằng Mỹ có thể thu được các thông tin tình báo hữu ích từ các cuộc tập trận - bao gồm cách các đơn vị tên lửa phối hợp với nhau, cũng như đánh giá sức công phá từ các cuộc tấn công - qua chặn bắt tín hiệu liên lạc.
“Qua các nguồn tin mật, cộng đồng tình báo Mỹ đã có nhiều thông tin từ các hoạt động này về các năng lực chi tiết hay thực tiễn vận hành”, ông Twomey nói.
Tín hiệu từ Bắc Kinh
Giới quan sát quân sự chỉ ra rằng dù sử dụng các loại vũ khí, khí tài tối tân, Trung Quốc không “trình làng” các vũ khí chưa từng được biết tới. Một số người cũng chỉ ra Bắc Kinh không điều động đội tàu đủ để chứng minh họ có thể ngăn chặn các tuyến giao thông đường thủy tới Đài Loan.
Thay vào đó, họ sử dụng các tàu khu trục và tàu tuần dương - vốn không phải lựa chọn thích hợp cho một cuộc phong tỏa, theo giới chuyên gia hải quân. Theo chuyên gia Bryan Clark tại Viện Hudson (Mỹ), Bắc Kinh đã không sử dụng đủ khinh hạm nhỏ và linh hoạt hơn, qua đó thích hợp hơn với phong tỏa.
Tên lửa Trung Quốc được phóng đi trong cuộc tập trận. Ảnh: Tân Hoa xã. |
“Điều chúng ta thấy từ tập trận là Trung Quốc không sử dụng đủ tàu để chuyển hướng các tàu đi tới, giám sát, bắt giữ tàu và cắt đường tiếp cận tới các cảng của Đài Loan”, ông Clark nói. “Sự kiện lần này giống như cuộc phô diễn hơn là thể hiện họ có thể phong tỏa hoàn toàn Đài Loan. Dù vậy, đối với Trung Quốc, bước đầu này vẫn rất tốt”.
Các chuyên gia về quân sự Trung Quốc cũng chỉ ra cuộc tập trận chưa phải là diễn tập toàn diện cho một cuộc tấn công khi dường như lực lượng đổ bộ - vốn đóng vai trò thiết yếu trong cuộc tấn công - chưa được huy động.
Thay vào đó, đây dường như là sự chuẩn bị cho kịch bản Bắc Kinh thể hiện quyết tâm, cựu sĩ quan tàu ngầm Mỹ Thomas Shugart, người cũng là chuyên gia tại Trung tâm vì An ninh mới cho nước Mỹ (CNAS), nhận định.
Ông Shugart cũng chỉ ra việc Trung Quốc lần đầu tập trận trong vùng biển mà Đài Loan tuyên bố cho thấy mức độ chấp nhận rủi ro của Bắc Kinh đã gia tăng. Dù vậy, chỉ trong trường hợp Đài Loan và Mỹ phản ứng mạnh, năng lực tác chiến của quân đội Trung Quốc mới vấp phải “bài kiểm tra” thực sự.
“Trung Quốc lo ngại về xu thế trong quan hệ Mỹ - Đài. Họ cho rằng Mỹ đang rời xa các cam kết trong thập niên 1970 - và đã được mọi chính quyền từ thời điểm đó khẳng định - rằng Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập”, ông Twomey nói. “Họ đang sử dụng công cụ quân sự để truyền đạt rằng sự chuyển hướng chính sách của Mỹ sẽ gây ra hậu quả về mặt quân sự”.