Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhân loại trước nan đề: Chống biến đổi khí hậu hay nuôi sống dân số?

Nhiều vấn nạn đang đe dọa nhân loại như nóng lên toàn cầu và an ninh lương thực cho 10 tỷ người trong tương lai. Nhưng tình thế nguy cấp tới mức không thể giải quyết mọi vấn đề.

Nếu giữ đà phát triển hiện nay và không thay đổi, nhân loại như đang “mộng du” gần hơn tới bờ vực.

Từ biến đổi khí hậu, tuyệt chủng hàng loạt một số loài, cho đến viễn cảnh không đủ lương thực cho 10 tỷ dân vào năm 2050 - những vấn đề lớn chưa từng có đang cùng đe dọa thế giới.

Giải pháp cho những vấn đề nói trên cũng có quy mô chưa từng có, thậm chí có vẻ không tưởng. Các nhà khoa học đã “suy đi tính lại” với các mô hình, và không thay đổi được kết luận. Để giải quyết các vấn nạn trên, nhân loại cần phải “trưng dụng” một diện tích đất khổng lồ nhiều triệu km2 để trồng cây, rộng hơn toàn bộ nước Mỹ (không chừa Alaska).

Nếu giải pháp “trên trời” trên chưa đủ gây sốc, giới khoa học mới đây còn cho rằng những vấn nạn nói trên đã đi quá xa, đến mức dù có kiếm được diện tích bằng nước Mỹ để trồng cây, nhân loại cũng sẽ không giải quyết hết. Chúng ta sẽ phải chọn lựa, đánh đổi một cách đầy khó khăn: nên giải quyết sự nóng lên toàn cầu để tránh thời tiết cực đoan, thiên tai hoành hành, hay vấn đề an ninh lương thực, tránh cho hàng trăm triệu người bị chết đói?

Những đánh đổi đầy khó khăn khi nhân loại đứng trước “bờ vực” này là nội dung chính trong đánh giá mới đây của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), được coi là đánh giá khoa học đầy đủ nhất về liên hệ giữa biến đổi khí hậu và cách thức sử dụng đất.

nong len toan cau anh 1
Các đợt cháy rừng tại California những năm qua xuất hiện với mật độ ngày càng dày đặc và quy mô tăng dần. Ảnh: AP.

Bên bờ vực không thể đảo ngược của biến đổi khí hậu

Năm ngoái, IPCC đã chỉ ra rằng nhân loại phải giữ mức tăng nhiệt độ so với mức tiền công nghiệp trong khoảng dưới 1,5 độ C. Vượt qua ngưỡng nhiệt này, nhân loại sẽ đứng trước hàng loạt hiện tượng khí hậu cực đoan như hạn hán, cháy rừng, lũ lụt. Hàng trăm triệu người có thể rơi vào cảnh thiếu lương thực.

Nhiệt độ bề mặt Trái Đất đã tăng 1 độ C so với mức tiền công nghiệp, đủ để gây ra thời tiết cực đoan và khiến nước biển dâng làm ngập các thành phố lớn vào năm 2100, theo AFP.

Để không vượt ngưỡng 1,5 độ C, thế giới phải trở nên “carbon trung tính” (tức lượng carbon phát thải cân bằng với lượng carbon loại bỏ khỏi khí quyển) trong vòng ba thập kỷ.

nong len toan cau anh 2
Biến đổi khí hậu nếu không được kìm hãm sẽ làm ngập các thành phố lớn vào năm 2100. Ảnh: Getty Images.

Dù vậy, năm 2018 vẫn ghi nhận con số kỷ lục 41,5 tỷ tấn khí CO2 được thải vào bầu khí quyển và khiến Trái Đất nóng lên - lượng khí thải này cao hơn kỷ lục năm ngoái 2%.

Cứ đà này, chỉ trong vòng 16 năm, nhân loại sẽ “dùng” hết lượng carbon được phép thải ra nếu muốn đạt mục tiêu 1,5 độ C của IPCC.

Một đứa trẻ mới sinh ra trong năm nay thậm chí còn chưa tốt nghiệp cấp 3 sau khoảng thời gian ngắn ngủi này. Nếu bạn ngoài 20 tuổi khi đọc những dòng này, khi biến đổi khí hậu bước qua ngưỡng không thể đảo ngược, bạn mới chỉ gần 40.

nong len toan cau anh 3
Mexico City là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Cứ đà phát thải hiện nay, chỉ trong vòng 16 năm, nhân loại sẽ “dùng” hết lượng carbon được phép thải ra nếu muốn đạt mục tiêu 1,5 độ C của IPCC. Ảnh: Reuters.

Hai ý tưởng tham vọng tốn diện tích đất khổng lồ

Cắt giảm lượng khí thải carbon (từ nhà máy, từ giao thông...) là cách hiển nhiên nhất để ngăn chặn kìm hãm biến đổi khí hậu, nhưng giải pháp này giờ không còn kịp nữa, trừ khi nhân loại chấp nhận sự sụp đổ kinh tế toàn cầu.

Thực tế này dẫn đến hai ý tưởng vô cùng tham vọng, bao phủ hàng triệu km2 đất với cây xanh hấp thụ CO2, được nhắc đến trong báo cáo của IPCC.

Đa số các mô phỏng trong đó Trái Đất đạt mục tiêu 1,5 độ C đều gồm hai bước: trồng các loại cây có thể tạo ra nhiên liệu sinh học (để thay thế nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than phát tải nhiều carbon), và tìm cách thu giữ lượng carbon thải ra khi biến các loại cây này thành năng lượng.

nong len toan cau anh 4
Ảnh chụp vệ tinh năm 2016 cho thấy một phần lớn diện tích Bắc Băng Dương không còn đóng băng. Ảnh: NASA.

Ý tưởng đầu tiên dựa vào sự hứa hẹn của công nghệ tạo “năng lượng sinh học kèm thu hồi và lưu giữ carbon” (bioenergy with carbon capture and storage - BECCS). Đây là quá trình tạo năng lượng từ nhiên liệu sinh khối (biomass), tức các phế phẩm từ nông nghiệp (rơm rạ, vỏ), lâm nghiệp (vụn gỗ), hay chăn nuôi.

Theo ý tưởng này, để đạt mục tiêu không tăng quá 1,5 độ C đòi hỏi chuyển đổi 7,6 triệu km2 - gấp đôi diện tích Ấn Độ - thành BECCS.

Ý tưởng thứ hai kêu gọi trồng mới cây xanh trên một diện tích bằng nước Mỹ (bao gồm Alaska), gần 10 triệu km2.

“Khôi phục rừng là biện pháp chống biến đổi khí hậu tốt nhất mà chúng ta đang có”, Tom Crowther, giáo sư đại học ETH Zurich, cho biết. “Nếu chúng ta hành động ngay bây giờ, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển có thể giảm tới 25%, xuống mức của cách đây một thế kỷ”.

nong len toan cau anh 5
Một ý tưởng táo bạo kêu gọi trồng mới cây xanh trên một diện tích bằng nước Mỹ (bao gồm Alaska), gần 10 triệu km2, để chống nóng lên toàn cầu. Ảnh: Getty Images.

Những hoài nghi về các giải pháp

Đề xuất trồng 3.000 tỷ cây của ông Crowther lên trang nhất báo chí thế giới, nhưng cũng bị phản bác nhiều.

Theo một số nhà khoa học, tính toán của ông thiếu sót khi giả sử rằng mỗi tấn CO2 được thu lại trong cây xanh cũng là một tấn CO2 được loại bỏ khỏi bầu khí quyển. Trên thực tế, tỷ lệ đó là 2:1 do đặc điểm vòng tuần hoàn carbon trên Trái Đất, như vậy đề xuất của ông bớt hiệu quả đi rất nhiều.

Ngoài ra, phải mất hàng thập kỷ để rừng cây của ông Crowther đạt khả năng hấp thụ CO2 cao nhất. Chính ông cũng chỉ ra điều này.

Những ý kiến hoài nghi khác nói nếu cứ đề ra các giải pháp đơn giản, sẽ khiến nhân loại mất đi quyết tâm từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Chính các công ty dầu khí khổng lồ đang tỏ ra sẵn sàng trồng cây hơn ai hết.

“(Các công ty dầu khí) trồng rừng một cách anh hùng sẽ có ích đấy, nhưng cần phải dừng ngay giọng điệu nói sử dụng nhiên liệu hóa thạch ‘một cách tự nhiên’ là một giải pháp”, Myles Allen, giáo sư về khoa học địa chất ở Đại học Oxford, nói với AFP. “Không có giải pháp nào như thế cả”.

nong len toan cau anh 6
Các nghiên cứu cho rằng các nguồn năng lượng hóa thạch cần được nhanh chóng thay thế bằng năng lượng sạch để chặn biến đổi khí hậu đạt mức thảm họa. Ảnh: Getty Images.

Lập luận phản đối mạnh nhất ý tưởng trồng cây là việc thay đổi hệ sinh thái như vậy có tính phá hủy lớn.

Chẳng hạn, chuyển đổi các savan (thảm thực vật nhiệt đới chủ yếu là tầng cỏ, ít cây to) thành cây cao sẽ phá hủy hệ sinh thái tại đây, đe dọa làm tuyệt chủng các loài, đảo lộn cuộc sống hàng triệu người, các nhà nghiên cứu cảnh báo.

Giảm nóng lên toàn cầu cần nhiều đất, dân số tăng cũng cần nhiều đất

Câu hỏi lớn hơn cả là liệu những đề xuất “khủng” nói trên có đe dọa đất sẽ cung cấp lương thực cho các thế hệ sau.

“Chúng tôi dự đoán với đà tăng dân số hiện nay, năm 2050 sẽ có 9,8 tỷ người và đòi hỏi nhiều lương thực hơn 56% so với năm 2010”, Fred Stolle, giáo sư đại học Johns Hopkins và tác giả một báo cáo về an ninh lương thực được Liên Hợp Quốc tài trợ, nói với AFP.

“(Nhu cầu lương thực trên) sẽ đòi hỏi biến 6 triệu km2 đất rừng thành đất nông nghiệp” - một diện tích rộng 10 lần nước Pháp, trong đó 2/3 dành cho chăn nuôi, 1/3 dành cho trồng trọt, ông nói với AFP.

nong len toan cau anh 7
Chính phủ Mỹ dưới năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump đã rút khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu, được 197 nước ký kết năm 2015. Ảnh: Getty Images.

Hệ thống cung cấp lương thực hiện nay không còn bền vững, khi tạo ra 25-30% khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời gây ô nhiễm nitơ đối với sinh vật nước ngọt.

“Để có đủ lương thực cho 10 tỷ người vào năm 2050 trên Trái Đất, chúng ta phải chọn chế độ ăn khỏe mạnh, dựa vào thực vật, giảm lãng phí thức ăn, và đầu tư vào công nghệ giảm tác động môi trường”, Johan Rockstrom, cựu giám đốc của Viện Potsdam Nghiên cứu Tác động Biến đổi Khí hậu, nói với AFP.

Liệu hai việc này - dùng đất để tạo lương thực cho 10 tỷ người và dùng đất trồng cây, hấp thụ khí CO2 khỏi khí quyển - có thể dung hòa hay không, vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Thế giới nhận 'tối hậu thư' 12 năm ngăn thảm họa biến đổi khí hậu

Nghiên cứu mới nhất kêu gọi thế giới cần sự thay đổi nhanh chóng và sâu rộng trong mọi khía cạnh xã hội để ngăn hiện tượng ấm lên toàn cầu đạt đến mức độ thảm họa vào năm 2030.

LHQ: Chúng ta là thế hệ cuối cùng có thể ngăn chặn biến đổi khí hậu

Giới quan sát kêu gọi cắt giảm khí thải cần được đẩy nhanh tốc độ để ngăn nhiệt độ Trái Đất tăng quá 1,5 độ C, tránh các hậu quả nghiêm trọng đối với hàng tỷ người.





Tin vui lon cho ong Trump hinh anh

Tin vui lớn cho ông Trump

0

Công tố viên đặc biệt Jack Smith sẽ hủy bỏ hai vụ kiện hình sự cấp liên bang chống lại ông Donald Trump. Người phát ngôn của ông Trump gọi đây là chiến thắng lớn cho pháp quyền.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm