Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc ngày 3/12 đã đưa ra thông điệp cảnh báo rằng thế hệ hôm nay chính là thế hệ cuối cùng có thể ngăn chặn những hậu quả kinh hoàng của hiện tượng nóng lên toàn cầu, đồng thời là thế hệ đầu tiên của nhân loại chịu những tác động của biến đổi khí hậu cực đoan.
Đại diện của hơn 200 quốc gia sẽ họp tại Ba Lan trong vòng 2 tuần, đàm phán một thỏa thuận hiện thực hóa mục tiêu cắt giảm khí thải từng được thống nhất trong Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.
Một mục tiêu then chốt khác của hội nghị là đẩy nhanh tốc độ hành động toàn cầu, đặc biệt khi những cam kết chống biến đổi khí hậu hiện nay vẫn không đủ khả năng ngăn nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 3 độ C và dẫn đến những hậu họa nghiêm trọng.
Liên tiếp các hiện tượng khí hậu cực đoan diễn ra trong vòng 4 năm qua được các nhà khoa học lý giải là hệ quả của nóng lên toàn cầu. Ảnh: AP. |
Biến đổi khí hậu trở thành 'bình thường mới'
Nhiệt độ Trái Đất trong 4 năm qua đã lập kỷ lục nóng nhất từ trước đến nay. Lượng khí thải toàn cầu đang tiếp tục tăng, trong khi mục tiêu đặt ra là cắt giảm 1/2 lượng khí thải trước năm 2030. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, các nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu cần tăng gấp 5 lần để nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 1,5 độ C.
Nỗ lực chống biến đổi khí hậu cũng gặp nhiều thách thức về chính trị. Tổng thống Donald Trump năm 2017 đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trong tuyên bố chung của Thượng đỉnh G20 vừa qua ở Argentina, chính phủ Mỹ tiếp tục giữ nguyên lập trường trái ngược với 19 nền kinh tế còn lại.
Ông Jair Bolsonaro vừa đắc cử tổng thống Brazil cũng phản đối lộ trình chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc. Nhiều nhà quan sát bày tỏ lo ngại khi ngay cả chủ nhà hội nghị năm nay là Ba Lan còn ủng hộ sử dụng than đá.
Tuy nhiên, những dấu hiệu tích cực cũng xuất hiện tại châu Âu khi Liên minh Châu Âu (EU) đặt vấn đề chống biến đổi khí hậu làm ưu tiên hàng đầu. Chi phí các nguồn năng lượng tái tạo bắt đầu giảm mạnh. Giới chính trị gia cũng quan tâm hơn đến vấn đề này sau một năm châu Âu chịu hiện tượng khí hậu cực đoan.
“Chúng ta chính là thế hệ cuối cùng có thể thay đổi đường đi của biến đổi khí hậu, nhưng cũng là thế hệ đầu tiên gánh chịu những hậu quả của nó”, Kristalina Georgieva, CEO Ngân hàng Thế giới (WB), nhấn mạnh.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2018 nhấn mạnh thế giới cần đẩy nhanh cắt giảm khí thải để ngăn nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 1,5 độ C. Ảnh: Getty. |
Tổ chức này ngày 3/12 công bố gói viện trợ kỷ lục trị giá 200 tỷ USD từ năm 2021-2025 cho vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. WB cũng lần đầu tiên chia đều số tiền viện trợ cho các dự án cắt giảm khí thải nhà kính và bảo vệ người dân trước những hiện tượng lũ lụt, bão tố và hạn hán đang ngày một khắc nghiệt vì nóng lên toàn cầu.
“Biến đổi khí hậu đã trở thành một khái niệm bình thường mới”, GS Patrick Verkooijen, CEO Trung tâm Thích nghi khí hậu Toàn cầu (GCA) của Hà Lan, cho biết. “Cuộc tranh luận về vấn đề khí hậu không còn giới hạn trong việc đi tìm nguyên nhân. Tranh luận giờ đây phải tập trung thêm vào hàng tỷ người sẽ chịu ảnh hưởng và cần thích nghi nhanh chóng với biến đổi khí hậu”.
Nhiệm vụ đàm phán khó khăn
Các nước giàu đã cam kết hỗ trợ gần 100 tỷ USD/ năm đến năm 2020 để những nước kém phát triển thích nghi với biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng sạch. Những nhà đàm phán tại Ba Lan sẽ cần đưa hai nhóm lại gần nhau hơn, đạt một thỏa thuận đủ vững chắc nhằm hiện thực hóa những hứa hẹn về môi trường.
Họ còn phải xây dựng bộ luật quản lý hiệu quả việc thực thi các cam kết hành động đã được nhất trí trong Hiệp định Paris năm 2015, đảm bảo mọi quốc gia đều đóng góp vào nỗ lực chung.
“Những quy định công bằng và hiệu quả về thống kê trách nhiệm cần được xây dựng sớm, với những nền kinh tế xả khí thải hàng đầu như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ cần có trách nhiệm đặc biệt”, GS Johan Rockstrom, Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Postdam (Đức) nhấn mạnh bộ quy định nói trên là vô cùng cần thiết với nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Biểu tình chống biến đổi khí hậu tại Brussels ngày 2/12. Ảnh: Reuters. |
Nước chủ nhà Ba Lan sẽ đóng vai trò quyết định đối với hội nghị năm nay. Thứ trưởng Năng lượng Michal Kurtyka đã cam kết sẽ tập trung vào vấn đề sử dụng rừng để giảm lượng CO2 trong bầu khí quyển, phát triển phương tiện giao thông chạy bằng điện và đảm bảo công nhân trong những ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch có thể chuyển tiếp sang công việc mới.
Hơn 80% sản lượng điện Ba Lan là nhờ nhiệt điện than đá. Thượng đỉnh năm nay được tổ chức ở Katowice - một thị trấn khai thác than đá. Chính phủ Ba Lan thậm chí nhận tài trợ từ 2 công ty khai thác than để tổ chức hội nghị. Giới quan sát đánh giá những động thái này có thể truyền tải sai thông điệp của sự kiện trong khi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang đi vào giai đoạn quyết định.
Trong khi nhiều quốc gia vẫn kiên quyết cam kết hành động, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy đang làm suy yếu quyết tâm chính trị tại nhiều nước trong cuộc chiến bảo vệ môi trường.
“Chúng ta nhìn thấy ngày một nhiều cách tiếp cận mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc trở nên phổ biến và giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Tôi lo ngại điều này dẫn đến sự thiếu hụt về quyết tâm chính trị (trong chống biến đổi khí hậu)”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tuần qua cảnh báo.