World Bank ngày 3/12 cho biết quyết định, đưa ra cùng lúc với Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu tại Ba Lan, thể hiện “mong muốn mạnh mẽ ngày càng gia tăng đáng kể” để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và “lan truyền rộng tín hiệu quan trọng thúc đẩy cộng đồng quốc tế làm theo”.
Các nước phát triển cam kết tăng tổng chi tiêu công và tư thường niên lên 100 tỷ USD tại những nước đang phát triển nhằm đối phó với hậu quả biến đổi khí hậu trước năm 2020. Theo số liệu của OECD, khoản hỗ trợ này cao hơn nhiều so với năm 2016 (48,5 tỷ USD) và 2017 (56,7 tỷ USD).
Dẫu vậy, các quốc gia Nam bán cầu chịu ảnh hưởng từ mức tăng nhiệt đang thúc giục Bắc bán cầu thực hiện những cam kết mạnh mẽ hơn.
Nhà máy điện chạy bằng than tại Trung Quốc, quốc gia có lượng khí thải lớn nhất trên thế giới. Ảnh: AFP. |
Theo thông cáo, trong cam kết 200 tỷ USD, “khoảng 100 tỷ USD là nguồn quỹ trực tiếp từ WB”. 1/3 phần còn lại đến từ hai tổ chức tài chính thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới và 2/3 là vốn tư nhân “do Nhóm Ngân hàng Thế giới huy động”.
“Nếu chúng ta không giảm thiểu phát thải và bắt đầu thích ứng ngay bây giờ, ta sẽ có thêm 100 triệu người sống trong nghèo khó vào năm 2030”, John Roome, giám đốc cấp cao về biến đổi khí hậu tại WB, cảnh báo.
“Và chúng ta cũng biết rằng càng thiếu chủ động trong việc giải quyết vấn đề chỉ ở ba khu vực là châu Phi, Nam Á và Mỹ Latin thì chúng ta đã có tới 133 triệu người di cư khí hậu”, AFP dẫn lời ông Roome.
Gói tài chính của WB tương đương với “khoảng 40 tỷ USD/năm, nhưng số vốn trực tiếp trung bình là 27 tỷ USD/năm”, ông Roome nói, cho biết thêm riêng năm tài khóa 2018 (tháng 6/2017- tháng 6/2018), WB đã đầu tư 20,5 tỷ USD cho hoạt động khí hậu. Số liệu trung bình trong giai đoạn 2014-2018 là 13,5 tỷ USD.
Theo ông, khoản vốn được chỉ định hiện chiếm tỷ trọng xấp xỉ 35% tổng cam kết từ WB. Trong đó, phần lớn sẽ được sử dụng để giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt thông qua phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
Bangladesh là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, đối mặt với nguy cơ ngập lụt, bão và lở đất. Ảnh: CNN. |
Tuy nhiên, WB cũng khẳng định “ưu tiên then chốt là tăng cường hỗ trợ thích nghi với biến đổi khí hậu” trong bối cảnh hàng triệu người đang phải chống chọi với thời tiết cực đoan.
“Bằng cách tăng hỗ trợ tài chính trực tiếp để thích ứng với biến đổi khí hậu lên tới 50 tỷ USD trong giai đoạn tài khóa 2021-2025, đây là lần đầu tiên WB dành sự chú trọng cho mục tiêu này ngang bằng với các khoản đầu tư giảm phát thải khác”, AFP dẫn thông cáo.
Trước tính cấp bách của tình trạng nước biển dâng, ngập lụt và hạn hán, “chúng ta phải xử lý từ gốc rễ nguyên nhân, nhưng cũng cần thích ứng với những hậu quả mà thường ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tới người nghèo”, Tổng giám đốc điều hành WB Kristalina Georgieva nói.
Theo bà, bằng việc tăng cường hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề, WB cam kết chuyển đổi cơ sở hạ tầng thích nghi biến đổi khí hậu, đồng thời đầu tư vào “nông nghiệp thích ứng thông minh với khí hậu, quản lý nước bền vững và lưới an sinh xã hội đáp ứng”, cũng như mạng lưới phản ứng sớm.
“Kể cả nếu có thể giữ cho ấm lên toàn cầu ở mức 2 độ C, chúng ta biết rõ là những khu vực như Chad, Mozambique và Bangladesh sẽ cần điều chỉnh đáng kể để thích ứng”, ông Roome nhấn mạnh.
Đại diện gần 200 quốc gia đang có mặt tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu khai mạc hôm 2/12 tại thành phố Katowice, Ba Lan, nhằm nỗ lực hiện thực hóa các cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Theo thỏa thuận, các nước nhất trí giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C và nỗ lực giới hạn mức tăng ở 1,5 độ C.