Tuyên bố chung G20 được ký ngày 1/12 ở Buenos Aires, thủ đô Argentina, cho biết có 19 nền kinh tế thành viên tái khẳng định cam kết đối với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Mỹ tiếp tục là nước duy nhất không ủng hộ thỏa thuận này sau khi rút khỏi vào năm 2017.
Văn kiện cũng thừa nhận hệ thống thương mại toàn cầu còn nhiều lỗ hổng và kêu gọi cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng không đề cập đến vấn đề “chủ nghĩa bảo hộ”. Theo AP, phái đoàn Mỹ đã phản đối việc sử dụng khái niệm này trong quá trình đàm phán.
Lãnh đạo 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới đã ký kết tuyên bố chung tại Buenos Aires, Argentina ngày 1/12. Ảnh: Reuters. |
Mỹ là nút thắt lớn nhất
Cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các nhà lãnh đạo ký duyệt tuyên bố chung, kết thúc thượng đỉnh G20 lần đầu tiên được tổ chức tại Nam Mỹ.
Để đạt được thỏa thuận không mang tính ràng buộc này, các nhà ngoại giao đã phải đàm phán xuyên đêm tìm cách giải quyết bất đồng sâu sắc giữa những thành viên G20. Một số quan chức Liên minh Châu Âu (EU) tiết lộ phái đoàn Mỹ là nút thắt lớn nhất trên hầu hết mọi vấn đề.
Đàm phán tuyên bố chung cũng gặp phải tranh cãi từ các thành viên còn lại của G20. Trung Quốc phản đối đối thoại về thị trường thép toàn cầu. Nam Phi không đồng ý về ngôn ngữ sử dụng trong thương mại. Australia không chấp nhận một tuyên bố chung quá mềm mỏng về vấn đề nhập cư. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại văn kiện sẽ đẩy vấn đề biến đổi khí hậu đi quá xa.
Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói tuyên bố chung G20 đã đáp ứng nhiều mục tiêu mà Mỹ đặt ra, với điểm nhấn là nội dung về cải tổ WTO. Vị quan chức này ghi nhận những yếu tố khác như nội dung về phát triển nguồn lao động, vai trò phụ nữ trong kinh tế và việc Trung Quốc cam kết minh bạch hóa hoạt động cho vay cơ sở hạ tầng.
Theo vị quan chức này, phần nội dung bất thường về biến đổi khí hậu là điều cần thiết để Mỹ ngồi vào bàn ký kết. Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Nga trước đó bày tỏ ủng hộ lập trường của Mỹ nhưng cuối cùng vẫn ngồi lại cùng các nước ủng hộ Hiệp định Paris, quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết.
Vấn đề biến đổi khí hậu được đề cập trong phần cuối của tuyên bố chung G20. Văn kiện khẳng định 19 thành viên tổ chức đồng thời là thành viên ký kết Hiệp định Paris sẽ duy trì cam kết, trong khi Mỹ sẽ duy trì quyết định rút khỏi hiệp định.
Tuyên bố chung cũng dẫn lại một báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc cảnh báo những tác hại của hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ trầm trọng hơn các dự báo trước kia. Các bên ủng hộ hội nghị sắp tới của Liên Hợp Quốc ở Ba Lan nhằm thống nhất cách thức hiện thực hóa những cam kết của Hiệp định Paris.
Chính phủ của Tổng thống Trump tái khẳng định không ủng hộ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ảnh: AP. |
Đối với thương mại toàn cầu, tuyên bố chung tại Buenos Aires khẳng định 20 nền kinh tế thành viên ủng hộ thương mại đa phương nhưng thừa nhận hệ thống hiện tại không hoạt động hiệu quả và cần điều chỉnh, thông qua “cải tổ thiết thực đối với WTO nhằm cải thiện các chức năng của tổ chức”.
Theo một số quan chức EU, phái đoàn đàm phán Mỹ đã cảnh báo tuyên bố chung không nói quá nhiều về vấn đề nhập cư nếu không muốn Tổng thống Trump từ chối ký kết. Các bên đồng ý tiết chế từ ngữ, nhìn nhận thực trạng các dòng nhập cư đang ngày một lớn và tầm quan trọng của việc chia sẻ trách nhiệm hỗ trợ người tị nạn, giải quyết tận gốc các vấn đề dẫn đến những dòng người tị nạn quốc tế.
Ngoài ra, tuyên bố chung cũng cho biết các thành viên G20 cùng cam kết hướng đến một “trật tự quốc tế dựa trên pháp luật”.
Bước lùi của G20
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung phủ bóng lên thượng đỉnh ở Buenos Aires, các nước châu Âu đã đóng vai trò người hòa giải, giảm mức kỳ vọng tại hội nghị, bỏ đề cập về chủ nghĩa bảo hộ đang lên.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng Mỹ chấp nhận ký tuyên bố chung là một chiến thắng của thượng đỉnh. “Với Tổng thống Trump, chúng ta đã đạt được một thỏa thuận. Phía Mỹ đã chấp nhận một văn kiện”, ông nói.
Trong khi đó, Thomas Bernes, chuyên gia tại Trung tâm Sáng kiến Quản lý Quốc tế (CIGI) ở Canada, nhận định rằng G20 đã đi chệch hướng trong cuộc thượng đỉnh lần này và không thật sự sửa chữa hệ thống thương mại. Mỹ quá cứng rắn trong các vấn đề nhập cư và khí hậu, chặn đứng các thỏa thuận mang ý nghĩa thiết thực.
“Thay vào đó, giới lãnh đạo tự chôn vùi các khác biệt bằng những ngôn ngữ mơ hồ, bỏ đi nội dung về đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ vốn được đề cập trong mọi tuyên bố chung G20 kể từ thượng đỉnh đầu tiên. Đây rõ ràng là một bước thụt lùi gây nên bởi sự vô cảm của chính phủ Mỹ”, Bernes nhấn mạnh.
“Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có đang chôn vùi luôn cả G20 trong quá trình này không. Rõ ràng đây là một đòn chấn động giáng vào uy tín của G20 về vai trò lãnh đạo giải quyết các vấn đề toàn cầu”, ông nhận định.