Hội nghị G20 năm nay là phép thử lớn đối với nhóm 20 quốc gia công nghiệp. Với sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc tại một số nước, G20, nhóm nền kinh tế với 2/3 dân số toàn cầu, đối mặt với những nghi vấn xung quanh khả năng giải quyết căng thẳng thương mại, điều làm rối loạn thị trường toàn cầu trong thời gian gần đây.
Hôm 30/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã cùng ra tuyên bố kêu gọi thúc đẩy thương mại tự do toàn cầu và củng cố Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
“Tinh thần và những quy định của WTO phản đối các biện pháp bảo hộ và đơn phương. Chúng tôi kêu gọi tất cả thành viên chống lại những biện pháp không nhất quán với WTO, tuân theo các cam kết tại WTO”, Reuters trích tuyên bố.
Tổng thống Brazil Michel Temer, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự hội nghị nhóm các nền kinh tế mới nổi tại Argentina hôm 30/11. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Theo văn bản này, BRICS nhất trí thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, với đại diện là WTO, đồng thời đảm bảo thương mại toàn cầu minh bạch, công bằng, cởi mở và bao trùm.
Các nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế giải quyết tranh chấp trong hoạt động của WTO, kêu gọi khởi động quá trình tuyển chọn để lấp chỗ trống trong Cơ quan phúc thẩm, nhằm duy trì sự vận hành ổn định của cơ chế giải quyết tranh chấp.
Bắc Kinh hy vọng thuyết phục ông Trump bỏ kế hoạch tăng thuế quan từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc vào tháng 1/2019.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay trước thềm hội nghị G20, những khác biệt vẫn còn đó nhưng dấu hiệu về sự nhất trí đang xuất hiện.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nói rằng đã có một số dấu hiệu tích cực.
“Chúng tôi đang làm việc cật lực. Nếu chúng tôi có thể đạt được một thỏa thuận thì sẽ rất tốt. Tôi nghĩ họ muốn vậy. Chúng ta cũng muốn vậy. Hãy cùng đợi xem”, ông nói.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: Kyodo. |
Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ cùng ăn tối vào ngày 1/12 và gặp mặt bên lề hội nghị thượng đỉnh G20.
"Nếu Trung Quốc tới bàn thảo luận, mà trong trường hợp này là bàn ăn tối, với những ý tưởng mới, thái độ mới và sự hợp tác mới, thì như tổng thống đã nói, rất có khả năng chúng ta có thể đạt được thỏa thuận", Cố vấn Nhà Trắng về kinh tế Larry Kudlow nói với phóng viên hôm 27/11.
Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi cuộc gặp Trump - Tập có thể sẽ chỉ là "ngừng bắn tạm thời", thay vì đột phá.
"Có khả năng cuộc chiến thương mại sẽ ngưng một thời gian sau hội nghị G20, nhưng tôi không nghĩ cuộc chiến đó sẽ kết thúc hẳn", Ling Chen, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao thuộc Đại học Johns Hopkins nói với Al Jazeera.