Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc ngày 8/10 đã công bố nghiên cứu báo động nhiệt độ Trái Đất vào năm 2030 sẽ cao hơn giai đoạn tiền công nghiệp 1,5 độ C.
Vượt qua ngưỡng nhiệt này, nhân loại sẽ đứng trước hàng loạt hiện tượng khí hậu cực đoan như hạn hán, cháy rừng, lũ lụt. Hàng trăm triệu người có thể rơi vào cảnh thiếu lương thực.
12 năm trước thảm họa
Mốc thời gian này được tính toán dựa trên mật độ khí thải nhà kính hiện nay trên thế giới.
Nhân loại đã đi “được” 2/3 chặng đường đến giới hạn đỏ. Nhiệt độ Trái Đất giờ đây cao hơn giai đoạn tiền công nghiệp gần 1 độ C. Thế giới chỉ còn khoảng 12 năm để thay đổi và kìm hãm hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Các đợt cháy rừng tại California những năm qua xuất hiện với mật độ ngày càng dày đặc và quy mô tăng dần. Ảnh: AP. |
“Cảnh báo này thật sự đáng sợ. Chúng ta biết rõ sẽ có rất nhiều vấn đề nảy sinh một khi sự ấm lên toàn cầu vượt mức 1,5 độ C gây bão nhiệt và những mùa hè nóng hơn, mực nước biển dâng cao, nhiều nơi trên thế giới xảy ra hạn hán trong khi một số nơi lượng mưa tăng đột biến”, Andrew King, giảng viên khoa học khí hậu tại Đại học Melbourne, Australia, khẳng định.
Để tránh được viễn cảnh này, lượng ô nhiễm khí thải CO2 toàn cầu vào năm 2030 cần được cắt giảm 45% so với lượng khí thải năm 2010 và phải đạt “tổng bằng 0” vào năm 2050.
Điều này hoàn toàn khả thi về góc độ kỹ thuật. Tuy nhiên, việc giảm được khí thải nhà kính đòi hỏi sự thay đổi quy mô lớn trong tất cả các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, xây dựng, giao thông và đô thị.
“Khe cửa hẹp để kìm hãm nóng lên toàn cầu không vượt ngưỡng 1,5 độ C đang đóng lại rất nhanh. Trong khi đó, những cam kết cắt giảm khí thải được ký kết bởi các nước thành viên Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu không đủ mạnh để đạt được mục tiêu đặt ra”, ông King nhận định.
Hệ quả nhãn tiền
Báo cáo của IPCC khẳng định biến đổi khí hậu đang diễn ra ngay lúc này. Những hệ quả tiếp đến sẽ ngày một tồi tệ hơn, trừ khi có sự phối hợp hành động chính trị quốc tế khẩn cấp.
“Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, mực nước biển tăng, băng tại Bắc Cực tan chảy và nhiều thay đổi khác mà chúng ta đang chứng kiến đều là hệ quả khi Trái Đất ấm thêm 1 độ C. Đó là một trong những thông điệp mạnh mẽ nhất từ báo cáo”, Panmao Zhai, đồng chủ tịch Nhóm làm việc số 1 của IPCC, cho biết.
Ảnh chụp vệ tinh năm 2016 cho thấy một phần lớn diện tích Bắc Băng Dương không còn đóng băng. Ảnh: NASA. |
Tuy nhiên, kể cả trường hợp hiện tượng ấm lên toàn cầu được kìm hãm dưới mức 1,5 độ C thì tác động của nó vẫn có quy mô lớn và mức đe dọa đáng kể.
Nghiên cứu chỉ ra rằng các đợt sóng nhiệt sẽ khiến thời tiết mùa hè nóng thêm 3 độ C, tương tự như những gì đã diễn ra tại châu Âu thời gian qua. Các đợt hạn hán sẽ xảy ra thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn, tương tự tình trạng từng xảy ra ở Cape Town, Nam Phi. Những siêu bão với mức tàn phá như Harvey hay Florence tại Mỹ sẽ trở thành hình ảnh quen thuộc.
Những rạn san hô cũng sẽ chịu tác động nghiêm trọng. Các nhà khoa học ước đoán khoảng 70 – 90% san hô toàn cầu sẽ chết, trong đó có rạn Great Barrier tại Australia.
Các nhà khoa học cũng cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ có tác động lớn hơn đối với tăng trưởng kinh tế của những nước ở khu vực Nam Bán cầu. Những thay đổi nhiệt độ toàn cầu dù rất nhỏ cũng đủ sức làm tăng mức độ nghiêm trọng của thảm họa thiên nhiên.
“Mỗi đơn vị nhiệt tăng thêm dù nhỏ đến mức nào cũng có rủi ro dẫn đến những thay đổi vĩnh viễn không thể đảo ngược, chẳng hạn như sự biến mất của một số hệ sinh thái”, Hans-Otto Portner, đồng chủ tịch Nhóm làm việc số 2 của IPCC, cho biết.
Theo tính toán của các nhà khoa học, sự khác biệt về tác động môi trường giữa ngưỡng 1,5 độ C và 2 độ C cao hơn kỷ nguyên tiền công nghiệp là vô cùng lớn.
Với mức 1,5 độ C, gia tăng mực nước biển toàn cầu vào năm 2100 sẽ thấp hơn 10 cm. Khả năng biển Bắc Băng Dương không có băng vào mùa hè sẽ chỉ xảy ra 1 lần trong 1 thế kỷ, chứ không phải 1 lần trong 1 thập niên. Các rạn san hô trên toàn cầu sẽ giảm từ 70-90% nhưng không bị xóa sổ hoàn toàn.
Khả thi về lý thuyết
Theo ông Jim Skea, đồng chủ tịch Nhóm làm việc số 3 của IPCC, việc hạn chế nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C là hoàn toàn khả thi về mặt “lý thuyết hóa học và vật lý”. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi tất cả các nước trên thế giới thay đổi với quy mô chưa từng có.
“Hợp tác quốc tế là điều kiện tiên quyết để giảm khí thải nhà kính, kìm hãm nóng lên toàn cầu và các tác động của nó. Chúng ta cần sự hiệp đồng hiệu quả, thực thi các biện pháp thích nghi và giảm khí thải một cách rộng rãi. Những năm ít ỏi sắp tới mang ý nghĩa then chốt đối với tiến triển của những nỗ lực này”, Sarah Perkins-Kirkpatrick, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu thuộc Đại học New South Wales, cho biết.
Các nghiên cứu cho rằng các nguồn năng lượng hóa thạch cần được nhanh chóng thay thế bằng năng lượng sạch để chặn biến đổi khí hậu đạt mức thảm họa. Ảnh: Getty. |
Một trong những vấn đề quan trọng nhất là cắt giảm khí thải nhà kính. Các công nghệ lọc carbon quy mô lớn có thể giảm đáng kể lượng khí carbon xả vào không khí và khắc phục tình trạng ô nhiễm.
Theo báo cáo của IPCC, có 2 cách chủ đạo để loại bỏ carbon trong bầu khí quyển: gia tăng những quá trình hút carbon tự nhiên và thử nghiệm các công nghệ trữ hoặc loại bỏ carbon trong không khí.
“Tuy nhiên, tất cả các biện pháp này đang ở những mức độ phát triển khác nhau. Một số vẫn chỉ là ý tưởng. Chưa có biện pháp nào được thử nghiệm trên quy mô lớn”, báo cáo này cho biết.
Khó có quyết tâm chính trị toàn cầu
Báo cáo khoa học này được IPCC tiến hành trong vòng 3 năm và là kết quả trực tiếp của Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu năm 2015.
Toàn bộ 197 nước ký kết khi đó thống nhất chênh lệch nhiệt độ so với giai đoạn tiền công nghiệp cần “thấp hơn đáng kể” so với ngưỡng 2 độ C. Các nước thành viên nỗ lực giữ mức tăng đến 1,5 độ C.
Mỹ ban đầu nằm trong số các nước thành viên hiệp định. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ đã rút Mỹ khỏi hiệp định, cho rằng các cam kết tại Paris là không công bằng.
Chính phủ Mỹ dưới năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump đã rút khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu, được 197 nước ký kết năm 2015. Ảnh: Getty. |
Nỗ lực ngăn Trái Đất nóng lên thêm quá 1,5 độ C cũng đòi hỏi sự vận động chính trị toàn cầu, cắt giảm lượng carbon được thải vào bầu khí quyển. Mặc cho tình trạng báo động hiện nay về nóng lên toàn cầu, không nhiều người lạc quan về khả năng cả thế giới hợp tác cắt giảm khí thải, đặc biệt với lập trường của chính phủ Tổng thống Trump trong vấn đề này.
“Ngày hôm nay, các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã cùng nhau chứng minh lại những điều mà mẹ thiên nhiên đã cho chúng ta thấy rõ từ lâu. Con người cần bước vào một quá trình chuyển đổi nhanh chóng, gấp rút sang nền kinh tế năng lượng sạch toàn cầu”, cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore nhấn mạnh.
“Thật đáng tiếc là chính phủ Tổng thống Trump đã 'nổi loạn' và đứng ngoài cuộc, với tầm nhìn ngắn hạn là để làm lợi cho ngành công nghiệp khai thác năng lượng hóa thạch vốn đã thuộc về quá khứ. Chính phủ này đang mâu thuẫn trực tiếp với những doanh nghiệp, bang, thành phố và công dân Mỹ dẫn đầu quá trình chuyển đổi trên”, ông nhấn mạnh.